Bắc Kạn: Nguy cơ thất thoát tài nguyên khoáng sản

Tài nguyên và phát triển - Ngày đăng : 01:30, 09/11/2021

Moitruong.net.vn – Công tác quản lý, giám sát việc khai thác, vận chuyển khoáng sản ở Bắc Kạn thời gian qua đang tồn tại nhiều bất cập. Đây là lỗ hổng dẫn tới nguy cơ thất thoát khoáng sản và thất thu thuế.

Tính đến tháng 10/2021, Bắc Kạn có 50 mỏ khoáng sản được cấp phép khai thác, trong đó, có 35 mỏ đã đi vào hoạt động. Khoản 2, Điều 42, Nghị định 158/2016/NĐ-CP ngày 19/11/2016 của Chính phủ quy định, ‘Tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản, trừ hộ kinh doanh, phải lắp đặt trạm cân tại vị trí đưa khoáng sản nguyên khai ra khỏi khu vực khai thác; lắp đặt camera giám sát tại các kho chứa để lưu trữ thông tin, số liệu liên quan’, nhưng phần lớn các doanh nghiệp vẫn phớt lờ quy định. Thí dụ, tại hai mỏ vàng gốc là mỏ Khau Âu (huyện Chợ Mới) do Công ty TNHH Kim Ngân khai thác và mỏ Pác Lạng (huyện Ngân Sơn) do Công ty TNHH Tân Thịnh khai thác không có trạm cân, cơ quan quản lý chỉ nắm số liệu qua việc tự kê khai của doanh nghiệp.

Nhân viên Trung tâm Giám sát, quản lý vận chuyển khoáng sản qua hệ thống camera của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Chợ Đồn trong giờ làm việc

Các quy định của pháp luật chưa thống nhất cũng là kẽ hở để nhiều doanh nghiệp cố tình không lắp đặt trạm cân. Theo quy định tại Nghị định 158/2016/NĐ-CP, tất cả các tổ chức, cá nhân, trừ hộ kinh doanh khi khai thác khoáng sản phải lắp đặt trạm cân. Tuy nhiên, tại khoản 2, Điều 40, Nghị định 36/2020/NĐ-CP lại quy định đối tượng khai thác cát, sỏi lòng sông, suối, hồ không bị xử phạt về hành vi không lắp đặt trạm cân. Theo Nghị định 36/2020/NĐ-CP, trường hợp khai thác khoáng sản là vật liệu xây dựng thông thường (mỏ đá) nếu không lắp đặt trạm cân thì chỉ bị phạt cảnh cáo, không phạt tiền đối với mỏ có công suất nhỏ hơn 30.000 m3/năm.

Hiện, 10 doanh nghiệp đang khai thác vật liệu xây dựng thông thường ở Bắc Kạn không lắp trạm cân nhưng ngành chức năng không có chế tài xử lý và không biết các doanh nghiệp này đã khai thác chính xác bao nhiêu khoáng sản. Có thể kể ra các mỏ: mỏ cát sỏi Pác Vạt (Ba Bể) của Doanh nghiệp tư nhân Hà Giang; mỏ cát sỏi Nà Ón (Chợ Đồn) của Công ty TNHH Tiên Đàn; mỏ cát sỏi Nà Diệc, Nà Khon (Na Rì) của Công ty cổ phần An Bình; mỏ đá vôi Lủng Tráng (Ba Bể) của Công ty cổ phần Xây dựng công trình 399…

Một số mỏ doanh nghiệp có lắp đặt trạm cân nhưng mang tính đối phó. Đơn cử như mỏ chì, kẽm Nà Bốp – Pù Sáp (Chợ Đồn); mỏ đá vôi Bản Tặc (Ngân Sơn), doanh nghiệp lắp trạm cân không đúng vị trí theo quy định. Thậm chí, trạm cân tại mỏ Nà Bốp – Pù Sáp đã hỏng từ lâu nhưng doanh nghiệp không sửa chữa. Một số doanh nghiệp thì cho rằng, khối lượng khai thác đất, đá, quặng, vàng lớn nhưng sản phẩm thu được thì khối lượng nhỏ, việc lắp trạm cân giám sát cũng không chính xác. Năm 2020, Bắc Kạn xử phạt cảnh cáo bảy doanh nghiệp vì không thực hiện quy định lắp đặt trạm cân.

Trước tình trạng khó quản lý, giám sát, năm 2018, tỉnh Bắc Kạn giao Sở Công thương triển khai đề án ‘Quản lý khối lượng khoáng sản kim loại vận chuyển tại các bàn cân điện tử, cửa mỏ thông qua hệ thống camera giám sát’. Tỉnh đầu tư hơn 2 tỷ đồng lắp đặt 9 hệ thống camera giám sát tại 6 mỏ khoáng sản trên địa bàn huyện Chợ Đồn. Sau khi lắp đặt xong, hệ thống này được bàn giao cho UBND huyện Chợ Đồn và các doanh nghiệp quản lý, vận hành.

Theo quy trình, các camera giám sát sẽ ‘đọc’ và ghi hình ảnh khối lượng khoáng sản trên trạm cân, xe, biển số xe chở, hình ảnh quặng… truyền về trung tâm giám sát tại UBND huyện Chợ Đồn do một tổ giám sát vận hành. Tuy nhiên, nguồn điện phục vụ tại các mỏ chì, kẽm phập phù dẫn tới hệ thống camera giám sát tại các mỏ này cũng ‘chập chờn’ theo. Các camera được lắp đèn hồng ngoại để ghi hình ban đêm nhưng không rõ vì lý do gì mà hình ảnh truyền về đều ‘lờ mờ’, không nhìn rõ. Do không được cài đặt phần mềm cho nên các camera giám sát chỉ truyền được hình ảnh trực tiếp về mà không đọc được biển số xe và lưu trữ thông tin. Đa số doanh nghiệp không cung cấp, bổ sung đầy đủ danh sách, số lượng xe ô-tô tham gia vận chuyển khoáng sản để làm cơ sở giám sát, tính toán khối lượng vận chuyển thực tế. Theo UBND huyện Chợ Đồn, hệ thống camera giám sát chưa kiểm soát đầy đủ thông tin về khối lượng khoáng sản đã khai thác, vận chuyển ra ngoài mỏ.

Theo Sở Công thương Bắc Kạn, từ năm 2019 đến tháng 9/2021, hệ thống camera giám sát đã kiểm đếm được 22.460 lượt xe ô-tô qua cửa mỏ, trạm cân. Tổng trọng lượng khoáng sản đã giám sát qua trạm cân là hơn 45.300 tấn. Con số này chỉ bằng 17,5% so với tổng khối lượng khoáng sản doanh nghiệp đã báo cáo, kê khai thuế là hơn 258.000 tấn.

Trước thực trạng này, HĐND tỉnh Bắc Kạn đã kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo tăng cường kiểm tra, giám sát định kỳ đối với việc thực hiện lắp đặt trạm cân và hệ thống camera tại các mỏ khoáng sản, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình không thực hiện. Đồng thời, có ý kiến với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh kiến nghị Chính phủ có chế tài xử lý đối với các trường hợp sau khi phạt cảnh cáo nhưng vẫn không chấp hành, không thực hiện lắp đặt trạm cân, camera giám sát tại các mỏ khoáng sản. Rà soát sửa đổi, bổ sung bảo đảm sự thống nhất việc xử phạt đối với tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản không lắp đặt trạm cân giữa Nghị định 158/2016/NĐ-CP và Nghị định 36/2020/NĐ-CP. Có thể nói, chỉ khi triển khai đồng bộ các giải pháp thì mới có thể chống được thất thoát tài nguyên, thất thu thuế từ các mỏ khoáng sản ở Bắc Kạn hiện nay.

Hồng Thảo

Hồng Thảo