Hệ thống pháp luật và chính sách về khai thác khoáng sản bền vững tại Việt Nam

Emagazines - Ngày đăng : 14:10, 22/05/2025

Tài nguyên khoáng sản là nguồn lực quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Tuy nhiên, hoạt động khai thác khoáng sản tại Việt Nam trong những năm qua cũng đã và đang đặt ra nhiều thách thức lớn về môi trường, trật tự xã hội và sự cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên.
Emagazines

Hệ thống pháp luật và chính sách về khai thác khoáng sản bền vững tại Việt Nam

Thái Bình {Ngày xuất bản}

Tài nguyên khoáng sản là nguồn lực quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Tuy nhiên, hoạt động khai thác khoáng sản tại Việt Nam trong những năm qua cũng đã và đang đặt ra nhiều thách thức lớn về môi trường, trật tự xã hội và sự cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên.

mo-than9-2320.jpg

Trong bối cảnh phát triển bền vững ngày càng trở thành mục tiêu cốt lõi, việc hoàn thiện hệ thống pháp luật và chính sách quản lý khoáng sản theo hướng bền vững, minh bạch và hiệu quả là yêu cầu cấp thiết.

Bài viết Hệ thống pháp luật và chính sách về khai thác khoáng sản bền vững tại Việt Nam thuộc chuyên đề "Khai thác khoáng sản ở Việt Nam – Những hệ lụy đối với môi trường" tập trung phân tích hệ thống pháp luật và chính sách hiện hành về khai thác khoáng sản tại Việt Nam, đánh giá những kết quả đạt được, chỉ ra các bất cập, khoảng trống trong thực tiễn triển khai, đồng thời đề xuất một số định hướng hoàn thiện nhằm bảo đảm hài hòa giữa khai thác hợp lý tài nguyên với bảo vệ môi trường và lợi ích của cộng đồng.

Khung pháp lý hiện hành về khai thác khoáng sản và bảo vệ môi trường

Khai thác khoáng sản là một trong những lĩnh vực kinh tế có đóng góp lớn vào tăng trưởng GDP và nguồn thu ngân sách nhà nước ở Việt Nam. Tuy nhiên, hoạt động này cũng đi kèm với nguy cơ lớn về suy thoái môi trường, mất cân bằng sinh thái, cạn kiệt tài nguyên không tái tạo và ảnh hưởng đến đời sống người dân. Chính vì vậy, Việt Nam đã xây dựng một hệ thống pháp luật tương đối đầy đủ để kiểm soát, điều chỉnh hoạt động khai thác khoáng sản theo hướng bền vững.

2.jpg

Trước hết, phải kể đến Luật Khoáng sản năm 2010, văn bản pháp lý cốt lõi điều chỉnh hoạt động điều tra, thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng tài nguyên khoáng sản. Luật xác định rõ nguyên tắc khai thác khoáng sản phải gắn với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, đồng thời quy định cụ thể trách nhiệm của tổ chức, cá nhân được cấp phép khai thác khoáng sản về hoàn thổ, cải tạo, phục hồi môi trường sau khai thác.

Song hành, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã thể hiện bước tiến mới về tư duy quản lý môi trường theo cách tiếp cận vòng đời dự án. Theo đó, đánh giá tác động môi trường (ĐTM) được quy định như một công cụ pháp lý và khoa học quan trọng để sàng lọc, kiểm soát rủi ro môi trường ngay từ giai đoạn chuẩn bị dự án. Các doanh nghiệp khai khoáng bắt buộc phải lập báo cáo ĐTM và được cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt trước khi triển khai dự án.

Ngoài ĐTM, một công cụ pháp lý khác là giấy phép môi trường được tích hợp từ nhiều loại giấy tờ trước đây (giấy xác nhận hoàn thành công trình BVMT, giấy phép xả thải, giấy xác nhận đủ điều kiện BVMT...) giúp giảm tải thủ tục nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu quản lý chặt chẽ. Việc ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường cũng là nghĩa vụ bắt buộc. Theo Nghị định số 08/2022/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật BVMT 2020, mức ký quỹ được tính toán dựa trên quy mô, thời gian và mức độ ảnh hưởng của dự án khai thác khoáng sản. Đây là cơ chế tài chính phòng ngừa, bảo đảm doanh nghiệp có trách nhiệm khắc phục hậu quả môi trường sau khai thác.

5.jpg

Đặc biệt, ngày 29/11/2024, Luật Địa chất và Khoáng sản số 54/2024/QH15 đã được Quốc hội thông qua, thay thế Luật Khoáng sản 2010 và sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 01/7/2025. Đây là bước chuyển hóa mang tính hệ thống, đánh dấu nỗ lực đổi mới quản lý ngành khoáng sản theo hướng hiện đại, minh bạch, hiệu quả và bền vững hơn. Một trong những điểm mới đáng chú ý của Luật là sự thay đổi căn bản cơ chế quản lý kỹ thuật và an toàn trong khai thác. Luật bổ sung các quy định bắt buộc về: tiêu chuẩn năng lực đối với nhân sự điều hành sản xuất mỏ; yêu cầu kiểm định, chứng nhận hệ thống thiết bị và phương tiện được sử dụng trong khai thác; phân cấp mỏ theo mức độ nguy hiểm cháy nổ do khí mê tan, từ đó áp dụng các biện pháp an toàn phù hợp; và huấn luyện định kỳ nâng cao nghiệp vụ cho lực lượng ứng cứu khẩn cấp bán chuyên trách tại cơ sở nhằm xử lý tình huống tại chỗ. Những quy định này kỳ vọng sẽ nâng tầm tiêu chuẩn an toàn mỏ tại Việt Nam, tiệm cận với thông lệ quốc tế.

Hiệu quả thực thi pháp luật và thực trạng quản lý khai thác khoáng sản

Tuy có hệ thống luật pháp tương đối đầy đủ và tiến bộ, nhưng việc thực thi pháp luật về khoáng sản tại Việt Nam vẫn còn tồn tại nhiều bất cập. Tình trạng khai thác trái phép, không giấy phép hoặc khai thác vượt công suất, vượt diện tích được cấp phép vẫn diễn ra phổ biến ở nhiều địa phương như Nghệ An, Bắc Kạn, Quảng Nam, Hà Giang...

Một trong những nguyên nhân là do năng lực quản lý nhà nước ở cấp địa phương còn hạn chế. Đội ngũ thanh tra môi trường và tài nguyên còn mỏng, thiếu chuyên môn sâu, trong khi địa bàn khai thác rộng, địa hình phức tạp. Có nơi, chính quyền cấp huyện và xã còn buông lỏng quản lý hoặc tiếp tay cho vi phạm vì lợi ích cục bộ. Một số doanh nghiệp cố tình né tránh thực hiện nghĩa vụ ĐTM, không trích lập đầy đủ quỹ phục hồi môi trường, thậm chí sau khi khai thác xong thì bỏ mỏ, để lại hố sâu, sườn dốc nguy hiểm, gây sạt lở, ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống dân sinh và sản xuất nông nghiệp của người dân.

Mặt khác, nhiều mỏ khai thác khoáng sản chưa áp dụng công nghệ hiện đại, chưa có giải pháp xử lý nước thải, bụi mịn, tiếng ồn hiệu quả, dẫn đến phát thải ô nhiễm trực tiếp ra môi trường. Tại một số vùng ven đô, tình trạng xe vận tải chở khoáng sản không che chắn, làm rơi vãi đất đá, hư hỏng đường giao thông, gây bức xúc trong dư luận. Qua đó có thể thấy tính tuân thủ pháp luật trong ngành còn thấp, trong khi chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe, việc khởi kiện dân sự và truy cứu trách nhiệm hình sự với các hành vi vi phạm môi trường còn rất hạn chế.

3.jpg

Trong bối cảnh chuyển đổi sang mô hình kinh tế xanh, phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu, Việt Nam cần một chiến lược quản lý khoáng sản mới, đồng bộ giữa pháp luật, chính sách, công cụ kinh tế và giám sát xã hội. Trên cơ sở đánh giá thực tiễn và các quy định pháp lý hiện hành, có thể đề xuất một số kiến nghị cụ thể như sau:

Tăng cường năng lực thực thi pháp luật và giám sát địa phương: Cần đào tạo, nâng cao trình độ cho đội ngũ thanh tra môi trường – tài nguyên tại cấp tỉnh, huyện; ứng dụng công nghệ thông tin, bản đồ số, thiết bị bay không người lái (UAV), cảm biến IoT để theo dõi, giám sát các khu mỏ khai thác theo thời gian thực, phát hiện vi phạm sớm.

ks.jpg

Rà soát, nâng mức ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường: Mức ký quỹ hiện nay còn thấp, không đủ để khắc phục thiệt hại môi trường nếu xảy ra sự cố. Cần điều chỉnh mức ký quỹ theo nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền”, gắn với quy mô, loại hình và rủi ro môi trường cụ thể của từng dự án.

Công khai, minh bạch thông tin môi trường của dự án khai thác: Mọi báo cáo ĐTM, giấy phép môi trường, kế hoạch hoàn thổ – phục hồi phải được niêm yết công khai tại trụ sở xã, phường nơi có mỏ hoạt động để người dân tham gia giám sát. Báo chí và các tổ chức xã hội có vai trò quan trọng trong phản ánh, giám sát và kiến nghị chính sách.

Thúc đẩy chuyển đổi công nghệ trong ngành khai khoáng: Nhà nước cần có chính sách ưu đãi tín dụng, thuế hoặc hỗ trợ đổi mới công nghệ để các doanh nghiệp đầu tư vào thiết bị khai thác tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải, có khả năng xử lý nước thải – bụi – tiếng ồn hiệu quả.

Ban hành sớm các nghị định, thông tư hướng dẫn Luật Địa chất và Khoáng sản 2024: Cần có lộ trình cụ thể, quy định rõ thẩm quyền quản lý kỹ thuật mỏ, tiêu chuẩn an toàn cháy nổ, quy trình ứng cứu khẩn cấp tại mỏ. Việc hướng dẫn đồng bộ và chi tiết sẽ bảo đảm tính khả thi trong triển khai luật mới.

Tăng cường chế tài và xử lý nghiêm vi phạm: Đối với các trường hợp khai thác trái phép, xả thải gây ô nhiễm nghiêm trọng, phải xử phạt hành chính ở mức cao nhất, thu hồi giấy phép, buộc bồi thường thiệt hại và có thể truy cứu trách nhiệm hình sự nếu gây hậu quả nghiêm trọng. Đồng thời, cần áp dụng cơ chế "xếp hạng xanh – đỏ" cho doanh nghiệp khai khoáng dựa trên mức độ tuân thủ pháp luật.

Lồng ghép yếu tố văn hóa và phát triển cộng đồng địa phương: Khai thác khoáng sản không nên chỉ nhìn từ góc độ kinh tế – môi trường mà cần quan tâm đến yếu tố văn hóa – xã hội. Việc phát triển mỏ phải đồng hành với đầu tư hạ tầng, bảo tồn văn hóa bản địa, tạo sinh kế bền vững sau khi mỏ kết thúc hoạt động.

Việt Nam đang đứng trước cơ hội và thách thức lớn trong quản lý tài nguyên khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Việc ban hành Luật Địa chất và Khoáng sản 2024 là một bước ngoặt thể chế quan trọng, nhưng hiệu quả thực sự phụ thuộc vào khâu thực thi. Cần sự vào cuộc đồng bộ của các cấp chính quyền, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư và tổ chức xã hội để tạo dựng một ngành khai khoáng minh bạch, hiện đại và thân thiện với môi trường. Chỉ khi giải quyết hài hòa giữa lợi ích kinh tế – an toàn môi trường – phát triển cộng đồng thì Việt Nam mới có thể tiến tới một nền kinh tế xanh và bền vững như kỳ vọng.

Thái Bình