Những cánh rừng kêu cứu – Bài 3: Cần giải pháp căn bản ngăn chặn nạn phá rừng

Tài nguyên và phát triển - Ngày đăng : 03:00, 25/04/2022

Moitruong.net.vn – Tình trạng phá rừng trái pháp luật, trong đó có khai thác gỗ gia tăng, buôn lậu gỗ qua các tuyến biên giới diễn biến phức tạp. Do đó, yêu cầu bức thiết đặt ra là phải có biện pháp căn bản ngăn chặn hiệu quả nạn phá rừng.

Theo Thứ trưởng Thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nôngthôn Hà Công Tuấn, để giải quyết căn cơ tình trạng này, tôi cho rằng các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương phải chỉ đạo, tổ chức thực hiện thường xuyên, nghiêm túc các quy định của pháp luật và Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/1/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Trước mắt, các cấp cần tập trung tạo chuyển biến trong thực hiện việc phân công, phân cấp trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng, vai trò của người đứng đầu chính quyền các cấp. Quy định rõ xử lý trách nhiệm của chủ rừng khi để xảy ra mất rừng.

Thứ hai là tập trung xử lý dứt điểm các điểm nóng hiện nay, kiên quyết thu hồi diện tích đất rừng bị lấn chiếm, sử dụng sai mục đích theo quy định của pháp luật; xác định, truy quét các “đầu nậu,” xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật, đề xuất xử lý người có thẩm quyền nhưng thiếu trách nhiệm, để xảy ra tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp, khai thác lâm sản trái pháp luật.

Thứ ba là chú trọng tuyên truyền, nâng cao ý thức trách nhiệm, nhận thức của người dân về bảo vệ rừng và thiết lập các đường dây nóng tiếp nhận thông tin tố giác về hành vi phá rừng; thay đổi xu hướng, nhu cầu sử dụng sản phẩm gỗ rừng tự nhiên cũng như các sản phẩm từ rừng trong xã hội.

Thứ tư là các cấp cần tập trung giải quyết vấn đề sinh kế của người dân sống gần rừng để giảm áp lực lên rừng.

Cán bộ kiểm lâm huyện Văn Chấn tăng cường tuần tra bảo vệ rừng.

Đại biểu Hoàng Văn Hùng, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên cho rằng, để quản lý chặt vấn đề rừng, các cấp chính quyền phải giao cho các ngành chức năng, đặc biệt là lực lượng công an, kiểm lâm và chính quyền cấp xã, huyện cần phải nâng cao trách nhiệm. Ngoài việc tuyên truyền ra thì các lực lượng trên phải kiểm soát, tuần tra, xử lý, quản lý chặt và xử lý nghiêm những đối tượng khai thác trái phép và vận chuyển trái phép động vật hoang dã để nâng cao nhận thức cho người dân về bảo vệ rừng, bảo vệ động vật hoang dã. Có như vậy, người dân mới nâng cao ý thức tự giác, ý thức chấp hành và pháp hiện những đối tượng khai thác trái phép và có thông tin kịp thời đối với chính quyền địa phương để xử lý dứt điểm tình trạng này.

Theo Đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên Mùa A Vảng, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ cho người dân ở những địa bàn không được hưởng tiền dịch vụ môi trường rừng, đặc biệt là nhiều nơi ở khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên thay cho chi phí trồng rừng để người dân có trách nhiệm tham gia bảo vệ, phát triển rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng. Nơi nào để xảy ra cháy rừng thì giảm trừ tiền hỗ trợ, khi đó người dân tự thấy việc tham gia phòng, chống cháy rừng là bảo vệ đời sống của họ.

Theo các chuyên gia lâm nghiệp, để bảo vệ được diện tích rừng tự nhiên hiện có, yêu cầu đặt ra là các địa phương phải đánh giá đúng thực trạng, nguyên nhân suy giảm rừng.

Chính quyền các địa phương, các lực lượng ở cơ sở phải quyết liệt hành động, đồng thời có sự hỗ trợ về cơ chế chính sách từ tỉnh và Trung ương, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng.

Mặt khác, từng tỉnh trong khu vực phải xây dựng đề án bảo vệ và phát triển rừng bền vững. Bảo vệ được rừng rất cần xác định rõ trách nhiệm của chủ rừng, cấp ủy, chính quyền địa phương. Các lâm trường phải rà soát lại để quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp hiệu quả hơn. Cùng đó, cần sửa đổi chính sách khoán bảo vệ rừng cho phù hợp, vì mức khoán bảo vệ rừng hiện nay còn thấp.

Theo Nghị định số 75/CP ngày 9/9/2015 về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 – 2020, thì mức khoán là 400.000 đồng/ha. Tuy nhiên, mức này chưa thu hút được người dân trên địa bàn tham gia bảo vệ rừng.

Ban Chỉ đạo Trung ương Bảo vệ rừng và Phòng cháy chữa cháy rừng đã đưa ra một số giải pháp trước mắt nhằm giải quyết vấn nạn phá rừng.

Theo đó, các đơn vị liên quan (kiểm lâm, công an, quân đội…) tiếp tục phối hợp tổ chức các đợt truy quét với lực lượng đủ mạnh, nghiêm cấm và trục xuất người vào rừng trái phép; tổ chức rà soát, phân loại các đối tượng khai thác, vận chuyển, mua bán trái phép lâm sản; cương quyết xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm, kể cả cán bộ có thẩm quyền và công chức có hành vi vi phạm.

Chi cục Kiểm lâm phối hợp chính quyền cơ sở tiến hành thống kê gỗ gia dụng ở các hộ gia đình, quản lý chặt chẽ việc khai thác gỗ làm nhà, tổ chức việc bình xét công khai trong cộng đồng, ưu tiên những hộ gia đình khó khăn, thực sự có nhu cầu làm ở được phép khai thác gỗ gia dụng.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát và quy hoạch lại các xưởng chế biến trình UBND tỉnh theo hướng đưa vào khu công nghiệp tập trung.

Tuy nhiên, về lâu dài, cần phải có biện pháp giải quyết đất canh tác cho các hộ gia đình nghèo, hộ thực sự khó khăn, coi đây là giải pháp “gốc” nhằm chấm dứt nạn khai thác gỗ trái phép, tiếp tay cho buôn lậu gỗ. Bên cạnh đó, tất cả các diện tích rừng đã giao khoán cho các hộ gia đình phải được tổ chức bảo vệ tốt; khẩn trương rà soát để giao rừng cho người dân tại chỗ hoặc giao cho các đơn vị quân đội bảo vệ, đồng thời bảo đảm chính sách, chế độ cho người nhận khoán theo đúng quy định.

Giang Anh

Giang Anh