Trứng tốt cho sức khỏe nhưng một số người không nên ăn
Cuộc sống xanh - Ngày đăng : 20:00, 04/04/2025
Những lợi ích sức khỏe từ quả trứng gà
Trứng gà có chứa nhiều chất dinh dưỡng và còn được gọi là “siêu thực phẩm”. Trong mỗi quả trứng gà có chứa rất nhiều dưỡng chất như protein, chất béo lành mạnh, calo, folate, vitamin A, vitamin B2, B5, B6, B12, vitamin D, vitamin K, phốt pho, selen, canxi, kẽm và nhiều chất dinh dưỡng khác.
Rất tốt cho sức khỏe đôi mắt: Trong trứng gà có chứa nhiều hợp chất chống oxy hóa, chẳng hạn như zeaxanthin và lutein,... có thể giúp giảm nguy cơ thoái hóa điểm vàng, đục thủy tinh thể. Bên cạnh đó, lượng vitamin A trong trứng cũng rất quan trọng, góp phần phòng tránh các bệnh về mắt.
Giúp xương chắc, tóc khỏe: Khi ăn trứng gà, cơ thể sẽ được bổ sung vitamin D. Nhờ có vitamin D mà khả năng hấp thụ canxi của cơ thể sẽ tốt hơn. Từ đó, giúp phòng tránh loãng xương và giúp tóc và móng thêm chắc khỏe. Bên cạnh đó, các axit amin và các khoáng chất khác trong trứng cũng có tác dụng làm giảm nguy cơ mất cân bằng sinh hóa cơ thể và giúp bạn có mái tóc khỏe đẹp hơn.
Rất tốt cho não bộ: Trong trứng gà có chứa choline – đây là dưỡng chất quan trọng tương tự với vitamin B. Choline đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành màng tế bào, đồng thời sản sinh những phân tử tín hiệu của não. Cơ thể bị thiếu choline có thể phải đối mặt với những vấn đề như giảm khả năng nhận thức, rối loạn thần kinh,...

Không ảnh hưởng xấu tới cholesterol: Trứng có chứa nhiều cholesterol nhưng ít có nguy cơ làm tăng cholesterol trong máu. Tuy nhiên, trong một nhóm đối tượng thì trứng có thể khiến cholesterol toàn phần và cholesterol xấu tăng nhẹ.
Tăng hàm lượng cholesterol tốt, giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch và một số bệnh lý khác.
Cung cấp axit béo omega 3, giảm triglycerid: Khi ăn trứng, bạn có thể bổ sung cho cơ thể một số thực phẩm giàu omega-3 và giúp giảm triglyceride trong máu. Từ đó giảm nguy cơ mắc phải các bệnh lý về tim mạch.
Trứng giúp giảm cân: Trong một quả trứng có chứa gần như đầy đủ các dưỡng chất cần thiết cho cơ thể. Chính vì thế, khi ăn trứng bạn có cảm giác no lâu hơn. Do đó, đây là thực phẩm thường được bổ sung trong chế độ ăn kiêng, giảm cân của rất nhiều người.
Người nào không nên ăn trứng
Theo bác sĩ chuyên khoa 1 Đinh Trần Ngọc Mai, khoa Dinh dưỡng - Tiết chế, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, trứng là nguồn protein chất lượng cao với đầy đủ 9 axit amin thiết yếu, giúp cơ thể hấp thụ tối ưu.
Tuy nhiên bác sĩ Ngọc Mai cho biết, những bệnh cần hạn chế trứng gồm dị ứng trứng thường gặp ở trẻ nhỏ, gây nổi mề đay, khó thở. Hạn chế lòng đỏ ở người có rối loạn mỡ máu vì chứa nhiều cholesterol. Tuy nhiên, ăn 1-2 quả/ngày không gây ảnh hưởng lớn.
Bệnh nhân bệnh thận mạn cần kiểm soát protein, nhưng vẫn có thể ăn lòng trắng trứng và tính toán tổng lượng protein mỗi ngày cho phù hợp.
Ăn bao nhiêu trứng là phù hợp?
Theo chuyên gia dinh dưỡng, với trẻ nhỏ từ 6 - 7 tháng tuổi, mỗi bữa ăn 1/2 lòng đỏ trứng gà. Trẻ từ 8 - 9 tháng tuổi, mỗi bữa ăn 1 lòng đỏ trứng gà hoặc 4 quả trứng chim cút.
Trẻ từ 10 - 12 tháng tuổi cho ăn cả lòng đỏ và lòng trắng và mỗi bữa ăn 1 quả.
Trẻ từ 1 - 2 tuổi ăn từ 3 - 4 quả/tuần.
Người lớn, một tuần chỉ nên ăn khoảng 3 quả/tuần.
Không nên ăn trứng sống
BS Nguyễn Thị Thanh Nhàn, khoa Dinh dưỡng tiết chế, trường Đại học Y Dược TP.HCM cho biết, trứng gà chứa nhiều chất dinh dưỡng như protein, chất béo, vitamin, chất khoáng. Nhiều người cho rằng ăn sống hoặc hút trứng gà sống sẽ dễ hấp thu dưỡng chất hơn là ăn chín, nhưng điều này hoàn toàn sai lầm.
Trứng sống có thể chứa salmonella, khi ăn trứng bị nhiễm loại vi khuẩn này có thể gây ngộ độc thực phẩm và một số triệu chứng dẫn đến sinh non ở phụ nữ mang thai.
Người cao tuổi, người bị suy giảm miễn dịch, người bệnh tiểu đường nếu ăn trứng sống có thể làm tăng nguy cơ ngộ độc.
Khi ăn trứng sống trong lòng trắng trứng sống còn có chất gây cản trở cơ thể hấp thu biotin (vitamin H). Đây là dưỡng chất không thể thiếu được trong quá trình sử dụng protein và bột đường, cần thiết cho sự phát triển bình thường của cơ thể.
Trứng sống gây ra tình trạng mất ngủ, rụng tóc nếu ăn trong một thời gian dài. Do vậy cách tốt nhất là chế biến trứng chín để ăn an toàn và bổ dưỡng nhất.
Cách giúp bảo quản trứng luộc lâu hỏng
Trứng luộc là một trong những món ăn nhẹ tốt nhất cho những người muốn kiểm soát cân nặng. Chúng dễ làm, không mất nhiều thời gian để luộc và chứa rất nhiều dưỡng chất. Tuy nhiên, một trong những hạn chế là trứng luộc dễ hỏng.
Theo trang sức khỏe Livestrong (Mỹ), trứng luộc nếu đã lột vỏ và để ở nhiệt độ phòng thì tốt nhất là ăn trong vòng 2 giờ sau khi luộc. Tuy nhiên, nếu nhiệt độ phòng từ 32 độ C trở lên thì nên ăn trong vòng 1 giờ.

Để bảo quản trứng luộc được lâu, chúng ta có thể áp dụng những cách sau:
Giữ nguyên vỏ
Nếu muốn bảo quản lâu thì sau khi luộc, trứng nên được giữ nguyên vỏ và cho vào tủ lạnh. Cách này có thể kéo dài tuổi thọ của trứng lên đến 7 ngày. Nếu trứng luộc đã bóc vỏ thì thời gian bảo quản trong tủ lạnh chỉ khoảng 3 ngày.
Lau khô trứng
Vi khuẩn và nấm mốc phát triển mạnh trong môi trường ẩm ướt. Do đó, để bảo quản trứng lâu thì sau khi luộc, trứng nên được lau khô bằng khăn giấy hoặc vải cotton sạch. Cách này đúng với cả trứng đã bóc vỏ hoặc chưa bóc vỏ.
Nhờ việc giữ độ ẩm trên bề mặt trứng ở mức tối thiểu, tuổi thọ trứng sẽ kéo dài, giảm nguy cơ phát triển vi khuẩn, nấm mốc và ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm. Việc lau khô này đặc biệt quan trọng với trứng để nguyên vỏ. Vì trên thực tế, bề mặt vỏ trứng không hề nhẵn nhụi mà có khoảng 10.000 lỗ siêu nhỏ. Những lỗ này có thể tích tụ nước và là môi trường lý tưởng để vi khuẩn, nấm phát triển.
Không để trứng ở cửa tủ lạnh
Nhiều người thường có thói quen để trứng ở ngăn chứa thức ăn trên cửa tủ lạnh. Tuy nhiên, đây không phải là vị trí phù hợp vì mỗi lần mở cửa là khí lạnh sẽ thoát ra, từ đó ảnh hưởng đến nhiệt độ bảo quản trứng.
Thay vì vậy, trứng nên được đặt ở ngăn bên trong tủ lạnh. Vị trí này sẽ có nhiệt độ lạnh ổn định hơn, nhờ đó bảo quản trứng tốt hơn.
Bọc trứng trong khăn giấy
Một mẹo khác giúp bảo quản trứng lâu hơn là bọc trong khăn giấy rồi cho vào tủ lạnh. Cách này sẽ giúp hút độ ẩm bên ngoài vỏ trứng, nhờ đó giúp kiểm soát mùi hôi thường gặp ở trứng luộc.
Khoảng 3 ngày, khăn giấy nên được thay mới. Thay mới khăn sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ vi khuẩn phát triển trên vỏ trứng, theo Livestrong.