Chấn chỉnh tình trạng khai thác cát trái phép – Bài 3: Nâng cao hiệu quả quản lý khai thác, kinh doanh cát xây dựng
Tài nguyên và phát triển - Ngày đăng : 13:01, 19/04/2022
Nguồn cung cát xây dựng đứng trước nguy cơ thiếu hụt lớn
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, trong năm 2015, nhu cầu sử dụng cát chỉ vào khoảng 92 triệu mét khối nhưng năm 2020 nhu cầu này đã tăng lên đến 160 triệu mét khối. Trong khi đó, tổng tài nguyên cát của Việt Nam ước khoảng 2,3 tỷ mét khối song chủ yếu là cát cho xây trát và san nền. Cát cho sản xuất bê tông không nhiều, chỉ chiếm khoảng 30%, tập trung chủ yếu ở một số địa phương như Phú Thọ, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Quảng Ngãi, Phú Yên, Bình Thuận, Kon Tum, Đồng Nai và Đồng Tháp.
Nguồn cát chính cung cấp cho xây dựng chủ yếu tập trung ở những dự án được cấp phép cho DN khai thác mỏ hoặc nạo vét khơi thông luồng lạch nhưng cũng chỉ đáp ứng được khoảng 60 – 65% nhu cầu và cung cấp chủ yếu cho các TP, đô thị lớn. Như vậy, có thể thấy mỗi năm có khoảng từ 35 – 40 triệu mét khối hiện đang được sử dụng vào hệ thống công trình xây dựng, công trình giao thông thuộc diện không rõ nguồn gốc.
Hiện nay, Việt Nam đang bước vào giai đoạn bùng nổ phát triển kinh tế, hàng chục vạn công trình lớn nhỏ như: cao tốc Bắc – Nam; sân bay quốc tế Long Thành; hàng trăm toà cao ốc; hàng vạn cầu cống.v.v… đã và sẽ được thi công. Vì vậy nhu cầu về cát là cực kỳ lớn (chưa kể cát có thể bị xuất lậu ra nước ngoài). Tuy nhiên, nguồn cung cấp cát ngày càng cạn kiệt, do biến đổi khí hậu lượng mưa ngày càng ít đi, tình trạng chặt phá rừng hoặc chuyển đổi rừng sang trồng các cây khác; các nước thi nhau xây dựng đập thủy điện trên các con sông lớn như Mê Kông, sông Hồng đang chặn dòng chảy của lũ và cũng chính là nguồn cung cấp cát tự nhiên. Cộng với việc khai thác đặc biệt là sử dụng bừa bãi, nguồn tài nguyên cát sẽ sớm cạn kiệt và nguy cơ nước ta nhập khẩu cát xây dựng là điều đã được dự báo. Nếu tiếp tục giữ thói quen khai thác và dùng cát như hiện nay thì không lâu nữa chúng ta sẽ thiếu cát trầm trọng và nếu điều đó xảy ra thì nó sẽ gây nhiều hệ quả to lớn cho quá trình phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Để giải quyết bài toán này cần nhiều giải pháp ở tầm vĩ mô như:
– Xây dựng, tổ chức thực hiện chiến lược phát triển các mỏ cát,…
– Điều tra, xác định, phân định ranh giới các mỏ cát,…
– Phê duyệt dự án thông luồng, dự án nạo vét, duy tu khơi luồng hàng hải,…
Bên cạnh các biện pháp ở tầm vĩ mô chúng ta có thể thực hiện ngay một số biện pháp ở tầm vi mô nhưng không quá tốn kém mà lại cực kỳ hiệu quả về mặt kinh tế – xã hội cũng như hiệu quả trong quản lý nhà nước và thay đổi thói quen người tiêu dùng, đó là đóng cát vào bao (như bao xi măng) trước khi đưa ra thị trường. Việc làm này tuy nhỏ nhưng có thể nói sẽ mang lại nhiều hiệu quả.
Nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý nhà nước
Trước nay các doanh nghiệp khai thác, cung cấp cát thường không đăng ký tên, chất lượng, số lượng sản phẩm, mập mờ thông tin. Vì vậy cơ quan quản lý nhà nước khó thu triệt để thuế tài nguyên cũng như xử lý các thiệt hại to lớn khi các công trình xây dựng không đảm bảo chất lượng hoặc xuống cấp nhanh chóng thậm chí là sụp, đổ do cát kém chất lượng gây ra. Nếu các doanh nghiệp đóng cát vào bao với đầy đủ các thông tin trên sản phẩm thì những vấn đề trên cơ quan quản lý nhà nước sẽ dễ dàng xử lý hơn rất nhiều.
Bên cạnh đó, người tiêu dùng dễ dàng kiểm tra đánh giá được chất lượng, số lượng cát (thông qua các thông tin minh bạch ghi trên bao cát và trang Web của công ty); Người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi lớn do cát đã được sàng lọc kỹ trước khi đóng bao vì vậy chỉ việc đổ ra sử dụng, dùng bao nhiêu mua bấy nhiêu (như mua xi măng), đỡ lãng phí rất nhiều.
Mang lại hiệu quả cho xã hội
Việc vận chuyển cát đóng trong bao sẽ giảm đến mức thấp nhất việc trôi chảy, vương vãi cát, điều đó sẽ hạn chế tối đa việc thất thoát cát (một nguồn tài nguyên qúy giá) cũng như việc gây ô nhiễm môi trường.
Giảm chi phí cho xã hội, do cát đã được sàng lọc kỹ, vì vậy khi sử dụng người sử dụng không phải làm động tác này nữa do đó đỡ phải thải ra các chất thải (hàng vạn công trình gộp lại thì đó là một số lượng chất thải vô cùng lớn). Điều này vừa giúp tăng năng suất lao động vừa giảm chi phí vận tải không hiệu quả, qua đó giảm chi phí xây dựng và cuối cùng làm giảm tác nhân gây ô nhiễm môi trường (do doanh nghiệp cung cấp cát đã sàng lọc và quản lý cũng như đưa vào sử dụng hợp lý các chất thải, không còn mang đổ ra môi trường như lâu nay).
Tích cực tham gia xử lý bão, lũ lụt một cách nhanh chóng và hiệu quả: Khi chúng ta có sẵn các bao cát được đóng gói, nếu có tình huống lũ lụt xảy ra thì những bao cát này sẽ giúp xử lý sự cố nhanh chóng, hiệu quả. Giảm mức thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra.
Nâng cao trách nhiệm của các doanh nghiệp cung ứng cát
Các doanh nghiệp đóng bao cát buộc phải đăng ký tên cát, chất lượng, nguồn gốc xuất xử, số lượng… (minh bạch hóa thông tin). Qua đó buộc các doanh nghiệp phải nâng cao trách nhiệm với sản phẩm của mình, góp phần cạnh tranh lành mạnh, nâng cao chất lượng sản phẩm, lành mạnh hóa thị trường cung cấp cát.
Mai Nhân