Thủ tướng yêu cầu sắp xếp địa giới hiệu quả, chủ động phục vụ Nhân dân
Tin trong nước - Ngày đăng : 17:30, 06/05/2025
Thủ tướng yêu cầu sắp xếp địa giới hiệu quả, chủ động phục vụ Nhân dân
Thủ tướng yêu cầu tập trung sắp xếp hiệu quả địa giới hành chính, xây dựng chính quyền hai cấp theo hướng chủ động phục vụ Nhân dân, doanh nghiệp; cắt giảm thủ tục, phân cấp mạnh mẽ, nâng cao tự lực, tự cường.
Ngày 6/5, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2025.
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, trong 4 tháng đầu năm, kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng kinh tế cao hơn năm ngoái và cao hơn phương án trước đây, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, bội chi ngân sách, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài được kiểm soát tốt.

Những kết quả đạt được là cơ bản, quan trọng, song Thủ tướng Chính phủ cho rằng, để đạt tăng trưởng từ 8% trở lên trong năm 2025 đòi hỏi phải nỗ lực, cố gắng rất lớn do mục tiêu này đang gặp thách thức hơn bởi một số nguyên nhân, trong đó có tác động từ chính sách thuế quan của Mỹ.
Bên cạnh đó, còn có những tồn tại, hạn chế, như sức ép chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô còn lớn, nhất là về lãi suất, tỉ giá, kiểm soát lạm phát trước những biến động bên ngoài.
Hoạt động sản xuất kinh doanh nhiều lĩnh vực còn khó khăn, tiếp cận vốn tín dụng còn hạn chế; đầu tư tư nhân còn khó khăn, số doanh nghiệp ngừng hoạt động còn lớn.
Chỉ rõ những nguyên nhân của hạn chế, tồn tại, đặc biệt là việc nắm bắt, dự báo tình hình, phản ứng chính sách của một số bộ ngành, cơ quan chưa tốt, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh một số bài học kinh nghiệm.
Theo đó, kiên quyết không lùi bước trước khó khăn; kiên định mục tiêu đề ra và tập trung thực hiện với quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt hơn; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân.
Nắm chắc tình hình, phản ứng chính sách chủ động, kịp thời, linh hoạt, khả thi, hiệu quả; nhìn xa, trông rộng, nghĩ sâu, làm lớn; phân công nhiệm vụ bảo đảm 6 rõ "rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thẩm quyền, rõ thời gian, rõ kết quả".
Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, tăng cường kiểm tra, giám sát; không đùn đẩy, né tránh trách nhiệm; khen thưởng, kỷ luật kịp thời, nghiêm minh.
Định hướng thời gian tới, về bối cảnh tình hình, Thủ tướng nêu rõ, khó khăn, thách thức và thời cơ, thuận lợi đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn và rủi ro, bất ổn toàn cầu gia tăng mạnh.
Song, đây cũng là cơ hội rất lớn để cơ cấu lại nền kinh tế, cơ cấu lại và đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng, khai mở các thị trường mới; đồng thời vừa là "thước đo", vừa là cơ hội, có thêm kinh nghiệm để tăng cường tính tự lực, tự cường, tự vươn lên, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, gắn với tích cực, chủ động hội nhập sâu rộng, thực chất, hiệu quả.
Chỉ rõ 15 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, trước hết, Thủ tướng yêu cầu các bộ trưởng, trưởng ngành, bí thư, chủ tịch các địa phương trước hết phải rà soát lại chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, công việc được giao để khắc phục các hạn chế, bất cập đã chỉ ra.
"Tập trung thực hiện hiệu quả việc sắp xếp địa giới hành chính và xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp, thực sự chuyển trạng thái từ bị động sang chủ động phục vụ Nhân dân, doanh nghiệp, cắt giảm thủ tục hành chính, phân cấp, phân quyền, nâng cao tính tự lực, tự cường; hoàn thiện, rà soát, sửa đổi các văn bản hướng dẫn sáp nhập.
Rà soát lại toàn bộ việc phân cấp, phân quyền của ngành mình và đề xuất Quốc hội ban hành Nghị quyết về phân cấp, phân quyền, những gì làm được thì làm ngay", Thủ tướng nêu.
Thủ tướng chỉ đạo tổ chức thực hiện hiệu quả "bộ tứ chiến lược" theo 4 nghị quyết của Bộ Chính trị: Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia (Nghị quyết 57), hội nhập quốc tế (Nghị quyết 59), xây dựng và thực thi pháp luật (Nghị quyết 66), phát triển kinh tế tư nhân (Nghị quyết 68).
Đồng thời, khẩn trương trình Quốc hội Nghị quyết và trình Chính phủ chương trình hành động triển khai các Nghị quyết 66, Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị.
Một nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm khác được người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh là tập trung thực hiện các giải pháp ứng phó chính sách thuế đối ứng của Mỹ.
"Chuẩn bị kỹ phương án, đàm phán hiệu quả với Mỹ với phương châm "hài hòa lợi ích, rủi ro chia sẻ" và trên tinh thần bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của Việt Nam, hướng tới thương mại cân bằng, bền vững, không làm ảnh hưởng đến các thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam đã tham gia. Khẩn trương ký kết, triển khai các hợp đồng, mua bán hàng hóa với phía Mỹ", Thủ tướng đề cập.
Cùng với đó, theo Thủ tướng, cần thực hiện các giải pháp đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng; nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ, sẵn sàng thích nghi với diễn biến tình hình kinh tế thế giới.
Bảo đảm khai thác tốt thị trường trong nước; tăng cường kiểm tra giám sát nguồn gốc xuất xứ hàng hóa. Bảo đảm thường xuyên trao đổi và hỗ trợ phù hợp cho doanh nghiệp, người lao động chịu ảnh hưởng bởi chính sách thuế quan mới của Mỹ.
Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp hài hòa, đồng bộ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm.
Trong đó lưu ý tiếp tục tiết giảm chi phí, giảm mặt bằng lãi suất cho vay, tăng cường khả năng tiếp cận vốn cho người dân và doanh nghiệp theo Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân.
Ngân hàng Nhà nước cũng được giao nhiệm vụ tăng cường quản lý thị trường vàng, phòng chống buôn lậu, thao túng, găm hàng, lợi dụng tình hình. Bộ Công an cương quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm hình sự.
Bộ Tài chính được giao tăng cường quản lý thu, phấn đấu tăng thu ít nhất 15%; triệt để tiết kiệm chi thường xuyên để tăng chi đầu tư phát triển; thực hiện tốt các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí.
Lãnh đạo Chính phủ chỉ đạo tiếp tục xử lý có kết quả các vấn đề tồn đọng, kéo dài; tập trung xử lý dứt điểm các vướng mắc, sớm đưa vào triển khai hơn 2.200 dự án; đề xuất triển khai áp dụng rộng rãi các cơ chế, chính sách đặc thù tương tự như Nghị quyết 170/2024 của Quốc hội.
Ngoài ra, Thủ tướng chỉ đạo thực hiện tốt chính sách ưu đãi visa, mở rộng diện miễn thị thực nhập cảnh cho một số đối tượng, quốc gia phù hợp để tăng cường thu hút du khách.