Chấn chỉnh tình trạng khai thác cát trái phép – Bài 1: Nhức nhối vấn nạn

Tài nguyên và phát triển - Ngày đăng : 03:00, 14/04/2022

Moitruong.net.vn – Tình trạng khai thác cát trái phép ở lòng sông từ lâu đã vô hình chung trở thành thực trạng ở nhiều địa phương từ Bắc tới Nam. Việc khai thác cát trái phép trong thời gian qua đã khiến cho môi trường bị ảnh hưởng, gây sạt lở bờ sông, thay đổi dòng chảy tự nhiên, thất thoát tài nguyên, đe doạ các công trình, tác động xấu tới môi trường.

Khai thác cát trái phép diễn ra ở nhiều địa phương

Tại thành phố Hồ Chí Minh, từ tháng 4/2017 đến nay, các đơn vị bộ đội biên phòng đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 700 vụ/1.741 đối tượng cùng 930 phương tiện tàu thủy; tạm giữ 131.327m3 cát, 282 máy hút cát. Ngày 29/12/2021, tại sông Soài Rạp, địa bàn xã Lý Nhơn, huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh, lực lượng chức năng đã tạm giữ hai phương tiện mang số hiệu BV-1984 và BV-1971 vận chuyển trái phép tổng cộng 750m3 cát san lấp. Ngày 31/12/2021, tại khu vực luồng hàng hải Soài Rạp, đoạn giáp ranh giữa xã Lý Nhơn với xã Gia Thuận (huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang), hàng chục chiếc sà lan dàn hàng ngang trên biển, thi nhau đưa những ống hút dài hàng chục mét xuống đáy biển để hút cát.

Ngày 5/1/2022, tổ công tác Công an huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình tiến hành tuần tra kiểm soát hoạt động khai thác khoáng sản trên tuyến sông Nhật Lệ, phát hiện bà Phạm Thị Mẫn (sinh năm 1965, ở xã Gia Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) đang có hành vi khai thác cát lòng sông trái phép.

Tại hiện trường, khối lượng cát bà Phạm Thị Mẫn khai thác trái phép là 5m3. Công an huyện Quảng Ninh đã lập hồ sơ xử lý vụ việc theo đúng quy định của pháp luật.

Theo Công an huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình, năm 2021, các đơn vị, lực lượng Công an huyện đã phát hiện, bắt giữ 41 vụ vi phạm liên quan đến hành vi khai thác khoáng sản, cát, sỏi trái phép.

Riêng đầu năm 2022, các lực lượng đã tuần tra, phát hiện, xử lý 5 vụ vi phạm trong lĩnh vực này.

Cuối tháng 12/2021 và đầu tháng 1/2022 tại địa bàn hai xã Tân Phương và Thạch Đồng, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ, người dân phát hiện nhiều tàu hút, tàu cuốc hoạt động hết công suất, tàu chở từ 300-500 m3 ra vào “ăn” cát.

Lợi dụng mập mờ chỉ giới lòng sông Lô, đoạn chảy qua xã Sơn Đông (huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc) và xã Sông Lô (TP. Việt Trì, Phú Thọ), tình trạng “cát tặc” hoành hành công khai khiến người dân bức xúc, các phương tiện khai thác cát (tàu hút, tàu cuốc, cẩu quăng) thi nhau “đục khoét” lòng song.

Tình trạng khai thác cát trái phép trên địa bàn thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế lại có những diễn biến phức tạp. Vì lợi nhuận lớn, các đối tượng trộm cát luôn tìm mọi cách để che giấu, đối phó với lực lượng chức năng nhằm thực hiện hành vi khai thác cát trái phép trên các tuyến sông.

Các đối tượng thường lợi dụng đêm tối, sông lớn hoặc khu vực có nhiều nhánh sông nhỏ để dễ trốn tránh khi bị phát hiện. Có đối tượng còn sử dụng các phương tiện khai thác cát không neo đậu, vừa di chuyển vừa bơm, hút cát để qua mặt cơ quan chức năng, thậm chí có trường hợp sử dụng một phương tiện bơm hút, một phương tiện vận chuyển khi bị phát hiện 2 phương tiện sẽ tách rời ra bỏ chạy gây khó khăn cho công tác xử lý.

Đất được xúc đổ xuống lòng sông để “đãi” lấy cát.

Trên tuyến sông Hồng đoạn chảy qua các xã Cẩm Đình, Phương Độ, Vân Nam, Vân Phúc thuộc huyện Phúc Thọ thành phố Hà Nội, cát tặc vẫn hàng ngày, hàng giờ ngang nhiên và liên tục đục khoét trái phép cát từ lòng sông mà không bị ngăn cản bởi bất kỳ lực lượng chức năng nào. Ông Đặng Văn Chiêu, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã Vân Nam, huyện Phúc Thọ, thành phố Hà Nội bày tỏ: Năm 2013 địa phương được Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội đầu tư cho xây dựng kè chắn trên bờ đê, tất cả kè đá rộng khoảng trên 7 m, nhưng giờ lở hết rồi do hoạt động khai thác cát làm sạt lở hết toàn bộ khu vực bờ kè. Những gì đang diễn ra tại huyện Phúc Thọ, thành phố Hà Nội đã cho thấy lòng dân đang bất bình, còn chính quyền địa phương thì gần như “thờ ơ, bất lực” trước những hành vi khai thác trái phép.

Tại tỉnh Thanh Hóa, hoạt động mua bán cát trái phép diễn ra ngang nhiên, hết sức sôi động. Cụ thể, tại xã Yên Phong, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hoá, mỗi ngày có hàng chục lượt xe tải trọng lớn ra vào khu vực bến bãi, còn dưới dòng sông Mã thì luôn có rất nhiều tàu hút áp sát bến. Sôi động không kém là tình trạng của bến bãi tại xã Định Hải, bãi chứa cát nằm sát với dòng sông Mã, thuộc địa phận quản lý của huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hoá.

Hoạt động khai thác cát trái phép tại tỉnh Hà Tĩnh ngày càng tinh vi, manh động, với nhiều thủ đoạn đối phó lực lượng chức năng. Các đối tượng khai thác cát trái phép sẵn sàng chống đối khi bị phát hiện. Gần đây, Công an huyện Đức Thọ phối hợp lực lương Công an tỉnh bắt quả tang một sà lan do Dương Đức Quang (52 tuổi, ngụ tại thôn Bến Hến, xã Trường Sơn) điều khiển đang có hành vi khai thác cát trái phép trên sông La thuộc địa phận xã Trường Sơn.

Tại thời điểm bị bắt, trên sà lan có hơn 15m3 cát vừa được hút từ lòng sông lên nên lực lượng chức năng tạm giữ tang vật để xử lý.

Rà soát lại các mỏ, bãi tập kết vật liệu xây dựng trên địa bàn, những nơi có nguy cơ bị các đối tượng xấu lợi dụng để hoạt động… để lập kế hoạch đấu tranh. Thời gian qua, Công an huyện Đức Thọ đã bắt được 4 vụ khai thác cát và 2 vụ vận chuyển cát trái phép.

Tại các huyện Hương Khê, Nghi Xuân – nơi có các con sông Ngàn Sâu, sông Lam chảy qua – tình trạng khai thác, vận chuyển cát trái phép cũng được xem là điểm nóng.

Gần đây nhất, ngày 17/11/2021, Công an Hà Tĩnh phát hiện tàu vỏ thép do ông Hồ Xuân Tùng (45 tuổi, ngụ xã Long Xá, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) điều khiển, đang neo đậu tại khu vực sông Lam thuộc địa phận xã Xuân Lam (huyện Nghi Xuân) có biểu hiện vận chuyển cát không có nguồn gốc nên tiến hành kiểm tra nhưng chủ tàu không xuất trình được hóa đơn, chứng từ liên quan đến 60m3 cát trên tàu.

Theo số liệu từ Công an tỉnh Hà Tĩnh, năm 2021 đã phát hiện, xử lý 25 vụ khai thác cát trái phép. Hiện lực lượng công an đang tăng cường nắm tình hình, chủ động phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Ngày 5/6/2021, lực lượng Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Đồng Nai trong lúc đi tuần tra trên sông Đồng Nai, đến khu vực cù lao Tân Vạn (đoạn qua P.Tân Vạn, TP.Biên Hòa) thì phát hiện 2 ghe (1 ghe bơm hút cát và 1 ghe vận chuyển) đang hoạt động khai thác cát trái phép ở khu vực này. Thấy có lực lượng chức năng, các đối tượng bơm hút cát định nhấn chìm ghe, nhảy xuống sông tẩu thoát, nhưng lực lượng công an đã kịp thời thu giữ được các phương tiện.

Ngày 08/3/2022, tại Km39 sông Đồng Nai, thuộc địa bàn P.Bửu Hòa, TP.Biên Hòa, Đội Cảnh sát đường thủy, Trạm Cảnh sát đường thủy Long Hưng (Phòng CSGT) phối hợp cùng lực lượng CSCĐ E29 (BCA) đã phát hiện và bắt giữ 01 phương tiện đang thực hiện hành vi bơm hút cát trái phép.

Tại hiện trường, phương tiện ghe (gỗ), không có số đăng ký phương tiện, chiều dài khoảng 10m, chiều rộng khoảng 02m, chiều sâu khoảng 0,5m, trên phương tiện có lắp máy D6 và một số thiết bị bơm hút cát.

Ngày 09/3/2022, Tổ đặc biệt phòng chống bơm hút cát trái phép trên địa bàn tỉnh trực thuộc Phòng CSGT Cảnh sát Công an tỉnh Đồng Nai phát hiện 1 vụ, 02 phương tiện có gắn kết cấu đặc thù bơm hút cát cùng 04 đối tượng đang tụ tập, có dấu hiệu chuẩn bị bơm hút cát trái phép tại khu vực làng bè Tân Mai (sông Cái) thuộc P.Tam Hiệp, TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.

Thời điểm phát hiện, các đối tượng đang tụ tập trên 02 ghe ghỗ (không có số đăng ký), mỗi ghe có chiều dài khoảng 10 mét, rộng khoảng 2 mét và chiều sâu khoảng 0,5 mét, trên các phương tiện đều có gắn máy chạy, máy hút và một số thiết bị đặc thù sử dụng để bơm hút cát.

Để lại hệ lụy khôn lường

Khai thác cát quá mức và bừa bãi khiến các sông ngày càng biến dạng, tác động tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp, môi trường sinh thái, gây khó khăn cho công tác phòng, chống thiên tai… Nếu chậm được “giải cứu”, cái giá phải trả sẽ rất lớn.

Chuyên gia môi trường Nguyễn Hữu Thiện cho biết, hệ quả của việc khai thác cát khiến đáy sông Tiền và sông Hậu hạ thấp xuống mức trung bình 1,3 m, nước chảy xiết và ăn ngầm bên dưới tạo ra “hàm ếch” rộng, gây sạt lở bờ sông và bờ biển. Về lâu dài nó còn đe dọa nhiều công trình cầu lớn bắc qua các con sông.

Ngoài ra, tình trạng khai thác cát trái phép còn ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống nhiều hộ dân sinh sống bám biển, bám sông. Theo phản ánh của nhiều ngư dân ngụ tại huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang, họ sống bằng nghề đóng đáy trên sông Cầu tại khu vực nằm trên luồng tuyến sông Soài Rạp thuộc địa bàn xã Long Hoà, huyện Cần Giờ, thành phố Hồ Chí Minh. Do khai thác cát trái phép lộng hành, hút cát ồ ạt khiến họ không thể đóng đáy được, thậm chí còn làm sập hàng đáy, gây thiệt hại về tài sản và trực tiếp đe dọa đến sinh mạng con người.

“Cát là một phần lãnh thổ của quốc gia, mất cát tức là lãnh thổ quốc gia đang thu hẹp dần”, ông Thiện cảnh báo và cho rằng Việt Nam nên dừng khai thác cát bán.

Theo các nhà khoa học, hoạt động khai thác cát tràn lan trên nhiều dòng sông đã được cảnh báo từ rất lâu. Cát không đơn thuần là vật liệu xây dựng mà có vai trò quan trọng trong kiến tạo đồng bằng, ổn định lòng và bờ sông. Cát còn tạo sinh cảnh cho các loài thủy sinh.

Hoạt động khai thác cát ngay sát bờ gây sạt lở đất.

Thông thường cát được nạo vét từ lòng sông phục vụ xây dựng, đảm bảo tàu thuyền đi lại thuận tiện. Nhưng theo PGS.TS Vũ Thanh Ca, Vụ trưởng Hợp tác quốc tế và Khoa học công nghệ, Tổng cục Biển và Hải đảo (Bộ Tài nguyên và Môi trường), việc hút cát quá mức đã khiến một vài nơi trên sông Hồng và các sông dọc từ Bắc vào Nam bị hạ thấp và giảm mực nước. Nếu lượng cát bị hút quá nhiều tại một vị trí, nhất là nạo vét thông luồng, mực nước tại đó và thượng nguồn sẽ bị giảm. Độ dốc đáy sông và mặt nước tăng lên nên vận tốc dòng chảy cũng tăng theo, gây xói lở đáy và làm lộ ra các chỗ nông khác ở khu vực thượng nguồn.

Lòng sông bị hạ thấp còn dẫn đến mực nước ngầm hai bên bờ sông bị hạ, gia tăng tác động xấu của hạn hán; một số cây trồng ở hai bên có thể bị chết và tạo ra những thay đổi đến hệ sinh thái. Hạ thấp mực nước ngầm còn ảnh hưởng đến hoạt động khai thác nước ngọt phục vụ sinh hoạt của dân cư.

Ông Ca cũng cho rằng, hút cát còn phá hoại hệ sinh thái dưới lòng sông và tăng độ đục ở các khu vực khác. Ngoài ra, việc thô hóa lòng sông và thay đổi chế độ chảy cũng ảnh hưởng tới việc săn mồi, phát triển, đẻ trứng và nuôi dưỡng các con non của động vật thủy sinh.

Một số nhà khoa học khác cho rằng, khai thác cát tại lòng sông gây ra mất ổn định của các công trình trên bờ sông hoặc trên sông như cầu, cống

TS Đào Trọng Tứ, Trưởng Ban điều hành Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (VRN) cho rằng, việc khai thác cát vượt mức sẽ làm tụt đáy sông, khiến bờ sông không ổn định dẫn đến xói lở. Khi lũ lớn, hiện tượng sạt lở càng nghiêm trọng, có thể đe dọa hệ thống đê điều. Thực trạng này đang diễn ra phổ biến tại sông Hồng.

Đồng thời, việc hạ thấp đáy sông, giảm mực nước sông Hồng còn khiến nhiều cống lấy nước của thành phố Hà Nội, như: Cẩm Đình, Liên Mạc… bị “treo”, thiếu nguồn bổ cập thường xuyên cho các dòng sông Nhuệ – Đáy, gây ra hiện tượng “sông chết”, ô nhiễm môi trường…

Ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Phó Trưởng ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP.Hà Nội cho biết, nhiều vị trí đáy sông Hồng, đoạn qua địa bàn thành phố Hà Nội đã bị sụt 2-3m so với 5-10 năm trước đây. Cá biệt, tại khu vực kè Sen Hồ (huyện Gia Lâm) có một số vị trí đáy sông bị hạ thấp tới 10m so với 10 năm trước. Còn tại khu vực cầu Vĩnh Tuy, đáy sông bị hạ thấp khoảng 8m. Theo tôi, có nhiều nguyên nhân dẫn đến đáy sông Hồng bị hạ thấp nhưng chủ yếu vẫn là do việc khai thác cát trái phép, không đúng quy hoạch đã được cơ quan thẩm quyền phê duyệt.

Không chỉ đồng bằng sông Hồng, tại các con sông ở Đồng bằng sông Cửu Long cũng đang diễn ra thực trạng tương tự. Hiện hơn 1/2 chiều dài bờ biển của vùng này bị sạt lở, tương đương hơn 300 km. Nguyên nhân là do tổng lượng phù sa sông Mê Kông giảm một nửa và hoạt động khai thác cát diễn ra tràn lan trên các dòng sông.

Hiện nay, Việt Nam có 600 mỏ khai thác cát trên các tuyến sông, trong đó có 166 dự án địa phương cấp song song với việc nạo vét luồng tuyến và bên cạnh đó vẫn còn tình trạng khai thác cát trái phép.

Ngoài tình trạng sạt lở mất đất sản xuất của người dân, việc bị thay đổi dòng chảy do khai thác cát sỏi quá mức không chỉ làm cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên mà còn gây ra tình trạng xói mòn, sạt lở bờ sông, dẫn tới những hệ lụy khôn lường cả về xã hội và kinh tế.

Mỗi khi đến mùa mưa bão, có những địa phương bị sạt sụt hàng km đê là chuyện không hiếm, dẫn đến nguy cơ vỡ đê đe dọa đến đời sống của hàng vạn hộ dân.

Tình trạng sụt lún các công trình cầu cống trọng điểm cũng đã và đang diễn ra như tại cầu Đoan Hùng trên sông Lô, cầu Đuống trên sông Hồng là những ví dụ cụ thể rõ ràng nhất.

Theo cơ quan chức năng, việc khai thác cát trái phép đã và đang tác động tiêu cực đến hệ sinh thái, nguồn tài nguyên thiên nhiên; gây sạt lở bờ sông, đê điều và nhà cửa, làm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt cũng như phát triển kinh tế-xã hội của người dân, nhất là khu vực ven các tuyến sông.

Phạm Anh