Bình Định: Nhiều diện tích rừng trồng bị chết khô do nắng nóng kéo dài
Tài nguyên và phát triển - Ngày đăng : 10:00, 23/08/2021
Thời gian gần đây, nhiều diện tích rừng trồng và rừng phòng hộ ở các huyện Tây Sơn, Vĩnh Thạnh và thị xã An Nhơn bị chết khô. Nguyên nhân do trong thời gian qua trên địa bàn vắng mưa, nắng nóng kéo dài dẫn tới nhiều diện tích rừng bị thiếu nước.
Ngoài ra, người dân ngày càng mở rộng diện tích rừng trồng, nên những cánh rừng non bị chết trong mùa khô hạn là không thể tránh khỏi. Tình trạng rừng chết khô không chỉ gây thiệt hại cho người dân, mà còn dẫn tới nguy cơ cháy rừng là rất cao. Bởi, những cánh rừng chết khô sẽ là mồi lửa bất cứ lúc nào nếu gặp phải sự bất cẩn của người dân, hệ lụy là sẽ gây cháy lan diện rộng sang những cánh rừng bên cạnh.
Cận cảnh 1 khoảnh rừng đứng chết khô trong nắng nóng ở huyện Tây Sơn (Bình Đình). Ảnh: Vũ Đình Thung
Theo ông Nguyễn Công Minh, Chủ tịch UBND xã BìnhThành (huyện Tây Sơn), tổng diện tích rừng trồng ở xã này có khoảng hơn 200 ha. Suốt 3 – 4 tháng nay, trên địa bàn chỉ xảy ra 1 cơn mưa mà chỉ thoáng qua, nên nhiều diện tích rừng trồng bị thiếu nước chết khô, rừng chết nhiều nhất trong tháng 7 và tháng 8/2021.
“Tính đến nay, trên địa bàn xã đã có khoảng 50 ha rừng trồng bị khô lá, chết đứng trên núi, chiếm phần nhiều là rừng mới trồng 1 – 2 năm tuổi. Những cánh rừng đã được 4 – 5 năm tuổi bị chết khô bà con còn thu hoạch để bán cho những nhà máy chế biến dăm gỗ xuất khẩu. Tuy nhiên những diện tích rừng non thì bà con cứ để đứng cầm cự, hi vọng chờ mưa xuống làm cây hồi sinh, nếu cây nào bị chết thì họ trồng dặm”, ông Minh cho biết.
Ông Nguyễn Văn Chín, Chủ tịch UBND xã Tây Thuận (huyện Tây Sơn) cho biết, rừng trồng chết khô trên địa bàn do nắng nóng hiện khá nghiêm trọng. Trên địa bàn xã có khoảng 1.959 ha rừng trồng, chủ yếu là cây keo và một ít diện tích là bạch đàn.
Tính đến nay, ước tính có khoảng 30% diện tích rừng trồng trên địa bàn bị nắng nóng làm cho cháy lá, nhiều diện tích đã chết khô. “Cánh rừng nào tầng đất dày, đất mặt không có đá thì cây không bị chết, rừng trồng trên những ngọn núi có tầng đất mỏng, nhiều đá chết nhiều nhất. Nếu thời gian tới, trời tiếp tục không có mưa thì tình hình càng gay go”, ông Chín lo lắng.
Cũng ở huyện Tây Sơn, rừng trồng ở xã Bình Tường bị chết đến đâu, bà con đã chặt đến đó, bởi rừng ở đây không chỉ bị khô lá mà khô cả thân, nên dù có để lại cũng không thể phục hồi. Trên địa bà xã có khoảng 380 ha rừng trồng, tính đến nay bà con đã đốn chặt khoảng 10 ha do cây rừng bị chết hoàn toàn.
“Cây chặt xong bà con để nguyên vỏ nằm lăn lóc, như vậy chắn chắn là không phải để bán cho những nhà máy chế biến dăm, bởi nhà máy dăm nhập gỗ nguyên liệu phải được lột sạch vỏ, cây này chắc là chỉ để bán củi. Nếu như trước đây nhìn lên núi thấy những cánh rừng keo xanh mướt thấy mát mắt bao nhiêu thì giờ trông xơ xác, thảm hại bấy nhiêu”, ông Trần Công Dũng, Chủ tịch UBND xã Bình Tường ngán ngẩm.
Những cánh rừng trồng bị cháy khô ở huyện Tây Sơn (Bình Định), nhìn từ xa kéo dài nối tiếp nhau. Ảnh: Vũ Đình Thung
Theo ông Nguyễn Ơn, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Tây Sơn, rừng trồng ở Tây Sơn có lớp đất mặt quá mỏng nên khi trời vắng mưa, nắng nóng kéo dài cây rừng dễ bị chết. Trước thực trạng trên, ngành chức năng ở Tây Sơn phải tăng cường công tác phòng cháy rừng. Bởi, chỉ cần một mồi lửa là những cánh rừng đang đứng chết khô kia sẽ bùng cháy không phương cách nào cứu chữa nổi.
“Trước tình trạng này, chúng tôi tham mưu cho UBND huyện ban hành văn bản yêu cầu các UBND xã tăng cường tuyên truyền, nghiêm cấm các hộ dân ở cạnh rừng không được dùng lửa gần rừng, không đốt dọn thực bì để làm nương rẫy gần rừng trong mùa khô. Chỉ đạo lực lượng phòng cháy chữa cháy rừng cấp xã phải luôn trong tình trạng sẵn sàng, để khi có xảy ra cháy rừng phải huy động ngay lực lượng chữa cháy”, ông Nguyễn Ơn cho hay.
Rừng trồng trên tầng đất mỏng như ở huyện Tây Sơn chết khô đã đành, rừng trồng trên tầng đất tốt như ở Thị xã Hoài Nhơn (Bình Định) cũng không chịu nổi trước cái nắng nóng gay gắt kéo dài.
Theo ông Nguyễn Hồng Kháng, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Thị xã Hoài Nhơn, rừng trồng sản xuất thuộc tiểu khu 13 giáp với tỉnh Quảng Ngãi của Công ty Trồng rừng Quy Nhơn hiện lá đã khô từng chòm. Đây là diện tích rừng trồng đã được cấp chứng chỉ FSC nên công ty đang nỗ lực khắc phục.
Tuấn Phong