Hà Nội ô nhiễm không khí nghiêm trọng: Đứng thứ tư thế giới về chỉ số AQI
Ô nhiễm môi trường - Ngày đăng : 14:00, 18/04/2025
Hà Nội ô nhiễm không khí nghiêm trọng: Đứng thứ tư thế giới về chỉ số AQI
Sáng 18/4, Hà Nội chìm trong ô nhiễm không khí nghiêm trọng, lọt nhóm 4 thành phố ô nhiễm nhất thế giới theo ghi nhận từ ứng dụng Air Visual.
Sau một vài ngày thời tiết có phần thuận lợi, chất lượng không khí được cải thiện nhẹ, sáng nay (18/4), Hà Nội lại bước vào một đợt ô nhiễm không khí nghiêm trọng. Theo hệ thống quan trắc của Cục Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), chỉ số AQI tại nhiều điểm đo trên địa bàn thành phố đã chạm ngưỡng đỏ – mức có hại cho sức khỏe của tất cả mọi người.

Cụ thể, tại hai điểm quan trắc đặt tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội (quận Hai Bà Trưng) và số 556 đường Nguyễn Văn Cừ (quận Long Biên), chỉ số chất lượng không khí đều ở mức xấu. Mặc dù điểm đo tại Công viên Thanh Xuân ghi nhận chỉ số AQI ở mức trung bình, nhưng nhìn chung, toàn thành phố đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm không khí đáng lo ngại.
Lúc 7h sáng nay, ứng dụng Air Visual xếp Hà Nội ở vị trí thứ tư trong danh sách các thành phố ô nhiễm không khí nhất thế giới, chỉ sau Dakar (Senegal), Dhaka (Bangladesh) và Lahore (Pakistan). Đáng chú ý, Hà Nội là địa phương duy nhất ở miền Bắc có chỉ số ô nhiễm không khí vượt ngưỡng đỏ trong sáng nay.
Ngược lại, các tỉnh, thành khác tại miền Bắc như Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Nguyên, Phú Thọ, Hà Nam, Nam Định và Hải Phòng đều ghi nhận chất lượng không khí ở ngưỡng trung bình, ít ảnh hưởng đến sức khỏe.
Tình trạng ô nhiễm không khí ở Hà Nội đã kéo dài trong nhiều năm qua, trở thành vấn đề môi trường cấp bách. Chất ô nhiễm chính là bụi mịn PM2.5 – loại bụi có kích thước siêu nhỏ, có khả năng xâm nhập sâu vào phổi, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ hô hấp, tim mạch và có thể làm tăng nguy cơ ung thư.
Theo TS Hoàng Dương Tùng – Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, Hà Nội hiện đang phải đối mặt với một “cuộc khủng hoảng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng”, đòi hỏi các cấp chính quyền và người dân cần quyết liệt hơn trong cuộc chiến chống ô nhiễm không khí. “Những bài học trên thế giới cho thấy, càng chậm trễ hành động, cái giá phải trả sẽ càng lớn,” ông Tùng nhấn mạnh.
Các nguồn gây ô nhiễm chính tại Hà Nội bao gồm: phương tiện giao thông, hoạt động xây dựng, sản xuất công nghiệp và sinh hoạt dân sinh như đốt rác, đốt rơm rạ. Trong đó, giao thông và bụi đường được đánh giá là nguyên nhân lớn nhất.
Trước tình hình này, các chuyên gia môi trường đã đề xuất một loạt giải pháp, bao gồm: kiểm soát nghiêm ngặt nguồn thải từ công nghiệp, siết chặt hoạt động xây dựng theo tiêu chuẩn môi trường, cấm triệt để việc đốt rác thải ngoài trời. Đặc biệt, cần tập trung mạnh vào các biện pháp giảm ô nhiễm từ giao thông – nguồn phát thải lớn nhất và khó kiểm soát nhất hiện nay.
Một số kinh nghiệm quốc tế được gợi ý áp dụng cho Hà Nội như: tăng cường phương tiện giao thông công cộng, phát triển hệ thống giao thông xanh (xe điện, xe đạp), hạn chế phương tiện cá nhân và kiểm soát chặt số lượng xe sử dụng nhiên liệu hóa thạch được đăng ký mới.