Thủ tướng: "Tiếp lửa" cho doanh nghiệp dấn thân, nhìn xa trông rộng, nghĩ sâu làm lớn

Tin trong nước - Ngày đăng : 11:25, 18/05/2025

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Nghị quyết số 68-NQ/TW là nguồn cảm hứng mạnh mẽ, "tiếp lửa" cho cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân dấn thân.
Tin trong nước

Thủ tướng: "Tiếp lửa" cho doanh nghiệp dấn thân, nhìn xa trông rộng, nghĩ sâu làm lớn

Thanh Thanh {Ngày xuất bản}

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Nghị quyết số 68-NQ/TW là nguồn cảm hứng mạnh mẽ, "tiếp lửa" cho cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân dấn thân.

Kinh tế tư nhân góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Sáng 18/5 đã diễn ra Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW, ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới và Nghị quyết số 68-NQ/TW, ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân do Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức.

Tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã trình bày Chuyên đề "Nội dung trọng tâm, cốt lõi của Nghị quyết số 68-NQ/TW, ngày 04/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân và kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 68-NQ/TW".

screenshot-2025-05-18-112333.png
Thủ tướng Phạm Minh Chính trình bày Chuyên đề 1 "Nội dung trọng tâm, cốt lõi của Nghị quyết số 68-NQ/TW, ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân và Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết." (Ảnh: TTXVN)

Khái quát thực trạng khu vực kinh tế tư nhân (KTTN), Thủ tướng cho biết, KTTN liên tục phát triển, khẳng định vị thế là một động lực quan trọng của nền kinh tế; là kênh huy động hiệu quả các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển; góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tăng thu ngân sách nhà nước; tạo việc làm, thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội; thúc đẩy hội nhập quốc tế; đóng góp quan trọng cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và phát triển đất nước.

Số lượng doanh nghiệp thành lập tăng mạnh, từ khoảng 5.000 doanh nghiệp năm 1990 lên 50.000 doanh nghiệp năm 2000, và 200.000 năm 2005 (gấp 40 lần sau 15 năm); đến nay có gần 1 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế.

KTTN liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, là khu vực có đóng góp lớn nhất trong nền kinh tế, chiếm tỷ trọng khoảng 50% GDP. Từ năm 2016 đến nay, tốc độ tăng trưởng của khu vực KTTN đạt khoảng 6-8%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng bình quân của nền kinh tế.

Mặc dù có nhiều đóng góp quan trọng, khu vực KTTN vẫn còn những tồn tại, hạn chế, chưa phát huy hết tiềm năng, nội lực và chưa đóng góp xứng đáng cho kinh tế quốc gia.

Trong đó, qua thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, chúng ta cũng thấy rõ những bất cập mang tính căn cơ, bản chất: Nhận thức về KTTN còn hạn chế, quan điểm chưa cởi mở; Công tác lãnh đạo, chỉ đạo còn bất cập; Tổ chức thực hiện pháp luật, cơ chế, chính sách về KTTN chưa thực sự kịp thời, hiệu quả; Một bộ phận DNTN chưa thực sự chủ động, linh hoạt, tự lực, tự cường, nỗ lực vươn lên.

Thủ tướng đã chỉ ra nguyên nhân của tồn tại, hạn chế do thể chế, pháp luật vẫn là "điểm nghẽn của điểm nghẽn", gây cản trở phát triển KTTN. Thủ tục hành chính còn vướng mắc; Chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam năm 2023 xếp hạng 70/190 quốc gia, thấp hơn một số nước trong khu vực (như Thái Lan, Malaysia, Singapore).

Một số điều kiện kinh doanh không cần thiết, thiếu tính khả thi chưa được bãi bỏ, sửa đổi kịp thời; thủ tục đầu tư, kinh doanh trong một số ngành, lĩnh vực còn phức tạp, thiếu minh bạch; một số chính sách hỗ trợ DNTN khó thực hiện.

Năng lực nội tại của KTTN còn hạn chế, nhất là về vốn, quản trị, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, áp dụng các mô hình kinh doanh mới như kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn.

Tư duy, nhận thức của một bộ phận cán bộ, công chức còn mang nặng tính "xin - cho"; còn tình trạng thiếu trách nhiệm, nhũng nhiễu, tiếp tay cho tiêu cực, lợi ích nhóm, tham nhũng, lãng phí.

Từ đó đã đặt ra yêu cầu về chính sách đột phá phát triển kinh tế tư nhân. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ đã khẩn trương thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án phát triển kinh tế tư nhân do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban. Trong một thời gian ngắn, Chính phủ đã trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TW.

Nghị quyết 68/NQ-TW mới được ban hành tròn 2 tuần, nhưng đã được cả hệ thống chính trị, toàn dân nhiệt liệt hưởng ứng, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, hộ kinh doanh hồ hởi đón nhận, xem đây là một bước tiến đột phá về tư duy phát triển, trở thành một "cuộc cách mạng về tư duy và thể chế" cho KTTN, tạo lập và củng cố niềm tin, thúc đẩy KTTN vươn lên, bứt phá, đóng góp cho đất nước.

Đổi mới, đột phá, cải cách mạnh mẽ để phát triển kinh tế tư nhân

Tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nêu rõ các nội dung chính của Nghị quyết 68-NQ/TW.

Theo đó, 5 quan điểm chỉ đạo mang tính đột phá về phát triển kinh tế tư nhân, trong đó nổi bật là:

1. KTTN là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia.

2. Phát triển KTTN nhanh, bền vững, hiệu quả, chất lượng cao vừa là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, vừa mang tính chiến lược lâu dài.

3. Xóa bỏ triệt để nhận thức, tư tưởng, quan niệm, thái độ định kiến về KTTN; coi doanh nhân là những chiến sỹ trên mặt trận kinh tế.

4. Tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, bảo đảm khả năng cạnh tranh khu vực, toàn cầu; thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, làm giàu hợp pháp, đóng góp cho đất nước.

5. Tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, kiến tạo của Nhà nước, lấy doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể; tôn vinh, cổ vũ, phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh.

Nghị quyết 68-NQ/TW đặt mục tiêu đến năm 2030:

- Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia; là lực lượng tiên phong trong phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu của Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị.

- Có 2 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế, 20 doanh nghiệp hoạt động/nghìn dân; có ít nhất 20 doanh nghiệp lớn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

- Tốc độ tăng trưởng bình quân đạt khoảng 10-12%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế; đóng góp khoảng 55-58% GDP, 35-40% tổng thu NSNN; giải quyết việc làm cho khoảng 84-85% tổng số lao động; năng suất lao động tăng bình quân khoảng 8,5-9,5%/năm.

- Trình độ, năng lực công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số thuộc nhóm 3 nước đứng đầu ASEAN và nhóm 5 nước đứng đầu châu Á.

Tầm nhìn đến năm 2045: Kinh tế tư nhân Việt Nam phát triển nhanh, mạnh, bền vững, chủ động tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu; có năng lực cạnh tranh cao trong khu vực và quốc tế; phấn đấu đến năm 2045 có ít nhất 3 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế; đóng góp khoảng trên 60% GDP.

Nghị quyết đề ra 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp thể hiện tinh thần đổi mới, đột phá, cải cách mạnh mẽ nhằm giải quyết những vấn đề quan trọng, cấp bách nhất đối với phát triển KTTN. Đó là:

Nhóm 1: Đổi mới tư duy, thống nhất cao về nhận thức và hành động, khơi dậy niềm tin, khát vọng dân tộc, tạo xung lực mới, khí thế mới để phát triển KTTN.

Nhóm 2: Đẩy mạnh cải cách, hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế, chính sách, bảo đảm và bảo vệ hữu hiệu quyền sở hữu, quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh, quyền cạnh tranh bình đẳng của KTTN và bảo đảm thực thi hợp đồng của KTTN.

Nhóm 3: Tạo thuận lợi cho KTTN tiếp cận các nguồn lực về đất đai, vốn, nhân lực chất lượng cao.

Nhóm 4: Thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh doanh hiệu quả, bền vững trong KTTN.

Nhóm 5: Tăng cường kết nối giữa các DNTN, DNTN với doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp FDI.

Nhóm 6: Hình thành và phát triển nhanh các doanh nghiệp vừa và lớn, tập đoàn KTTN tầm cỡ khu vực và toàn cầu.

Nhóm 7: Hỗ trợ thực chất, hiệu quả doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và hộ kinh doanh.

Nhóm 8: Đề cao đạo đức kinh doanh, phát huy trách nhiệm xã hội, thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần kinh doanh, tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nhân tham gia quản trị đất nước.

Phân công nhiệm vụ cụ thể với tinh thần "6 rõ"

Đề cập tới Kế hoạch hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 68-NQ/TW, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh phương châm đặt ra là phải tập trung thực hiện với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết định, xác định rõ trọng tâm, trọng điểm. Phân công nhiệm vụ phải bảo đảm cụ thể, rõ ràng cho các bộ, ngành, địa phương thực hiện với tinh thần "6 rõ: rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thẩm quyền, rõ thời gian, rõ kết quả".

Trên cơ sở Chương trình hành động của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch hành động, tổ chức triển khai, kiểm tra, giám sát, đánh giá thực hiện để thực hiện thành công Nghị quyết 68-NQ/TW, hiện thực hóa mục tiêu đưa KTTN trở thành một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia. Đồng thời, đề nghị cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân chung sức, đồng lòng, kề vai, sát cánh với các cấp, các ngành, các địa phương để sớm đưa Nghị quyết 60-NQ/TW vào thực tiễn cuộc sống, phát huy hiệu quả.

Bám sát 5 quan điểm chỉ đạo, các mục tiêu cụ thể đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu theo Nghị quyết số 68-NQ/TW, Chương trình hành động của Chính phủ đưa ra 8 nhóm nhiệm vụ với 117 nhiệm vụ cụ thể, giao cho từng bộ, ngành, các địa phương chủ trì hoặc phối hợp triển khai thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, với thời hạn, kết quả cụ thể.

Trong đó có những nhiệm vụ cụ thể như giao các bộ, cơ quan theo chức năng, nhiệm vụ khẩn trương rà soát, trình cấp có thẩm quyền sửa đổi bổ sung 11 Luật; đẩy mạnh chuyển đổi số, cắt giảm tối đa thời gian, chi phí, điều kiện kinh doanh; Giao Bộ Công an, Bộ Tư pháp theo chức năng, nhiệm vụ chủ trì hoặc phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, sửa đổi các Bộ luật hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật dân sự, Bộ luật Tố tụng dân sự để cụ thể hóa, phân định rõ trách nhiệm hình sự với hành chính, dân sự trong xử lý vi phạm; tạo niềm tin để doanh nghiệp yên tâm đầu tư sản xuất kinh doanh theo quy định pháp luật…

Ngày 17/5/2025, Quốc hội cũng đã ban hành Nghị quyết số 198/2025/ QH15 về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân.

Trong có một số nội dung như hỗ trợ tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh; Hỗ trợ thuê nhà, đất là tài sản công. Doanh nghiệp được trích tối đa 20% thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp để lập quỹ phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Đặt hàng, đấu thầu hạn chế, chỉ định thầu thực hiện dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia; trong đó mở rộng sự tham gia của DNTN vào các dự án trọng điểm có ý nghĩa lớn với phát triển KTXH, dự án quan trọng quốc gia, khuyến khích đối tác công tư...

Ngày 17/5/2025, Chính phủ đã kịp thời ban hành Nghị quyết số 139/NQ-CP về Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 198/2025/QH15 của Quốc hội, trong đó giao nhiệm vụ cụ thể với thời hạn cụ thể cho các bộ, cơ quan, địa phương để tập trung triển khai thực hiện, phát huy hiệu quả ngay từ thời điểm ban hành.

Ban hành ngay Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 68-NQ/TW

Để Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị đi vào thực tiễn, phát huy hiệu quả, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các cấp, các ngành, các địa phương cần đặc biệt chú trọng tổ chức triển khai thực hiện, bảo đảm chủ động, kịp thời, linh hoạt, hiệu quả; phân công nhiệm vụ với thời hạn cụ thể; thường xuyên kiểm tra, đánh giá, giám sát thực hiện, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu. Trong đó, lưu ý một số nội dung trọng tâm sau:

1. Để đảm bảo thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đề ra, đề nghị các cấp, các ngành, các địa phương vào cuộc quyết liệt; Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai Nghị quyết số 68-NQ/CP tập trung chỉ đạo; định kỳ rà soát, đôn đốc bảo đảm thực hiện đúng tiến độ, chất lượng các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại Nghị quyết.

2. Trên cơ sở bám sát nội dung Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 198/20205/QH15 của Quốc hội và Kế hoạch hành động của Chính phủ, đề nghị các cấp, các ngành, các địa phương ban hành ngay Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 68-NQ/TW và Kế hoạch hành động của Chính phủ trong tháng 5/2025.

3. Yêu cầu các đồng chí Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ở Trung ương, các đồng chí Bí thư tỉnh ủy, thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, lãnh đạo các cấp ủy đảng, chính quyền tập trung chỉ đạo quán triệt, thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp được giao; tăng cường đôn đốc, kiểm tra, giám sát; định kỳ báo cáo kết quả thực hiện theo quy định; kịp thời báo cáo và kiến nghị các biện pháp cần thiết để thực hiện đồng bộ và hiệu quả Nghị quyết và Kế hoạch hành động.

4. Các cấp, các ngành, các địa phương đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, tổ chức các phong trào thi đua và thực hiện nghiêm, kịp thời chế độ khen thưởng, kỷ luật trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 68-NQ/TW và Kế hoạch hành động của Chính phủ.

5. Trong quá trình tổ chức thực hiện, trường hợp cần sửa đổi, bổ sung những nội dung, nhiệm vụ cụ thể thuộc Kế hoạch hành động của Chính phủ, đề nghị các bộ, ngành, địa phương chủ động đề xuất, gửi Bộ Tài chính để tổng hợp, báo cáo theo quy định.

Thủ tướng nhấn mạnh: Hơn 70 năm trước, ngay trong bối cảnh rất khó khăn của cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân, đấu tranh giải phóng dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu của chúng ta đã khẳng định: "Kinh tế tư bản của dân tộc, kinh tế tư nhân của nông dân, của tiểu thương là lực lượng cần thiết cho công cuộc xây dựng nước nhà" .

"Tư tưởng chiến lược của Hồ Chủ tịch về kinh tế tư nhân vẫn còn nguyên giá trị trong điều kiện hiện nay. Với những giải pháp mang tính cách mạng, đột phá, Nghị quyết số 68-NQ/TW là nguồn cảm hứng mạnh mẽ, "tiếp lửa" cho cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân dấn thân, nhìn xa trông rộng, nghĩ sâu làm lớn, vượt qua giới hạn của chính bản thân mình, tạo dựng những giá trị mới, cùng cả nước vươn lên trong kỷ nguyên mới" – Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ.

Thủ tướng bày tỏ tin tưởng chắc chắn rằng, các Nghị quyết quan trọng của Bộ Chính trị, gồm Nghị quyết 57-NQ/TW, Nghị quyết 59-NQ/TW, Nghị quyết 66-NQ/TW và Nghị quyết 68-NQ/TW sẽ được thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả, đạt được những thành tựu mang tính đột phá trên các lĩnh vực, tạo nền tảng, cơ sở vững chắc đưa đất nước ta phát triển nhanh và bền vững, sánh vai với các cường quốc năm châu, như Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu hằng mong muốn.

Thanh Thanh