Dịch sởi tại Hà Nội diễn biến phức tạp, số ca mắc tiếp tục tăng

Cuộc sống xanh - Ngày đăng : 16:30, 14/04/2025

Tình hình bệnh sởi tại Hà Nội có xu hướng gia tăng, trong đó có nhiều ca mắc là người trưởng thành với diễn biến nặng và đã ghi nhận trường hợp tử vong,
Cuộc sống xanh

Dịch sởi tại Hà Nội diễn biến phức tạp, số ca mắc tiếp tục tăng

Hải Đăng 14/04/2025 16:30

Tình hình bệnh sởi tại Hà Nội có xu hướng gia tăng, trong đó có nhiều ca mắc là người trưởng thành với diễn biến nặng và đã ghi nhận trường hợp tử vong,

Theo đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần (từ ngày 4-11/4), trên địa bàn thành phố Hà Nội ghi nhận 212 ca mắc sởi, tại 30 quận, huyện, thị xã (tăng 9 ca so với tuần trước đó).

Cộng dồn từ đầu năm 2025 đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 1.665 trường hợp mắc sởi tại 30/30 quận, huyện, thị xã (trong khi cùng kỳ năm 2024 không có ca bệnh)).

20190322-053325-515478-image1-6-max-1800x1800-jpg-9a506a2b2e-17248997686161722381004-0-0-687-1100-crop-1724899771019336907135-1-.jpg

Bệnh nhân sởi phân bố theo nhóm tuổi cụ thể: Có 12,1% ca mắc là trẻ dưới 6 tháng tuổi; 15,2% là trẻ từ 6-8 tháng tuổi; 9,7% là trẻ từ 9 - 11 tháng; 22,1% là trẻ từ 1 - 5 tuổi; 14,3% là trẻ từ 6 - 10 tuổi; 26,6% là đối tượng trên 10 tuổi.

Đại diện CDC Hà Nội nhận định, hiện số ca mắc sởi vẫn chưa có xu hướng giảm, các ca bệnh được ghi nhận chủ yếu là người chưa được tiêm chủng hoặc chưa tiêm chủng đầy đủ vaccine sởi.

Dự báo, số ca mắc sởi vẫn còn tiếp tục tăng và có xu hướng tăng ở nhóm trên 6 tuổi.

CDC Hà Nội đề nghị Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã tiếp tục rà soát và tổ chức tiêm chủng vaccine sởi cho trẻ em thuộc đối tượng tiêm chủng chiến dịch, tập trung đối tượng trẻ 6 đến dưới 9 tháng và trẻ từ 1-10 tuổi chưa tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng bệnh sởi.

Đồng thời, tăng cường giám sát phát hiện bệnh tay chân miệng tại cộng đồng và trường mầm non, mẫu giáo có ca bệnh, ổ dịch; tổ chức các hoạt động xử lý triệt để, tổng vệ sinh môi trường, khử khuẩn phòng bệnh.

Bên cạnh đó, ngành Y tế tăng cường phối hợp với ngành Giáo dục và Đào tạo trong công tác giám sát, phòng chống, xử lý các ca bệnh, ổ dịch bệnh sởi, tay chân miệng... trong trường học; phối hợp triển khai công tác tiêm chủng vaccine trong trường học; tuyên truyền cho phụ huynh các biện pháp phòng bệnh.

Khuyến cáo phòng bệnh sởi

Để giảm thiểu nguy cơ diễn biến nặng và tử vong liên quan đến bệnh Sởi ở nhóm có nguy cơ cao diễn biến nặng liên quan đến Sởi, Cục Phòng bệnh - Bộ Y tế khuyến cáo như sau:

- Người có nguy cơ cao (người có bệnh phổi mạn tính, tiểu đường, cao huyết áp, người trên 50 tuổi), nhất là những người không rõ tiền sử tiêm chủng và chưa từng mắc sởi nên chủ động tiêm vaccine phòng sởi.

- Người có nguy cơ cao khi xuất hiện những triệu chứng của bệnh Sởi như sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần phải đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám, tư vấn điều trị kịp thời, hạn chế biến chứng nặng của bệnh.

- Hạn chế tiếp xúc với những trường hợp mắc sởi hoặc nghi mắc sởi, nếu bắt buộc phải tiếp xúc cần mang khẩu trang và vệ sinh tay sau khi tiếp xúc với người bệnh.

- Tăng cường vệ sinh thân thể, mũi họng, giữ ấm, nâng cao thể trạng để tăng cường sức đề kháng phòng bệnh Sởi.

Hướng dẫn vệ sinh môi trường phòng bệnh sởi

1. Giữ vệ sinh cá nhân và nhà ở:


Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước sạch, đặc biệt trước khi ăn và sau khi tiếp xúc với người nghi nhiễm bệnh.

Giữ gìn cơ thể sạch sẽ, tắm rửa hằng ngày bằng nước ấm.

Che miệng khi ho, hắt hơi bằng khăn giấy hoặc khuỷu tay để hạn chế phát tán virus.

2. Đảm bảo thông thoáng nhà cửa:


Mở cửa sổ, cửa chính để nhà ở luôn thoáng khí, đủ ánh sáng tự nhiên.

Hạn chế bật điều hòa liên tục, tránh môi trường kín – nơi virus dễ lây lan.

Không để đồ vật, chăn màn ẩm ướt lâu ngày.

3. Khử khuẩn bề mặt và vật dụng thường xuyên tiếp xúc:


Dùng dung dịch sát khuẩn (cồn 70 độ, cloramin B 0,5%) để lau sàn nhà, tay nắm cửa, bàn ghế, đồ chơi trẻ em, bề mặt vật dụng hằng ngày ít nhất 1 lần/ngày.

Đối với trường học, lớp học, nhà trẻ: cần vệ sinh lớp học, đồ chơi, nhà vệ sinh kỹ lưỡng mỗi ngày.

4. Xử lý đồ dùng cá nhân của người bệnh:


Cách ly người bệnh sởi tại nhà hoặc nơi điều trị theo chỉ định của cơ quan y tế.

Không dùng chung đồ dùng cá nhân như khăn mặt, chén đũa, bàn chải, giường nằm với người mắc bệnh.

Giặt riêng quần áo, chăn màn của người bệnh bằng xà phòng và phơi dưới nắng.

5. Quản lý và xử lý rác thải đúng cách:


Thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt hằng ngày, không để tồn đọng rác gây ô nhiễm môi trường.

Đối với khu vực có người mắc sởi: chất thải (khăn giấy, băng gạc...) cần được bỏ đúng nơi quy định, xử lý bằng lò đốt hoặc hóa chất khử khuẩn.

6. Tăng cường sức đề kháng và tiêm phòng:


Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, uống đủ nước, nghỉ ngơi hợp lý.

Đưa trẻ từ 9 tháng tuổi đến các cơ sở y tế để tiêm vắc xin sởi đúng lịch, đủ liều.

Người lớn chưa tiêm hoặc chưa từng mắc sởi nên chủ động tiêm phòng để bảo vệ bản thân và cộng đồng.

Hải Đăng