15% đất canh tác toàn cầu ô nhiễm kim loại nặng, đe dọa sức khỏe 1,4 tỷ người
Ô nhiễm môi trường - Ngày đăng : 14:00, 20/04/2025
15% đất canh tác toàn cầu ô nhiễm kim loại nặng, đe dọa sức khỏe 1,4 tỷ người
Một nghiên cứu mới công bố cho thấy khoảng 15% diện tích đất canh tác trên thế giới – tương đương 242 triệu ha – đang bị ô nhiễm bởi ít nhất một kim loại nặng độc hại, như asen, cadmium, coban, crom, đồng, niken hoặc chì.
Nghiên cứu do các chuyên gia tại Đại học York (Canada) thực hiện, dựa trên phân tích dữ liệu từ hơn 1.000 nghiên cứu khu vực và ứng dụng công nghệ máy học. Kết quả cho thấy nồng độ kim loại nặng tại nhiều khu vực vượt ngưỡng an toàn cho con người và sản xuất nông nghiệp.

Tiến sĩ Liz Rylott, giảng viên cao cấp tại khoa Sinh học của Đại học York, cảnh báo: “Các kim loại độc hại tồn lưu lâu dài trong đất có thể xâm nhập vào thực phẩm và nguồn nước, gây tổn thương da, rối loạn thần kinh, tổn thương cơ quan nội tạng và thậm chí dẫn đến ung thư”.
Ô nhiễm kim loại nặng trong đất xuất phát từ cả nguồn gốc tự nhiên và hoạt động công nghiệp, đặc biệt là khai khoáng, sản xuất kim loại và sử dụng vật liệu công nghệ cao. Theo các nhà khoa học, xu hướng tăng nhu cầu kim loại cho sản xuất tua-bin gió, pin năng lượng mặt trời, xe điện… có thể khiến tình trạng ô nhiễm thêm trầm trọng.
Không chỉ làm suy giảm năng suất cây trồng, chất lượng nước và an toàn thực phẩm, ô nhiễm đất còn đe dọa hệ sinh thái và kéo dài hàng thập kỷ. Đặc biệt, các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, làm trầm trọng thêm bất bình đẳng và nghèo đói.
“Nghiên cứu cho thấy ô nhiễm kim loại nặng là vấn đề xuyên biên giới. Để giải quyết hiệu quả, cần sự hợp tác toàn cầu”, bà Rylott nhấn mạnh.