Từ tháng 5-7, nắng nóng lan rộng và có bão
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 09:00, 20/04/2025
Từ tháng 5-7, nắng nóng lan rộng và có bão
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ tháng 5 đến tháng 7 năm 2025, khu vực Biển Đông có khả năng xuất hiện bão và áp thấp nhiệt đới, với tần suất xấp xỉ trung bình nhiều năm. Số cơn bão đổ bộ vào đất liền được dự báo ở mức thấp, trung bình khoảng 0,3 cơn.
Hiện tượng ENSO có khả năng duy trì trạng thái trung tính với xác suất từ 70–90%. Nhiệt độ trung bình trên cả nước phổ biến ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm, riêng khu vực Tây Bắc Bắc Bộ cao hơn từ 0,5–1 độ C. Tình trạng nắng nóng sẽ lan rộng trên toàn quốc trong tháng 5. Từ tháng 6, nắng nóng giảm dần tại Tây Nguyên và Nam Bộ nhưng tiếp tục kéo dài đến khoảng tháng 8 tại Bắc Bộ và Trung Bộ, trước khi suy giảm vào tháng 9.

Cùng thời gian này, các đợt mưa vừa, mưa to có khả năng xảy ra tại Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ. Lượng mưa trên cả nước phổ biến ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm, riêng Tây Nguyên và Nam Bộ trong tháng 5 có thể cao hơn từ 5–20%.
Đáng chú ý, các hiện tượng thời tiết cực đoan như dông, lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh có thể xảy ra trên phạm vi toàn quốc, đặc biệt trong thời kỳ chuyển mùa và các đợt không khí lạnh. Gió mùa Tây Nam và áp thấp nhiệt đới có thể gây sóng lớn, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động hàng hải, sản xuất nông nghiệp và sức khỏe cộng đồng.
Về tình hình thủy văn, dòng chảy trên các sông miền Bắc dự báo thấp hơn trung bình nhiều năm từ 10–50%, đặc biệt dòng chảy đến các hồ chứa lớn như Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình có thể giảm từ 15–40%. Khu vực Bắc Trung Bộ có khả năng xuất hiện các đợt lũ nhỏ, lưu lượng dòng chảy trên các sông ở Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và Trung Trung Bộ nhìn chung thấp hơn trung bình nhiều năm.
Tại Tây Nguyên, từ cuối tháng 4 đến tháng 7, mực nước các sông dao động theo điều tiết hồ thủy điện. Các sông Bắc Tây Nguyên có thể khô hạn, dòng chảy thấp hơn trung bình nhiều năm từ 21–53%. Ngược lại, tại Nam Tây Nguyên, một số sông có thể ghi nhận dòng chảy cao hơn trung bình từ 10–50%.
Vùng hạ lưu sông Mê Công và Đồng bằng sông Cửu Long có lượng nước về cao hơn trung bình 5–15% từ tháng 5–7. Xâm nhập mặn trên sông Vàm Cỏ và Cái Lớn được dự báo tăng cao vào cuối tháng 4, đầu tháng 5, sau đó giảm dần từ giữa tháng 5.
Đối với hải văn, từ cuối tháng 6, gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh có thể gây sóng cao từ 2–4m tại vùng biển từ Bình Định đến Ninh Thuận và khu vực Nam Biển Đông. Vịnh Thái Lan dự kiến có sóng cao 1–2,5m. Trong khi đó, khu vực ven biển Đông Nam Bộ sẽ xuất hiện 5 đợt triều cường từ cuối tháng 4 đến cuối tháng 6, gây ngập úng tại các vùng trũng, thấp, ảnh hưởng đến sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp.