Tín chỉ các bon thúc đẩy chuyển hướng nền kinh tế xanh
Tài nguyên và phát triển - Ngày đăng : 00:30, 09/11/2021
Thương mại các bon rừng là xu thế tất yếu, giúp người “sản xuất tín chỉ các bon” – chủ rừng tích cực trong bảo vệ và phát triển rừng, mặt khác là động lực để bên mua – thường là các nhà sản xuất công nghiệp đầu tư công nghệ theo hướng sạch – tái tạo. Thị trường tín chỉ các bon càng sôi động càng là chỉ dấu phát triển của nền kinh tế xanh.
Giữ được rừng sẽ bổ sung được nguồn lợi ích kinh tế từ giảm phát thải các bon. Ảnh: HA
Bản thân các bon không phải mặt hàng theo nghĩa đen, nhưng giảm được lượng phát thải song hành với tăng trữ lượng rừng sẽ tạo ra độ chênh giữa thải ra – hấp thụ và trở thành tín chỉ để mua bán dựa trên công thức 1 tín chỉ các bon tương đương 1 tấn CO2 giảm phát thải.
Thị trường tín chỉ các bon đang tồn tại 2 dạng thức tự nguyện và bắt buộc. Tuy nhiên, do vấp phải một số tồn tại pháp lý, dù được cho là lâu dài sẽ phải đi bằng cả 2 chân, nên Việt Nam đang lựa chọn phương án tự nguyện để tiếp cận thị trường tín chỉ các bon quốc tế. Điều kiện hiện tại ở Việt Nam thông qua các chương trình, dự án của ngành lâm nghiệp về trồng rừng (mới), tái trồng hay giảm phát thải từ phá rừng và suy thoái rừng đã được triển khai quy mô sẽ giúp cho thị trường tự nguyện dễ được triển khai.
Lợi thế khi tiếp cận phương án này là một mặt vừa bán được tín chỉ các bon ra bên ngoài, đồng thời có thời gian xây dựng khung pháp lý chuẩn bị cho thị trường bắt buộc ở một tương lai không xa khi việc thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu có được sự đồng nhất trên toàn cầu. Đó cũng là thời gian vừa vận hành, vừa rút kinh nghiệm để hoàn thiện tổng thể hệ thống thị trường tín chỉ các bon.
Trên thực tế, Việt Nam chưa xác định được nhu cầu mua bán tín chỉ các bon trong nước nên thị trường quốc tế đang là kênh duy nhất để tạo ra thặng dư từ rừng.
Một diện tích có thể cung cấp lượng tín chỉ các bon nhiều hơn số lượng người mua cần. Tuy nhiên, để có thể xác định được chính xác lượng các bon mà một diện tích rừng cung cấp được, các bên thẩm định vẫn phải thẩm định giá trị thực tế của cả diện tích rừng này. Việc thẩm định độc lập bởi một bên thứ 3 thường rất tốn kém nhưng lại là yêu cầu bắt buộc mà người mua đặt ra.
Do vậy, để tiết kiệm chi phí này, các quốc gia thường tận dụng luôn kết quả thẩm định sẵn có để bán cho nhiều người mua.
Theo quy định, thị trường các bon quốc tế đòi hỏi bên bán phải cung cấp nhiều dữ liệu. Việt Nam cơ bản mới chỉ có các thông số về diện tích rừng cung ứng dịch vụ môi trường, số người sử dụng và sản xuất ở rừng và số người hưởng lợi trực tiếp từ rừng. Bài học từ Brazil hay Costa Rica cho thấy, để tham gia đầy đủ và thị trường quốc tế, Việt Nam cần bổ sung các thông tin như: Trữ lượng các bon tạo ra hoặc hấp thụ, diện tích nào do ai chi trả và đã chi trả được bao nhiêu, số xê-ri đã được cấp cho tín chỉ các bon tạo ra từ diện tích rừng này, số lượng tín chỉ các bon đã được cấp và bán cho ai cũng như số lượng các bon tiềm năng và số lượng có thể giao dịch trên thị trường quốc tế và nội địa.
Hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu không chỉ giúp Việt Nam mà trực tiếp là các địa phương có trữ lượng tín chỉ các bon phân bổ được hạn mức bán mà tạo được sự minh bạch thị trường rất quan trọng khi giao dịch quốc tế, triệt tiêu được việc báo cáo và hưởng lợi 2 lần của các bên liên quan. Không những thế, dữ liệu cụ thể và chính xác còn giúp được bên bán quyết định bán cho ai, bán lúc nào sẽ được hưởng lợi cao hơn.
Minh Nguyệt