Nhà giáo có thể được nghỉ hưu ở tuổi cao hơn

Vấn đề hôm nay - Ngày đăng : 18:30, 06/05/2025

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc quy định đối tượng nhà giáo có trình độ, học hàm, học vị cao, nhà giáo làm việc trong các ngành, lĩnh vực chuyên sâu đặc thù có thể được kéo dài thời gian làm việc và nghỉ hưu ở tuổi cao hơn là cần thiết và hợp lý.
Vấn đề hôm nay

Nhà giáo có thể được nghỉ hưu ở tuổi cao hơn

Lan Hạ 06/05/2025 17:30

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc quy định đối tượng nhà giáo có trình độ, học hàm, học vị cao, nhà giáo làm việc trong các ngành, lĩnh vực chuyên sâu đặc thù có thể được kéo dài thời gian làm việc và nghỉ hưu ở tuổi cao hơn là cần thiết và hợp lý.

Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, sáng 6/5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà giáo

6-qhs.jpg
Quang cảnh phiên họp sáng nay Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV

Quyền, nghĩa vụ của nhà giáo và những việc không được làm

Về quyền, nghĩa vụ của nhà giáo và những việc không được làm, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu, chỉ đạo chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng quy định rõ: Quyền và nghĩa vụ áp dụng chung cho nhà giáo; quyền và nghĩa vụ của nhà giáo công tác trong cơ sở giáo dục công lập; quyền và nghĩa vụ của nhà giáo công tác trong cơ sở giáo dục ngoài công lập. Những nội dung về quyền, trách nhiệm của nhà giáo, người lao động đã được quy định tại pháp luật liên quan sẽ không quy định trong Luật Nhà giáo.

Bên cạnh đó, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật bổ sung tại điểm b khoản 2 Điều 8 quyền của nhà giáo được tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp do cơ sở giáo dục đại học thành lập, hoạt động trong lĩnh vực phát triển khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ.

Cần thiết giao thẩm quyền tuyển dụng cho ngành Giáo dục

Về tuyển dụng, sử dụng nhà giáo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, việc giao thẩm quyền tuyển dụng cho ngành Giáo dục là cần thiết, tạo điều kiện để ngành chủ động trong tuyển dụng, sử dụng, quản lý, phát triển nhà giáo, đáp ứng yêu cầu về số lượng, cơ cấu và chất lượng; góp phần khắc phục tình trạng thừa, thiếu cục bộ và mất cân đối cơ cấu nhà giáo. Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật được điều chỉnh theo hướng quy định việc tuyển dụng nhà giáo theo cấp học, trình độ đào tạo như trong dự thảo Luật. Đối với trường của lực lượng vũ trang nhân dân, việc tuyển dụng nhà giáo do Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định. Đối với các cơ sở giáo dục khác, việc tuyển dụng nhà giáo do cơ quan có thẩm quyền quản lý cơ sở giáo dục quyết định. Đồng thời, giao Chính phủ quy định chi tiết các nội dung liên quan đến tuyển dụng nhà giáo trong cơ sở giáo dục công lập, nhà giáo là người nước ngoài.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nhận thấy, việc điều động nhà giáo của các cơ sở giáo dục công lập là một chính sách mới và cần thiết, tạo điều kiện cho ngành giáo dục điều chuyển nhà giáo giữa các cơ sở giáo dục công lập nhằm khắc phục tình trạng thừa, thiếu cục bộ, bảo đảm chất lượng giáo dục cho các khu vực, địa bàn. Theo đó, Điều 19 dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng quy định rõ đối tượng, nguyên tắc điều động, thẩm quyền điều động, các trường hợp không được điều động đối với nhà giáo; bổ sung trường hợp điều động nhà giáo công tác tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn nhằm giải quyết chính sách cho đối tượng này; giao Chính phủ quy định chi tiết về trình tự, thủ tục điều động nhà giáo.

6-qhs1.jpg
Các đại biểu Quốc hội tham dự Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV

Quy định cụ thể yêu cầu, điều kiện để nhà giáo được kéo dài tuổi nghỉ hưu

Về chế độ nghỉ hưu đối với nhà giáo, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội và các cơ quan liên quan đều thống nhất giảm tuổi nghỉ hưu cho giáo viên mầm non với các chế độ như quy định trong dự thảo Luật. Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc quy định đối tượng nhà giáo có trình độ, học hàm, học vị cao, nhà giáo làm việc trong các ngành, lĩnh vực chuyên sâu đặc thù có thể được kéo dài thời gian làm việc và nghỉ hưu ở tuổi cao hơn là cần thiết và hợp lý nhằm tận dụng, khai thác nguồn nhân lực chất lượng cao; khắc phục tình trạng thiếu hụt nhà giáo trình độ cao ở một số ngành, lĩnh vực chuyên sâu đặc thù mà xu hướng phát triển đất nước đang cần. Theo đó, Dự thảo Luật quy định rõ điều kiện thực hiện chính sách này khi cơ sở giáo dục có nhu cầu, nhà giáo có đủ sức khỏe và tự nguyện kéo dài thời gian làm việc; đồng thời bổ sung tiêu chí đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện của cơ sở giáo dục. Trong thời gian được kéo dài tuổi nghỉ hưu, nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý và không được bảo lưu phụ cấp chức vụ lãnh đạo, quản lý.

Về chính sách tiền lương, chính sách thu hút, hỗ trợ đối với nhà giáo, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật quy định lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng tại Kết luận số 91-KL/TW ngày 12/8/2024 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; không quy định tăng 01 bậc lương khởi điểm đối với nhà giáo được tuyển dụng, xếp lương lần đầu; đồng thời, giao Chính phủ quy định chi tiết.

Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã rà soát, chỉnh lý kỹ thuật; rà soát quy định pháp luật chuyên ngành để bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung các nội dung liên quan và quy định điều khoản chuyển tiếp tại Chương IX, bảo đảm quy định của dự thảo Luật không có sự mâu thuẫn, chồng chéo với pháp luật hiện hành.

Lan Hạ