[Góc nhìn tuần qua]: Câu chuyện về hàng thật - hàng giả và hy vọng
Góc nhìn tuần qua - Ngày đăng : 11:00, 10/05/2025
[Góc nhìn tuần qua]: Câu chuyện về hàng thật - hàng giả và hy vọng
Hàng chục sản phẩm sửa giả, thuốc chữa bệnh giả được công bố khiến nhiều người bức xúc. Đáng chú ý là sự kiện "bộ lòng xe điếu dài 40m" - một video gây sốt trên mạng xã hội trở thành vấn đề tranh cãi bởi không biết đâu là sự thật. Có lẽ, trong thời đại số hóa, ranh giới giữa thực và ảo, giữa chân thật và hư cấu đã mong manh như sợi chỉ.
Những ngày qua, thông tin thực phẩm giả đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Hàng chục sản phẩm sửa giả, thuốc chữa bệnh giả được công bố khiến nhiều người bức xúc. Đáng chú ý là sự kiện "bộ lòng xe điếu dài 40m" - một video gây sốt trên mạng xã hội trở thành vấn đề tranh cãi bởi không biết đâu là sự thật. Có lẽ, trong thời đại số hóa, ranh giới giữa thực và ảo, giữa chân thật và hư cấu đã mong manh như sợi chỉ.
Tại quán "Lòng Chát Quán" ở Hà Nội, thời điểm cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra, chủ quán đã phải thừa nhận: con số 40m chỉ là chiêu trò marketing, một cách "nổ" quá đà để thu hút khách. Không chỉ cửa hàng tại Hà Nội buộc phải tạm ngừng hoạt động, mà chi nhánh tại TP.HCM cũng bị kiểm tra đột xuất. Chủ quán đối mặt với khoản tiền phạt lên đến 60 triệu đồng về hành vi quảng cáo sai sự thật.
Vụ việc "Lòng Chát Quán" chỉ là đỉnh nổi của tảng băng chìm về vấn nạn quảng cáo sai sự thật đang ngày càng tinh vi. Thực tế, không chỉ dừng lại ở món ăn kỷ lục ảo, mà cả thuốc giả, sữa giả, thực phẩm chức năng giả đang âm thầm "đầu độc" người tiêu dùng Việt Nam. Và trước "cơn bão" hàng giả này, ngay trong tuần đầu tháng 5, thành phố Hà Nội đã chỉ đạo tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi sản xuất, buôn bán thuốc chữa bệnh giả
Theo đó, Hà Nội đã thành lập 2 đoàn kiểm tra liên ngành nhằm rà soát, kiểm tra các cơ sở sản xuất, buôn bán, kinh doanh các sản phẩm này, đồng thời phối hợp với công an thành phố để điều tra và xử lý các vi phạm.
Sở Y tế và Sở Công Thương sẽ phối hợp chủ trì kiểm tra các cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm chức năng, sữa và sản phẩm dinh dưỡng, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Đồng thời, Sở Văn hóa và Thể thao sẽ rà soát và xử lý các sai phạm trong quảng cáo các sản phẩm giả trên các nền tảng mạng xã hội và các phương tiện thông tin đại chúng.
UBND các quận, huyện và thị xã sẽ triển khai các đợt kiểm tra cao điểm và tuyên truyền nâng cao nhận thức về an toàn thực phẩm. Những cơ sở vi phạm sẽ được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân nhận thức và phòng ngừa.
Trong khi Hà Nội đang siết chặt vòng vây với hàng giả thì tại Sơn La, lực lượng chức năng qua kiểm tra chợ đêm bản Mé Ban (phường Chiềng Cơi, TP. Sơn La), phát hiện 200kg rau, củ, quả các loại có kết quả dương tính với hóa chất độc hại. Kết quả cho thấy 9/21 mẫu (gồm bầu, bí, dưa chuột, su su, rau cải dài, chanh, quất, cam, dưa lê, xoài...) chứa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép và chất bảo quản, chất độc hại cấm sử dụng.
Thống kê trong quý I năm 2025, các cơ quan chức năng đã phát hiện và xử lý hơn 300 vụ vi phạm, thu giữ gần 50.000 sản phẩm thuốc và thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả, với tổng giá trị hàng hóa lên đến hàng chục tỷ đồng.
Ngày 2/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có công điện số 55 yêu cầu các bộ ngành, địa phương tăng cường phối hợp, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân liên quan đến sản xuất, buôn bán thuốc chữa bệnh giả, sữa giả và thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả.
Công điện nêu thời gian vừa qua Bộ Công an, các cơ quan chức năng liên tiếp phát hiện, điều tra các vụ việc sản xuất, buôn bán thuốc chữa bệnh giả, sữa giả và thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả với quy mô lớn, trong thời gian dài, gây dư luận bức xúc trong nhân dân.
Thủ tướng đã liên tục chỉ đạo tại nhiều văn bản, trong đó giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương khẩn trương xử lý các vụ việc nêu trên.
Công điện nhấn mạnh việc phải xử lý dứt điểm các đường dây, ổ nhóm sản xuất, buôn bán thuốc giả, không để tái diễn các vụ việc tương tự.