Năng lượng xanh là giải pháp để Việt Nam đưa phát thải ròng về “0”

Tài nguyên và phát triển - Ngày đăng : 10:00, 02/03/2022

Moitruong.net.vn – Đặc phái viên của tổng thống Mỹ về biến đổi khí hậu, ông John Kerry, cho rằng Việt Nam có nhiều tiềm năng và lợi thế chuyển đổi sử dụng năng lượng, từng bước giảm phụ thuộc vào nhiệt điện than để đạt cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Trả lời báo chí tại sự kiện công bố “Quỹ Thách thức Đổi mới sáng tạo” tại khách sạn Hilton (Hà Nội) ngày 23/2, Đặc phái viên Tổng thống Mỹ về vấn đề biến đổi khí hậu John Kerry cho biết, Việt Nam đã làm rất tốt nhiệm vụ của mình tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2021 – COP26, tổ chức ở Glasgow (Vương quốc Anh).

Tại Phủ Chủ tịch sáng cùng ngày, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã trao đổi với ông John Kerry về cách thức Việt Nam đẩy nhanh các hoạt động nhằm thực hiện các cam kết. Ông Kerry gợi ý rằng chìa khóa then chốt trong công cuộc chống biến đổi khí hậu là Việt Nam cần giảm sử dụng than đá và tiến đến từ bỏ nguồn năng lượng này.

Thay cho than đá trong nhiệt điện, Việt Nam có thể dựa vào thủy điện, điện gió, điện mặt trời và điện gió ngoài khơi. Do đó, Việt Nam có thể có một nguồn cung cấp điện rất cân bằng và thân thiện môi trường hơn so với than đá.

“Dù than tạo nên khí thải bẩn, đến nay nhiều nước vẫn tiếp tục sử dụng nguồn năng lượng này cho hoạt động kinh tế”, theo Đặc phái viên Tổng thống Mỹ. Ông cho rằng đã đến lúc nói không với nhiệt điện, tạo nên sự chuyển đổi nguồn năng lượng phù hợp hướng đến làm sạch không khí, cải thiện môi trường sống và bảo vệ sức khỏe người dân.

Đặc phái viên Tổng thống Mỹ về vấn đề biến đổi khí hậu John Kerry tại Hà Nội vào sáng 23/2, Ảnh: Báo thanh Niên

Trong cuộc giao lưu với sinh viên và họp báo ngắn tại Đại học Fulbright (quận 7, TP.HCM) chiều 25/2, đặc phái viên John Kerry nhận xét Việt Nam có nhiều lợi thế về năng lượng gió, mặt trời cũng như các mỏ khí đốt.

Theo ông, đây là những cơ sở để Việt Nam có thể giảm bớt sự phụ thuộc vào nhiệt điện than, dần chuyển đổi thành một nền kinh tế sử dụng năng lượng xanh và có thể tái tạo.

Một nền kinh tế không thể được xem là nền kinh tế xanh – sạch nếu việc đốt than để tạo ra điện vẫn tiếp diễn song song với các nỗ lực giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính.

“Không một quốc gia nào có thể giải quyết tình trạng biến đổi khí hậu một mình. Cả thế giới cần chung tay và tôi nghĩ rằng Việt Nam có thể trở thành một trong những nước lãnh đạo phong trào này, bằng cách trở thành một minh chứng cho việc chuyển đổi sử dụng năng lượng ra sao”, ông Kerry chia sẻ.

Ông Kerry nhắc lại một cảnh báo đã được nhiều báo cáo đề cập trước đó, bao gồm từ Liên Hợp Quốc và Ngân hàng Thế giới: Việt Nam là một trong những quốc gia chịu sự ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu.

Ông Kerry đưa ra ví dụ về việc đồng bằng sông Cửu Long, nơi đang bị đe dọa bởi nước biển dâng và nguồn lương thực sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng nếu không có sự chuyển đổi phù hợp.

Ông John Kerry cũng đánh giá cao Việt Nam chủ động đưa ra những cam kết quan trọng tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26). Từ nền tảng này, Việt Nam đang hướng đến những hành động kịp thời và tích cực trong việc ứng phó với các vấn đề về biến đổi khí hậu.

Theo ông John Kerry, Việt Nam hiện là đối tác hàng đầu khu vực trong Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ. Chính phủ Mỹ rất “háo hức” được hợp tác với Việt Nam để tạo điều kiện thuận lợi và đẩy nhanh quá trình chuyển giao công nghệ năng lượng sạch. Tổng thống Biden cam kết hỗ trợ mạnh mẽ để Việt Nam trong thời gian tới sở hữu những công nghệ mới và phù hợp chính sách năng lượng.

Huyền Thương

Huyền Thương