Những cánh rừng kêu cứu – Bài 2: “Cha chung không ai khóc”?

Tài nguyên và phát triển - Ngày đăng : 13:00, 20/04/2022

Moitruong.net.vn – Rừng là một trong những yếu tố tiên quyết cho vấn đề môi trường. Đảng và Nhà nước cũng luôn đặt công tác bảo vệ rừng là nhiệm vụ trọng tâm. Nhưng trên thực tế, tình trạng phá rừng vẫn diễn biến ngày càng phức tạp và nghiêm trọng, vậy đâu là nguyên nhân của việc phá rừng?

Tại hội nghị về các giải pháp khôi phục rừng bền vững vùng Tây Nguyên được tổ chức vào ngày 20/6/2016 ở TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, Thủ tướng Chính phủ đã ra lệnh đóng tất cả rừng tự nhiên và Văn phòng Chính phủ ngay sau đó đã ban hành Thông báo 191/TB-VPCP, trong đó có thực hiện nghiêm túc đóng cửa khai thác gỗ rừng tự nhiên. Tuy nhiên, sau chỉ đạo của Thủ tướng, tình trạng phá rừng vẫn ngang nhiên diễn ra.

Đúng như Thủ tướng nhận định tại hội nghị này, mặc dù rừng đã được giao trách nhiệm quản lý nhưng thực tế đang rơi vào tình trạng vô chủ, “cha chung không ai khóc” vì không quy rõ trách nhiệm đến từng tập thể, cá nhân mỗi khi mất rừng. Thủ tướng cũng cho rằng lực lượng chức năng chưa làm tốt nhiệm vụ, số lượng vụ việc được điều tra, xét xử liên quan đến xâm phạm rừng còn rất ít. Tình trạng bảo kê lâm tặc của những người có nhiệm vụ đang diễn ra phổ biến. Nhận định này của Thủ tướng đến nay vẫn nguyên giá trị.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, có nhiều nguyên nhân dẫn đến mất rừng, trong đó, có tư duy sai trái của con người. Chiều 6/11/2020, trả lời chất vấn của Đại biểu Ksor H’Bơ Khắp (Đoàn Gia Lai) liên quan đến thủy điện nhỏ gây ra thiên tai và mất rừng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà khẳng định, con người mới là nguyên nhân của vấn đề này.

Người dân sống ở khu vực xung quanh vẫn có thói quen lên rừng chặt cây làm nhà, bán gỗ, đốn củi một cách thiếu ý thức; quy hoạch rừng để xây dựng thuỷ điện, nhà máy, làm trang trại; bà con đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn tập tục đốt rừng làm nương rẫy, nhà cửa để phục vụ cho việc di canh di cư; do sự tham gia, câu kết của cán bộ kiểm lâm với lâm tặc chuyên chặt phá cây rừng. Có thể thấy, tình trạng này chiếm phần lớn tỷ lệ cây rừng bị chặt phá ở nước ta hiện nay.

Trách nhiệm bảo vệ rừng là của các cấp, các ngành, cộng đồng dân cư.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Quảng Ngãi Hồ Trọng Phương cho biết, từ đầu năm 2021 đến nay, các đơn vị Kiểm lâm phối hợp với chủ rừng và chính quyền địa phương tổ chức kiểm tra, lập hồ sơ xử lý vi các hành vi phá rừng phòng hộ, lấn, chiếm rừng phòng hộ và khai thác rừng phòng hộ trái pháp luật với tổng số 56 vụ. Đã xử lý 44 vụ, trong đó xử lý hành chính 40 vụ, xử lý hình sự 04 vụ và chưa xử lý 12 vụ. Có 04 nguyên nhân của tình trạng này. Đó là trách nhiệm của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, một số địa phương cũng buông lỏng quản lý việc bảo vệ rừng. Việc xử lý các hành vi phá rừng chưa nghiêm. Hành lang pháp lý chưa được mạnh mẽ và mang tính răn đe. Lực lượng kiểm lâm mỏng cũng đã ảnh hưởng đến việc bảo vệ rừng.

Ông Hồ Trọng Phương cho rằng, trách nhiệm đầu tiên thuộc về Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Các Ban Quản lý rừng, chủ rừng, kiểm điểm. Các hộ được giao quản lý rừng tại địa phương.

Ông Nguyễn Ngọc Hải, Đại biểu HĐND tỉnh, đơn vị thị xã Đức Phổ, Quảng Ngãi cho biết, theo phản ánh từ 2019 đến nay người dân không nhận được kinh phí quản lý, bảo bệ rừng. Đây cũng là nguyên nhân.

Liên quan đến vấn đề này, Ủy viên TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ngãi Bùi Thị Quỳnh Vân cho rằng, có những nơi, như ở xã Phổ Phong, thị xã Đức Phổ, lực lượng kiểm lâm phát hiện lâm tặc mở đường vào rừng dài 265m, rộng 4m nhưng chính quyền và kiểm lâm chưa có động thái.

Ủy viên TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Thị Quỳnh Vân cho rằng, con số phá rừng trên thực tế có nhiều vụ chưa kiểm soát và thống kê hết. Trong đó có trách nhiệm của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Trách nhiệm bảo vệ rừng là của các cấp, các ngành, cộng đồng dân cư, nhưng trước hết Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cần quyết liệt, quyết tâm cao đối với lĩnh vực ngành mình quản lý.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Công Tuấn, việc phá rừng, lấn chiếm đất rừng để canh tác là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến suy giảm diện tích rừng trên địa bàn Tây Nguyên, vì vậy cấp ủy chính quyền cơ sở phải tăng cường hơn các biện pháp quản lý bảo vệ rừng, đồng thời triển khai đồng bộ các biện pháp, như tuyên truyền giáo dục, thực hiện có hiệu quả các đề án, dự án, đảm bảo ổn định kinh tế, xã hội trên địa bàn gắn với chương trình bảo vệ và phát triển rừng bền vững

Anh Nguyễn Khắc Trưởng, cán bộ Lữ đoàn 382, Quân khu I cho biết, rừng của chúng ta hiện nay cạn kiệt rất nhiều do việc quản lý của cán bộ các cấp, cấp cơ sở chưa được chặt chẽ, có sự nương nhẹ trong công tác xử lý dẫn tới việc phá rừng có chiều hướng phức tạp.

Đại biểu Hoàng Văn Hùng, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên cho biết, vấn đề quản lý nhà nước ở các địa phương, vấn đề chính quyền ở các địa phương quản lý, chúng tôi cho rằng còn buông lỏng. Đơn cử như thời gian gần đây, một loạt những vụ xâm hại rừng nghiêm trọng vẫn diễn ra, như: Rừng quốc gia Tam Đảo, hàng nghìn cây thông bị khai thác trái phép, dẫn tới cây thông sẽ không phát triển được; Gần hơn nữa là hàng nghìn cây thông chạy quốc lộ 14 cũng bị bức tử dẫn tới chết…. Rồi một loạt vụ việc liên quan tới rừng phòng hộ, vấn đề khai thác lâm sản trái phép ở một số nơi.

Chúng tôi cho rằng đây là hồi chuông báo động vấn đề quản lý nhà nước trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng trong giai đoạn hiện nay. Nếu chúng ta không làm quyết liệt thì rõ ràng trong một thời gian nữa, rừng không còn và sẽ bị cạn kiệt. Hậu quả rừng chết, khai thác cạn kiệt, dẫn tới hậu quả vấn đề xói lở, vấn đề sạt lở, lũ lụt rất nghiêm trọng tới môi trường.

Giang Anh

Giang Anh