Ninh Thuận: Phòng chống cháy rừng hiệu quả từ việc thực hiện đốt chặn có điều khiển

Tài nguyên và phát triển - Ngày đăng : 06:30, 08/05/2022

Moitruong.net.vn – Nhờ thực hiện đốt trước có điều khiển nên mùa khô năm 2022, lâm phần do Ban quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn hồ Tân Giang thuộc 2 huyện Thuận Nam và Ninh Phước (Ninh Thuận) giảm hẳn số vụ cháy rừng.

Ban quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn hồ Tân Giang được giao quản lý rừng và đất rừng lâm nghiệp với tổng diện tích là 25.012,74 ha. Đặc điểm lâm phần quản lý của Ban là phân bố rộng, trên địa bàn của 5 xã, thuộc 2 huyện Thuận Nam và Ninh Phước (Ninh Thuận).

Ông Lê Minh Hiền, Trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn hồ Tân Giang cho biết: Trong lâm phần đơn vị quản lý có một số diện tích nương rẫy của người dân Raglay và người Chăm nằm xen kẽ trong rừng, canh tác sản xuất từ lâu đời. Tập trung chủ yếu ở xã Phước Hà, huyện Thuận Nam và xã Phước Thái huyện Ninh Phước.

Với tập quán canh tác của đồng bào là thường đốt dọn nương rẫy vào mùa khô để tiêu huỷ các phụ phẩm nông nghiệp, cỏ dại, làm trống đất canh tác để thuận tiện trong việc xử lý đất, chuẩn bị khi mưa đến trồng tỉa cây nông nghiệp.

Việc đốt dọn nương rẫy do bất cẩn đã trực tiếp hoặc gián tiếp làm cháy lan đến rừng. Đó là những nguyên nhân gây cháy rừng trong thời gian qua tại đơn vị. Đây là các diện tích thường hay xảy ra cháy, do lượng thực bì rơi rụng nhiều, tích tụ thành nhiều lớp và nằm gần, liền kề với các vùng canh tác nương rẫy, đường mòn đi lên rẫy của người dân.

Trước tình hình đó, hàng năm chuẩn bị bước vào mùa khô Ban quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn hồ Tân Giang đã xây dựng phương án phòng cháy, chữa cháy rừng và truy quét chống phá rừng trình Sở NN- PTNT thẩm định và UBND tỉnh phê duyệt.

Nhờ đốt thực bì có điều khiển trước mùa khô nên số vụ cháy rừng, điểm cháy giảm hẳn so với mọi năm

Trên cơ sở phương án được phê duyệt, để triển khai công tác phòng cháy chữa cháy rừng được hiệu quả, đơn vị xác định công tác phòng cháy là nhiệm vụ hết sức quan trọng với phương châm “phòng trước, chữa sau” nhằm giảm số vụ cháy, giảm diện tích cháy, giảm diện tích thiệt hại do cháy rừng gây ra. Với tinh thần đó, đơn vị xác định hai nội dung để thực hiện tốt công tác phòng cháy đó là:

Thứ nhất, dùng biện pháp lâm sinh đốt trước có điều khiển ở nơi vật liệu cháy tích tụ nhiều và hay thường xảy ra cháy. Nhận thấy đặc điểm lâm phần quản lý có các vùng trọng điểm thường hay xảy ra cháy, do lượng thực bì rơi rụng nhiều, tích tụ thành nhiều lớp, nếu không xử lý giảm bớt thì bước vào mùa khô thực bì khô nỏ, với một tác nhân gây cháy cũng có thể phát sinh thành đám cháy lớn, có thể gây thiệt hại đến rừng.

Hơn nữa lâm phần quản lý có các rừng khộp, đặc điểm rừng khộp thường có cây rừng và cỏ mọc xen lẫn với cây rừng, mùa mưa cây, cỏ phát triển xanh tốt, đến mùa khô cây bắt đầu rụng lá, rụng cành do tỉa thưa cành tự nhiên cỏ cũng bắt đầu khô theo và tích tụ thành vật liệu cháy.

Lực lượng bảo vệ rừng của đơn vị quá trình tuần tra rừng đã ghi nhận các đặc điểm trên, từ đó xác định các điểm có thực bì tích tụ nhiều và hay thường xuyên xảy ra cháy lan đến các khu vực khác nên đề xuất biện pháp lâm sinh đốt trước có điều khiển.

Trong mùa khô năm 2022 lực lượng đơn vị đã triển khai đốt được 6 điểm với diện tích 15 ha, kết quả giảm hơn 70% lượng vật liệu cháy nằm dưới tán rừng, đốt theo từng đám và cho cháy lướt dưới tán rừng, tiêu huỷ bớt lượng thực bì tích tụ không ảnh hưởng đến cây rừng và không gây cháy lan ra ngoài phạm vi điều khiển.

So với các năm không triển khai đốt trước có khiển, lực lượng của đơn vị thường đối mặt với các điểm cháy phát sinh với lượng vật liệu cháy khá dày, công tác chữa cháy gặp nhiều khó khăn, việc dập tắt tốn nhiều thời gian và công sức. Nhờ thực hiện biện pháp lâm sinh đốt trước có điều khiển làm giảm vật liệu cháy nên mùa khô năm 2022, lâm phần đơn vị đã giảm hẳn số điểm cháy, vụ cháy so với các năm trước đó.

Thứ hai, triển khai lập các chốt tại cửa rừng để thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy rừng theo phương châm 4 tại chỗ, kết hợp kiểm tra kiểm soát bảo vệ rừng ngay tại cửa rừng. Cùng với công tác đốt trước có điều khiển, công tác bố trí người trực tại các chốt đóng tại cửa rừng cũng là một biện pháp phòng cháy tích cực, chủ động trong mùa khô.

Quá trình thực hiện nhiệm vụ, đơn vị đã khảo sát, lập các chốt dạng nhà tiền chế ngay tại cửa rừng, nơi có tầm nhìn rộng để bố trí lực lượng canh trực, với mục đích nhằm phát hiện sớm điểm cháy, cơ động di chuyển đến để xử lý dập tắt đám cháy, đồng thời chốt trực này là nơi để kiểm tra, kiểm soát người ra vào rừng để bảo vệ rừng ừ vòng ngoài.

Hiện Ban quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn hồ Tân Giang có 5 chốt cửa rừng, trong đó có 3 chốt có lực lượng trực 24/24 giờ và 2 chốt bố trí lực lượng trực theo cấp dự báo cháy rừng. Tại chốt được trang bị các dụng cụ chữa cháy rừng để lực lượng thực hiện nhiệm vụ khi có cháy xảy ra.

“Nhờ việc thành lập chốt và bố trí lực lượng trực ngay tại cửa rừng nên đơn vị rất chủ động trong công tác tiếp cận dập tắt các điểm cháy rừng mới phát sinh, đồng thời phát huy việc kiểm soát người ra vào rừng nhằm bảo vệ rừng từ vòng ngoài.

Huyền Nhung

   

Huyền Nhung