Biến đổi khí hậu có thể làm giảm ít nhất 12,5% GDP của Việt Nam

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 15:00, 25/05/2025

Đây là kết quả nghiên cứu mới nhất do Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố trong Báo cáo “Việt Nam 2045 - Tăng trưởng xanh hơn: Con đường hướng tới tương lai bền vững”.
Biến đổi khí hậu

Biến đổi khí hậu có thể làm giảm ít nhất 12,5% GDP của Việt Nam

Thanh Thanh 25/05/2025 14:00

Đây là kết quả nghiên cứu mới nhất do Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố trong Báo cáo “Việt Nam 2045 - Tăng trưởng xanh hơn: Con đường hướng tới tương lai bền vững”.

Thời tiết cực đoan gây thiệt hại nặng nề

Trong rất nhiều tác động của biến đổi khí hậu đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, WB đã lựa chọn nghiên cứu tập trung vào 3 kênh tác động chính có thể lượng hóa, bao gồm: Tổn thất về năng suất lao động do căng thẳng vì nhiệt độ cao (heat stress), tổn thất về vốn hạ tầng và tác động đến nông nghiệp.

Khảo sát của Ngân hàng Thế giới năm 2024 cũng cho thấy, khoảng 3/4 các doanh nghiệp sản xuất trong ngành may mặc và điện tử – hai lĩnh vực xuất khẩu chủ lực của Việt Nam – đang hoạt động tại các khu vực thường xuyên có nhiệt độ ngoài trời cao, khiến 1,3 triệu lao động rơi vào nhóm dễ bị tổn thương.

capture(6).png
Ảnh minh họa

Dù là kịch bản tích cực hay tiêu cực, biến đổi khí hậu chắc chắn sẽ làm giảm đà tăng trưởng của Việt Nam. Theo kịch bản có khả năng xảy ra nhất RCP4.5 (lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu đạt đỉnh vào khoảng năm 2040 và sau đó giảm dần), tổn thất kinh tế vĩ mô riêng từ 3 kênh tác động trên được dự báo sẽ làm giảm tăng trưởng GDP của Việt Nam qua từng năm. Dự báo mức giảm là 9,1% vào năm 2035 và 12,5% vào năm 2050, so với kịch bản cơ sở.

Ước tính tác động của biến đổi khí hậu đến tăng trưởng GDP của Việt Nam với tỷ lệ % chênh lệch so với kịch bản phát triển cơ sở. Đường màu xanh dương ứng với kịch bản có khả năng xảy ra nhất. Nguồn: WB.

Theo đó, các hiện tượng thời tiết cực đoan - như ngập lụt, nước dâng do bão và bão nhiệt đới... - có thể diễn ra thường xuyên hơn hoặc mạnh hơn, gây phá hủy cơ sở hạ tầng như đường xá, nhà ở, công trình và sản xuất nông, lâm nghiệp. Dự báo thiên tai sẽ làm giảm 1% GDP tăng trưởng và gây thiệt hại lên đến 2,5% GDP.

Nghiên cứu của WB cũng chỉ ra, biến đổi khí hậu dự báo sẽ làm chậm tiến độ giảm nghèo của Việt Nam. Người lao động có kỹ năng thấp và thu nhập thấp phải đối mặt với nhiều nguy cơ rủi ro; trong khi các hộ gia đình thu nhập thấp không có đủ nguồn lực và năng lực tự phòng vệ với những tác động bất lợi của biến đổi khí hậu.

Nếu không có các biện pháp thích ứng, khả năng Việt Nam sẽ có từ 100.000 đến 1,1 triệu người dưới ngưỡng nghèo vào năm 2050. Số lượng người nghèo tối thiểu dựa trên giả định rằng biến đổi khí hậu không làm gia tăng tình trạng phân hóa giàu nghèo. Kịch bản tối đa xảy ra nếu mức độ bất bình đẳng tăng thêm 15% vào năm 2050.

Ngoài ra, biến đổi khí hậu còn đe dọa tới các sinh kế và nỗ lực giảm nghèo theo vùng miền. Chẳng hạn, ở đồng bằng sông Cửu Long, nếu mực nước biển dâng từ 75-100 cm, gần một nửa vùng đồng bằng có thể bị ngập vào năm 2050. Điều này gây thiệt hại lớn cho sản xuất nông nghiệp, thậm chí kéo dài trong nhiều năm và giảm thu nhập của người dân. WB dự báo, các nỗ lực giảm nghèo sẽ bị chững lại ở vựa lúa của Việt Nam, nơi tỷ lệ người dân sống dưới ngưỡng nghèo đang chiếm khoảng 25% dân số khu vực này vào năm 2024.

Cần đầu tư tăng thêm hơn 230 tỷ USD mỗi năm để thích ứng

WB ước tính, nhu cầu đầu tư tăng thêm cho thích ứng biến đổi khí hậu trong giai đoạn 2025-2050 của Việt Nam vào khoảng 233 tỷ USD, tương đương bình quân 0,75% GDP mỗi năm. Các khoản đầu tư thích ứng trong quản lý rủi ro thiên tai, quản lý đô thị, giao thông vận tải, nông nghiệp sẽ giúp giảm thiểu đáng kể tổn thất GDP, từ mức dự kiến 12,5% xuống còn 6,7% vào năm 2050.

Theo bà Mariam J. Sherman, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, Campuchia và CHDCND Lào: "Ngay từ bây giờ chúng ta đã có thể thực hiện nhiều biện pháp để bảo vệ đất đai, cộng đồng và cơ sở hạ tầng trước những cú sốc do biến đổi khí hậu gây ra. Điều quan trọng là xây dựng các cơ chế và chính sách phù hợp để khuyến khích doanh nghiệp và người dân chủ động thích ứng, đồng thời lồng ghép quản lý rủi ro khí hậu vào mọi lĩnh vực của nền kinh tế”.

Dựa trên 3 kênh tác động chính từ biến đổi khí hậu, WB đã đề xuất nhiều giải pháp cho giai đoạn 2026-2030. Trọng tâm là Chính phủ đóng vai trò xây dựng môi trường chính sách thuận lợi, khuyến khích doanh nghiệp và cộng đồng tham gia đầu tư thích ứng biến đổi khí hậu. Trong đó, ưu tiên những giải pháp mang lại nhiều lợi ích cộng hưởng cả về giảm thiểu rủi ro thiên tai, tăng năng suất lao động, bảo vệ môi trường, tăng khả năng chống chịu của xã hội và có lợi nhuận.

Các khuyến nghị tập trung vào khai thác các công cụ huy động tài chính đổi mới sáng tạo; phát triển thị trường bảo hiểm và áp dụng các cơ chế mới về chia sẻ rủi ro đầu tư với khu vực tư nhân; lồng ghép những cân nhắc về rủi ro khí hậu vào các dự án hạ tầng hiện tại và sắp tới; đảm bảo quản lý rủi ro thiên tai và tăng cường chia sẻ dữ liệu về thiên tai, khí hậu; thiết kế và xây dựng đô thị, công trình giao thông chống chịu thiên tai; chuyên đổi cơ cấu giống, cây trồng, mùa vụ và áp dụng các giải pháp sản xuất tiên tiến để giảm thiệt hại của ngành nông nghiệp...

Thanh Thanh