Kon Tum: Biến đồi trọc thành rừng
Tài nguyên và phát triển - Ngày đăng : 04:00, 01/05/2022
Hơn 20ha đồi trọc nhiều năm nay, giờ đây đang được phủ một màu xanh bạt ngàn của cây bạch đàn cự vĩ. Người đã đổ mồ hôi biến 20ha đồi trọc thành rừng xanh chính là anh Trần Thanh Hải (43 tuổi, thôn 1, xã Đăk Kôi huyện Kon Rẫy).
Sinh ra và lớn lên ở Nghĩa Hành (tỉnh Quảng Ngãi), cuộc sống khó khăn, không có việc làm, anh Trần Thanh Hải cùng vợ con rời quê lên mảnh đất Kon Tum làm ăn, sinh sống. Mảnh đất anh lựa chọn là xã Đăk Kôi. Tại đây, vợ chồng anh mở cửa hàng tạp hóa buôn bán hàng, thu mua nông sản. Ở mảnh đất này chưa đầy 10 năm mà anh Hải thường được người dân nơi đây gọi bằng cái tên thân thương: A Hải.
Mới sống vài năm ở Đăk Kôi mà anh Hải thấy gắn bó với nơi này như quê hương thứ 2 của mình. Bởi, theo anh, bà con ở đây sống chân chất, thật thà và tình cảm. Đội ngũ cán bộ lãnh đạo xã luôn quan tâm, gần dân, sát dân, tạo mọi điều kiện để người dân phát triển kinh tế gia đình. Điều đó càng làm cho anh Hải thêm gắn bó với mảnh đất vùng sâu còn nhiều khó khăn này.
Cũng từ tình cảm gắn bó ấy, được sự giúp đỡ, tạo điều kiện của chính quyền địa phương và bằng tình yêu rừng nên anh đã quyết định đầu tư hàng tỷ đồng thuê đất trồng rừng trên diện tích hơn 20ha tại Tiểu khu 465 ở thôn 1 xã Đăk Kôi.
Anh Hải mạnh dạn trồng 20ha rừng.
Khi thấy anh bỏ vốn hàng tỷ đồng đầu tư để trồng rừng thì nhiều bạn bè còn nói anh bị “khùng”. Thế nhưng, anh Hải lại có suy nghĩ khác. Trồng rừng không chỉ góp phần phủ xanh đất trống, đồi trọc, chống xói mòn đất mà còn mang lại nhiều lợi ích và có thể mang hiệu quả kinh tế khi biết khai thác, tận dụng dưới tán rừng.
“Không có việc gì khó; chỉ sợ lòng không bền; đào núi và lấp biển; quyết chí ắt làm nên”, thấm nhuần câu nói ấy của Bác Hồ và cùng với sự quan tâm giúp đỡ, động viên, tạo điều kiện của chính quyền địa phương và sự tận tình hướng dẫn kỹ thuật quy trình trồng và chăm sóc của ngành chức năng nên càng giúp anh Hải thêm vững tin và quyết tâm thực hiện bằng được.
Cũng chính vì thế, năm 2021, khi Nhà nước có chủ trương cho thuê đất để trồng rừng anh đã quyết định thuê 20ha đất trống để trồng rừng bạch đàn cự vĩ, thông. Đến nay, sau một năm trồng, cây rừng đang phát triển tốt, những khoảnh đồi trọc đang được phủ một màu xanh bạt ngàn của cây bạch đàn cự vĩ và thông ba lá.
Để những cây rừng đang lên xanh mơn mởn như hôm nay là một hành trình đầy gian nan của anh Hải và các cộng sự của mình. Nếu không có sự bền bỉ, quyết tâm và yêu rừng thì khó có thể thực hiện được. Bởi khu vực trồng rừng nằm ở Tiểu khu 465 thuộc thôn 1, xã Đăk Kôi, cách khu nhà anh ở gần 10 cây số không có đường ô tô và chỉ có thể đi bằng xe máy kể cả mùa khô. Trong khi đó, thời điểm trồng rừng lại vào mùa mưa nên việc vận chuyển cây giống, phân bón để trồng cũng rất gian nan, cực nhọc.
Để vận chuyển cây giống anh Hải đã phải thuê hàng chục nhân công là bà con đồng bào dân tộc tại chỗ tiến hành vận chuyển chở từng cây giống vượt qua hàng chục con dốc dựng đứng đến từng khu tập kết để tiến hành trồng.
Trước khi trồng, anh Hải đã phải thuê khoảng 60 nhân công là bà con đồng bào dân tộc trong xã tiến hành phát dọn cỏ, đào hố trong gần 3 tháng. Sau khi đã tập kết đủ cây giống, anh Hải cùng hơn 60 lao động đã ăn nằm ở rừng, tập trung trồng liên tục hơn nửa tháng mới hoàn thành toàn bộ diện tích 20ha.
Anh Hải chia sẻ: Trong quá trình trồng 20ha rừng này, chúng tôi gặp khó khăn nhất là quá trình vận chuyển cây giống và phân bón. Trời mưa, đường trơn trượt bà con phải cuốn dây xích vào bánh xe mới có thể đi được. Ấy vậy mà nhiều lần do đường quá trơn xe ngã làm hư hỏng hết cây giống lại phải mua bổ sung. Vì vậy, chỉ tính riêng tiền cây giống, tôi đã đầu tư đến hơn 300 triệu đồng.
Đồi trọc đã được anh Hải và các cộng sự phủ xanh.
Khi được hỏi vì sao anh lại lựa chọn đầu tư hàng tỷ đồng để trồng rừng, anh Hải bộc bạch: Từ nhỏ tôi vốn sống ở gần rừng và tôi thấy rất yêu rừng. Ở quê, không có đất rộng nên niềm yêu rừng của tôi không thực hiện được. Khi lên mảnh đất Đăk Kôi này, tôi thấy đất đai rất nhiều, đặc biệt là nhiều quả đồi để trơ trụi tôi cũng muốn làm nhưng không biết làm sao. Vì vậy, ngay khi có chủ trương của tỉnh về trồng rừng và được sự động viên giúp đỡ của chính quyền địa phương nên vợ chồng tôi chủ động quyết định thuê lại đất để trồng.
Theo anh Hải, sau khi trồng cây rừng thành công, sau này anh tiếp tục đầu tư phát triển sinh kế dưới tán rừng. Anh Hải cũng đang nghiên cứu, tham khảo các chuyên gia và ngành chức năng chọn loại cây trồng phù hợp để phát triển dưới tán rừng.
“Qua nghiên cứu và học hỏi kinh nghiệm, tư vấn từ các chuyên gia có kinh nghiệm, tôi thấy trên những cánh rừng này có thể trồng được dứa. Vì thế, tôi đang có ý định sẽ trồng và phát triển dứa dưới tán rừng để nâng cao hiệu quả sử dụng đất và tăng thêm thu nhập”- anh Hải cho hay.
Đất không phụ công người trồng, nhờ làm đúng quy trình kỹ thuật, cùng chăm sóc tốt, rừng bạch đàn cự vĩ và thông của anh Hải đã lên xanh tốt. Tỷ lệ cây sống đạt 90%. Những cánh rừng trơ trọi nay đang được phủ màu xanh bạt ngàn của cây rừng.
Ông Nguyễn Ngọc Đông- Chủ tịch UBND xã Đăk Kôi cho biết: Phải nói rằng, việc anh Hải dám nghĩ, dám làm thuê hơn 20ha đất trống đồi trọc để trồng rừng thực sự khiến chúng tôi khâm phục. Từ nguyện vọng và lòng đam mê của anh nên chúng tôi tạo điều kiện tốt nhất để anh thực hiện được mơ ước của mình. Điều mừng hơn nữa là hàng năm gia đình anh Hải giải quyết việc làm cho hàng chục lao động trong xã lúc nông nhàn có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống. Anh là tấm gương để người dân học tập làm theo. Từ tấm gương của anh Hải, chúng tôi sẽ tuyên truyền vận động người dân nêu cao ý thức hơn nữa trong việc bảo vệ và phát triển rừng.
“Việc làm của anh Hải không chỉ giúp phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, đem lại lợi ích kinh tế mà còn có ý nghĩa xã hội rất lớn là giải quyết việc làm cho nhiều người dân địa phương. Ðồng thời, giúp họ thay đổi cách nghĩ cách làm, mạnh dạn và ý thức hơn đến việc sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường”- ông Đông cho biết.
Để đến được cánh rừng của anh Hải, sau gần một giờ vất vả vượt qua hàng chục con dốc cao ngoằn ngoèo, chúng tôi mới đến được khu rừng đầu tiên. Nhìn khu rừng cây bạt ngàn xanh tốt, tràn đầy sức sống kia, khó hình dung được khu rừng này trước kia là những quả đồi trọc, căn cỗi và bạc màu. Nhìn cánh rừng đang lên xanh tốt chúng tôi càng khâm phục ý chí và nghị lực ở con người anh Hải, biến đồi trọc thành rừng xanh. Tin rằng, với quyết tâm và nghị lực, anh Hải sẽ thành công.
Theo Báo Kon Tum