Vĩnh Phúc sẽ giữ những địa danh nổi tiếng để đặt tên xã, phường sau sáp nhập

Vấn đề hôm nay - Ngày đăng : 14:00, 25/04/2025

Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc ban hành văn bản hoả tốc nghiên cứu, đề xuất và triển khai lấy ý kiến người dân về đặt tên đơn vị hành chính cấp xã sau sáp nhập. Theo đó tên gọi các xã, phường sau hợp nhất ở Vĩnh Phúc sẽ được đặt lại tên theo hướng gắn với yếu tố lịch sử, văn hóa của địa phương.
Vấn đề hôm nay

Vĩnh Phúc sẽ giữ những địa danh nổi tiếng để đặt tên xã, phường sau sáp nhập

Mai Hạ 25/04/2025 14:00

Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc ban hành văn bản hoả tốc nghiên cứu, đề xuất và triển khai lấy ý kiến người dân về đặt tên đơn vị hành chính cấp xã sau sáp nhập. Theo đó tên gọi các xã, phường sau hợp nhất ở Vĩnh Phúc sẽ được đặt lại tên theo hướng gắn với yếu tố lịch sử, văn hóa của địa phương.

Theo Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh, Vĩnh Phúc đã quyết định sắp xếp 121 xã, phường, thị trấn hiện nay để thành lập thành 36 đơn vị hành chính cấp xã mới (32 xã, 4 phường), giảm 85 đơn vị hành chính, hơn 70% tổng số đơn vị hành chính cấp xã.

Trong đó, 13 phường, xã mới được đặt tên gọi gắn với lịch sử, truyền thống văn hóa địa phương gồm: phường Vĩnh Phúc, Vĩnh Yên, Phúc Yên và các xã Sông Lô, Lập Thạch, Sơn Đông, Tam Đảo, Tam Dương, Vĩnh Tường, Thổ Tang, Yên Lạc, Tề Lỗ, Bình Xuyên.

Còn lại 23 xã, phường mới sau khi sắp xếp, hợp nhất (có tên dự kiến gắn với thứ tự số đếm). Nhiều ý kiến của nhân dân mong muốn và đề xuất cấp có thẩm quyền nghiên cứu, xem xét việc đặt tên 23 xã, phường mới này theo hướng gắn với yếu tố lịch sử, văn hóa của địa phương.

Theo Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, trước những ý kiến mong muốn và đề xuất của nhân dân, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đề nghị các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai các nhiệm vụ để thực hiện hiệu quả việc này.

24-vp.jpg
Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Tây Thiên - Tam Đảo là điểm du lịch hấp dẫn của tỉnh Vĩnh Phúc

UBND tỉnh Vĩnh Phúc được yêu cầu chỉ đạo các sở, ngành triển khai nghiên cứu, tiếp thu ý kiến nhân dân, đặt tên các đơn vị hành chính cấp xã mới bảo đảm phù hợp với đặc điểm lịch sử, văn hóa và tạo sự đồng thuận, thống nhất cao.

UBND tỉnh Vĩnh Phúc được giao hướng dẫn các huyện, thành phố tổ chức lấy ý kiến cử tri, tổng hợp trình HĐND tỉnh thông qua, hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ theo quy định. Trong đó, thời gian lấy ý kiến cử tri, HĐND cấp xã ban hành nghị quyết hoàn thành vào ngày 24/4.

Vĩnh Phúc là vùng đất có bề dày truyền thống văn hóa lịch sử, cũng là quê hương của nhiều danh nhân văn hóa, anh hùng đã đóng góp công sức cho sự phát triển của quê hương, đất nước. Theo một số người dân, việc đặt tên các xã phường, địa danh mới gắn thứ tự theo số đếm không nói lên được bề dày giá trị truyền thống văn hóa lịch của quê hương.

Nằm trong số những người dân bày tỏ mong muốn điều chỉnh lại tên gọi các xã, phường mới sau sáp nhập, ông Trần Anh Quang, trú tại Hồ Sơn, Tam Đảo cho rằng các địa danh gắn với người dân lâu đời như Hồ Xạ Hương, Đạo Trù, rừng lim Phù Mây…đã trở nên thân thuộc với người dân ở đây, vì thế mang ý nghĩa thiêng liêng và là niềm tự hào của cư dân mỗi khi nhắc đến. Chính vì thế tên gọi phải bao chứa được những giá trị đặc sắc và nổi bật của quê hương chứ không phải là những con số máy móc.

Theo đề án, dự kiến tên gọi, nơi đặt trụ sở 36 xã, phường sau sắp xếp sẽ là địa danh TP, huyện sau đó là các số thứ tự 1, 2, 3, 4.

Ví dụ như Thành phố Vĩnh Yên sẽ sắp xếp thành lập 2 phường mới là Vĩnh Phúc và Vĩnh Yên; thành phố Phúc Yên sắp xếp thành 2 phường mới là Phúc Yên và Phúc Yên 1; Huyện Sông Lô dự kiến thành lập các xã Sông Lô, Sông Lô 1, Sông Lô 2, Sông Lô 3…

Sau đó, lắng nghe, tiếp thu ý kiến Trung ương và người dân, lãnh đạo Tỉnh ủy Vĩnh Phúc yêu cầu các đơn vị liên quan triển khai công tác lấy ý kiến nhân dân đối với đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Vĩnh Phúc và đề án sáp nhập tỉnh Vĩnh Phúc, tỉnh Hòa Bình, tỉnh Phú Thọ thành tỉnh Phú Thọ bảo đảm chặt chẽ, dân chủ, khách quan, minh bạch, công bằng, công tâm, đúng quy định của Đảng, Nhà nước, tạo được sự đồng thuận của Nhân dân.

Yêu cầu UBND tỉnh Vĩnh Phúc chỉ đạo các sở, ngành triển khai nghiên cứu, tiếp thu ý kiến Nhân dân, đặt tên các đơn vị hành chính cấp xã mới bảo đảm tính ổn định, phù hợp với đặc điểm lịch sử, văn hóa và tạo sự đồng thuận, thống nhất cao.

Ban Thường vụ các huyện ủy, thành ủy chỉ đạo triển khai phương án đặt lại tên và tổ chức lấy ý kiến nhân dân về phương án đổi tên đơn vị hành chính cấp xã từ tên xã gắn với số thứ tự sang gắn với yếu tố truyền thống lịch sử, văn hóa địa phương.

Đề án sắp xếp, sáp nhập các tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hòa Bình thành tỉnh Phú Thọ vừa được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Thọ thông qua cho thấy, tỉnh Phú Thọ mới sẽ có 148 xã, phường. Trong đó, tỉnh Phú Thọ hiện nay sẽ sắp xếp thành 66 xã, phường; tỉnh Hòa Bình sắp xếp thành 46 phường, xã và tỉnh Vĩnh Phúc sắp xếp thành 36 phường, xã mới.

Dự kiến từ ngày 29/4 đến 1/5, đề án hợp nhất 3 tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hòa Bình thành tỉnh Phú Thọ sẽ được hoàn thiện để báo cáo Trung ương.

Trụ sở làm việc khối cơ quan Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Phú Thọ mới bố trí tại phường Tân Dân, thành phố Việt Trì. Trụ sở làm việc khối cơ quan Ủy ban MTTQ, các đoàn thể bố trí tại trụ sở hiện tại của MTTQ và các cơ quan đoàn thể của tỉnh Phú Thọ. Trụ sở làm việc của các sở và cơ quan chuyên môn thuộc 3 tỉnh bố trí tại trụ sở làm việc các sở, cơ quan chuyên môn thuộc tỉnh Phú Thọ.

Mai Hạ