Bali ( Indonesia) hành động trước khủng hoảng vi nhựa

Môi trường - Tài nguyên - Ngày đăng : 12:00, 25/05/2025

Việc cấm sản xuất và tiêu thụ chai nhựa dùng một lần dưới 1 lít ở tỉnh Bali (Indonesia) đánh dấu bước ngoặt trong chiến dịch xây dựng đảo không rác thải vào năm 2027.
Môi trường - Tài nguyên

Bali ( Indonesia) hành động trước khủng hoảng vi nhựa

Thanh Thanh 25/05/2025 12:00

Việc cấm sản xuất và tiêu thụ chai nhựa dùng một lần dưới 1 lít ở tỉnh Bali (Indonesia) đánh dấu bước ngoặt trong chiến dịch xây dựng đảo không rác thải vào năm 2027.

Theo Thống đốc Bali I Wayan Koster, mỗi ngày, khu vực này phát sinh trung bình khoảng 3.436 tấn rác, trong đó có tới 60% là rác hữu cơ có thể xử lý được, chỉ 17% rác thải nhựa hiện được tái chế.

Gần 24% rác thải trên đảo không được thu gom, 43% bị chôn lấp, phần còn lại được xử lý thông qua nhiều hệ thống phân loại và giảm thiểu khác nhau.

Với quyết tâm đẩy lùi khủng hoảng rác thải, đặc biệt là ô nhiễm vi nhựa, chính quyền tỉnh Bali đã ban hành lệnh cấm toàn diện các loại chai nhựa dùng một lần có dung tích dưới 1 lít. Quyết định này có hiệu lực từ tháng 4/2025, áp dụng đối với sản xuất, phân phối và tiêu thụ trên toàn đảo.

capture(1).png
Ảnh minh họa

Đây là chính sách đầu tiên nằm trong chuỗi hành động của chiến dịch “Bali không rác thải”, hướng đến mục tiêu đưa hòn đảo hơn 4,3 triệu dân này trở thành vùng không rác thải vào năm 2027.

Không chỉ dừng lại ở lệnh cấm chai nhựa, quy định còn yêu cầu phân loại rác tại nguồn tại các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, trường học, chợ và các địa điểm tâm linh.

“Các doanh nghiệp cần chuyển sang dùng chai thủy tinh. Những địa phương không tuân thủ có thể bị cắt hỗ trợ tài chính, trong khi doanh nghiệp vi phạm có nguy cơ bị thu hồi giấy phép và công khai tên trên mạng xã hội chính thức của tỉnh,” Thống đốc Wayan Koster nhấn mạnh.

Dù chia sẻ mục tiêu bảo vệ môi trường, nhiều doanh nghiệp tại Bali tỏ ra lo lắng về ảnh hưởng của lệnh cấm đối với ngành thực phẩm-đồ uống. Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Indonesia tại Bali I Nengah Nurlaba cho rằng, việc cấm hoàn toàn nước đóng chai dưới 1 lít có thể gây xáo trộn không cần thiết.

Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp nước giải khát Indonesia Triyono Prijosoesilo cảnh báo, ngành này có thể thiệt hại đến 5% lợi nhuận. “Bali là thị trường lớn, có nhiều khách du lịch. Việc thay đổi hành vi tiêu dùng tại đây sẽ tác động không nhỏ tới doanh thu”, ông nói.

Từ góc độ kỹ thuật, Tổng Thư ký Hiệp hội Olefin, Aromatic và Nhựa Indonesia Fajar Budiono cho rằng, rác thải nhựa chưa phải vấn đề lớn nhất của Bali. Ông nhận định: “rác hữu cơ và chất thải từ các nghi lễ tôn giáo còn chiếm tỷ lệ cao hơn. Nếu mục tiêu là giảm lượng rác, hiệu quả từ lệnh cấm có thể không như kỳ vọng”.

Ông Fajar cảnh báo, việc cấm nhựa dùng một lần có thể tạo ra “hiệu ứng thay thế” không mong muốn. Theo đó, lệnh cấm túi nhựa vô tình khiến nhiều người chuyển sang dùng túi đa năng, trong đó không ít loại vẫn làm từ nhựa. Ống hút nhựa được thay bằng loại làm từ tre hoặc kim loại, nhưng tại một số nơi, việc dùng nước rửa chén để làm sạch chúng lại gây ô nhiễm nguồn nước. Không chỉ thế, loại chất tẩy này còn thúc đẩy sự phát triển của lục bình ở thượng nguồn các con sông, gây tắc nghẽn dòng nước và cản trở sự phát triển của các sinh vật dưới nước.

Thay vì chỉ tập trung vào lệnh cấm, ông đề xuất chính quyền nên đầu tư vào công nghệ xử lý rác hiện đại như đốt rác phát điện, song song với việc siết chặt các bãi rác trái phép và hành vi xả thải bừa bãi.

Trong khi cộng đồng doanh nghiệp tỏ ra dè dặt, các tổ chức môi trường lại đón nhận chính sách mới với sự lạc quan thận trọng. Một cuộc kiểm tra chất thải do nhóm môi trường Sungai Watch thực hiện cho thấy, phần lớn rác nhựa tại các con sông ở Bali và Banyuwangi đến từ đồ uống đóng chai.

Thành công của chiến dịch “Bali không rác thải” không chỉ nằm ở những quy định mang tính biểu tượng mà còn phụ thuộc vào quyết tâm chính trị, sự tham gia chủ động của người dân và khả năng đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp. Khi các bên cùng nhìn về một hướng, Bali có thể trở thành hình mẫu cho cả Indonesia và khu vực trong hành trình gìn giữ môi trường sống xanh - sạch - bền vững cho các thế hệ tương lai.

Thanh Thanh