Nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 chính thức được thông qua
Vấn đề hôm nay - Ngày đăng : 17:20, 05/05/2025
Nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 chính thức được thông qua
Với 452/452 ĐBQH có mặt tham gia biểu quyết tán thành, đạt tỷ lệ 100% (bằng 94,56 % tổng số ĐBQH), Nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 chính thức được Quốc hội thông qua.
Chiều 5/5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, với 452/452 ĐBQH có mặt tham gia biểu quyết tán thành, đạt tỷ lệ 100% (bằng 94,56 % tổng số ĐBQH), Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; và 446/446 ĐBQH có mặt tham gia biểu quyết tán thành, đạt tỷ lệ 100% (bằng 93,31% tổng số ĐBQH), Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.

Sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 để thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy
Trước đó, trình bày dự thảo Nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng cho biết, dự thảo Nghị quyết quyết định xem xét sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 để thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, trong đó tập trung vào các quy định về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và việc phân định đơn vị hành chính, tổ chức chính quyền địa phương.
Dự thảo Nghị quyết về việc thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 quyết nghị, thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 gồm 15 thành viên, trong đó, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn làm Chủ tịch Ủy ban; Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Trần Cẩm Tú, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long làm Phó Chủ tịch Ủy ban.
Ủy ban có nhiệm vụ nghiên cứu, xây dựng dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013; tổ chức lấy ý kiến nhân dân, các ngành, các cấp; giải trình, tiếp thu ý kiến đóng góp của nhân dân, các ngành, các cấp, ý kiến của ĐBQH để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013, trình Quốc hội xem xét, thông qua. Ủy ban được sử dụng con dấu của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Nghị quyết giao Thường trực Ủy ban Pháp luật và Tư pháp là cơ quan thường trực trực tiếp tham mưu, giúp việc cho Ủy ban; Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội phối hợp với Thường trực Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội trong việc thực hiện nhiệm vụ.
Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ.
Bước đi lịch sử, mang tính kiến tạo
Trước đó, thảo luận tại Hội trường, đa số ĐBQH tán thành với đề nghị sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và việc thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.

ĐBQH Nguyễn Tâm Hùng (Bà Rịa – Vũng Tàu) cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp lần này là một bước đi lịch sử, mang tính kiến tạo, thể chế sâu rộng, đặt nền móng pháp lý cho việc tiếp tục đổi mới tổ chức bộ máy nhà nước, phù hợp với yêu cầu phát triển của đất nước trong thời đại chuyển đổi số và hội nhập quốc tế sâu rộng.
Về nội dung đề nghị sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung lần này tập trung vào 2 nhóm nội dung trọng yếu là đúng và trúng vào các nút thắt thể chế.
Cụ thể là, tái định hình mô hình tổ chức chính quyền địa phương, giảm tầng lớp trung gian để thực hiện có hiệu quả mô hình chính quyền hành động nhanh, linh hoạt, tập trung và trách nhiệm.
Củng cố vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội không chỉ là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân mà phải là chủ thể có quyền năng giám sát thực chất, phản biện chính sách, tham gia thiết kế chính sách công, điều mà Hiến pháp hiện hành đã quy định rất rõ.
Tạo cơ sở hiến định cho việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã, vấn đề chưa có tiền lệ nhưng đang đặt ra cấp bách, cần được Hiến pháp quy định trong thời điểm hiện nay.
Về hình thức sửa đổi, ĐBQH Nguyễn Thị Lan Anh (Lào Cai) nhất trí sử dụng hình thức Nghị quyết để sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp; nêu rõ, cách làm này phù hợp với thông lệ pháp luật quốc tế, vừa linh hoạt, vừa bảo đảm chặt chẽ về quy trình, tránh xáo trộn toàn văn Hiến pháp khi phạm vi điều chỉnh là hẹp.
Về thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, đa số ĐBQH cho rằng, đây là việc hoàn toàn cần thiết và đúng quy định tại Khoản 2, Điều 120 của Hiến pháp năm 2013.
Thành phần của Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 được đề xuất là những đồng chí tiêu biểu từ Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc và các bộ, ngành, bảo đảm sự bao quát, đa chiều, gắn kết giữa lý luận thực tiễn và kỹ thuật lập hiến.