Sản xuất, tiêu dùng xanh cần sự chung tay chuyển đổi của cả hệ thống

Cộng đồng xanh - Ngày đăng : 09:34, 03/07/2025

Tiêu dùng xanh vừa là cơ hội, vừa là thách thức, đòi hỏi sự thay đổi trong tư duy sản xuất và kinh doanh, hướng tới phát triển bền vững...
Cộng đồng xanh

Sản xuất, tiêu dùng xanh cần sự chung tay chuyển đổi của cả hệ thống

Lan Hạ {Ngày xuất bản}

Tiêu dùng xanh vừa là cơ hội, vừa là thách thức, đòi hỏi sự thay đổi trong tư duy sản xuất và kinh doanh, hướng tới phát triển bền vững...

Đó là ý kiến của đại đa số các nhà quản lý, doanh nghệp và chuyên gia khi cho rằng tiêu dùng xanh chính là chiến lược quốc gia, hướng đến kiến tạo xã hội văn minh, trách nhiệm, phát triển bền vững.

Với chủ đề “Tiêu dùng bền vững hướng đến kỷ nguyên xanh”, Diễn đàn Tiêu dùng bền vững 2025 được tổ chức ngày 2/7 tại Hà Nội nhằm tạo không gian trao đổi giữa các nhà quản lý, doanh nghiệp và chuyên gia trong nước, quốc tế, cùng thảo luận giải pháp thúc đẩy lối sống xanh, hành vi tiêu dùng có trách nhiệm và chiến lược phát triển bền vững tại Việt Nam.

tdx1.jpg
Hành vi của người tiêu dùng được xác định là một trong những động lực mạnh mẽ nhất thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang sản xuất bền vững

Sự kiện do Ủy ban Cạnh tranh quốc gia, Cục Đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi xanh và Khuyến công (Bộ Công Thương) phối hợp với Báo điện tử Tiếng nói Việt Nam tổ chức, nằm trong chuỗi hoạt động “Thúc đẩy sản xuất - Tiêu dùng bền vững năm 2025” thuộc Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030.

Tiêu dùng xanh là chiến lược quốc gia

Phát biểu tại sự kiện, ông Đỗ Tiến Sỹ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam nhấn mạnh: Thế giới đang bước vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên xanh, nơi giá trị kinh tế không thể tách rời khỏi giá trị môi trường và xã hội. Trong bối cảnh đó, tiêu dùng bền vững không còn là lựa chọn mang tính đạo đức mà đã trở thành một trụ cột chiến lược trong phát triển quốc gia.

Theo ông, mỗi hành vi tiêu dùng, dù nhỏ, đều để lại dấu vết về tiêu tốn tài nguyên, phát thải khí nhà kính và ảnh hưởng tới tương lai chung. Do vậy, lựa chọn sản phẩm xanh, ít tác động đến môi trường cần được xem là một quyết định có ý thức và trách nhiệm.

Ông Đỗ Tiến Sỹ cho rằng, Việt Nam đã thể hiện rõ cam kết phát triển bền vững và thúc đẩy chuyển đổi xanh thông qua hàng loạt chính sách cấp quốc gia như Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững đến năm 2030; Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh giai đoạn 2021–2030, tầm nhìn đến năm 2050; hay Nghị quyết 57-NQ/TW về đổi mới toàn diện hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Những nỗ lực này cần được tiếp tục cụ thể hóa bằng hành động của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và từng người dân.

Việc chọn chủ đề “Tiêu dùng bền vững hướng đến kỷ nguyên xanh” thể hiện rõ kỳ vọng của Ban Tổ chức trong việc tập hợp các ý kiến đóng góp từ các nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý, chuyên gia và doanh nghiệp để cùng nhau thảo luận những vấn đề cấp thiết, từ đó thúc đẩy việc sản xuất ra các sản phẩm thân thiện với môi trường. Một trọng tâm khác của diễn đàn là định hướng thay đổi hành vi tiêu dùng tại Việt Nam theo hướng bền vững, tiến tới hình thành một xã hội tiêu dùng văn minh, xanh và có trách nhiệm.

tdx.jpg
Ông Đỗ Tiến Sỹ, Tổng giám đốc Đài tiếng nói Việt Nam, phát biểu tại diễn đàn

Thông điệp “Tiêu dùng xanh – Cùng sống lành” cũng được nhấn mạnh tại diễn đàn và sẽ được lan tỏa rộng rãi thông qua các kênh phát thanh, báo điện tử và nền tảng nội dung số của Đài Tiếng nói Việt Nam. Đây không chỉ là khẩu hiệu mà còn là lời kêu gọi hành động tới mọi tầng lớp trong xã hội để cùng kiến tạo lối sống xanh, góp phần ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu và giảm thiểu áp lực lên tài nguyên thiên nhiên.

Đồng tình, ông Trịnh Anh Tuấn, Chủ tịch Ủy ban cạnh tranh Quốc gia (Bộ Công Thương), cho biết hành vi của người tiêu dùng được xác định là một trong những động lực mạnh mẽ nhất thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang sản xuất bền vững, từ đó kiến tạo nên một "kỷ nguyên xanh".

Nhận thức được tầm quan trọng của chuỗi giá trị sản xuất và tiêu dùng bền vững, trong những năm qua, Chính phủ Việt Nam đã ưu tiên tập trung xây dựng và ban hành một khung khổ pháp lý và chính sách toàn diện nhằm khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất bền vững. Điều này đã góp phần đa dạng hóa nguồn cung sản phẩm xanh trên thị trường, tạo tiền đề cho việc thực hành tiêu dùng bền vững của người dân.

Tuy nhiên, ở khía cạnh ngược lại, theo ông Trịnh Anh Tuấn, mặc dù chúng ta đã chứng kiến những thay đổi tích cực trong nhận thức và hành động của người tiêu dùng nhưng mức độ, quy mô và phạm vi thực hành tiêu dùng bền vững tại Việt Nam vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức và hạn chế đáng kể. Việc thu hẹp khoảng cách giữa nhận thức và hành vi, cũng như mở rộng thị trường cho các sản phẩm bền vững vẫn là một nhiệm vụ cấp thiết.

Bài toán đặt ra hiện nay đối với doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ là làm thế nào để tiếp cận và ứng dụng hiệu quả công nghệ xanh. Điều này đòi hỏi các giải pháp hỗ trợ nhằm đảm bảo công nghệ được triển khai phù hợp với năng lực và quy mô của doanh nghiệp, đồng thời bắt kịp với xu hướng sản xuất và kinh doanh hiện đại.

Chìa khóa cho sản xuất và tiêu dùng xanh

Việc triển khai các hoạt động sản xuất, kinh doanh gắn với tiêu dùng bền vững hiện vẫn còn gặp nhiều rào cản, vì vậy, vai trò của công nghệ được coi là chìa khóa để doanh nghiệp đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. Công nghệ sẽ giúp tối ưu hóa hiệu quả sử dụng tài nguyên, giảm thiểu tác động đến môi trường, đồng thời tăng cường tính minh bạch thông tin, khả năng truy xuất nguồn gốc sản phẩm và nâng cao năng suất, khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, bài toán đặt ra là làm sao để các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể tiếp cận và ứng dụng hiệu quả công nghệ xanh trong điều kiện còn hạn chế về vốn, nhân lực và năng lực vận hành.

tdx3.jpg
Ông Trịnh Anh Tuấn – Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, Bộ Công Thương

Tại diễn đàn, đại diện của Unilever Việt Nam chia sẻ, doanh nghiệp đã và đang phối hợp với các cơ quan truyền thông trong việc tăng cường tuyên truyền, đồng thời phối hợp với các nhà tái chế như Duy Tân để thúc đẩy tỉ lệ sử dụng nhựa tái chế, mua lại đầu ra sản phẩm tái chế và hỗ trợ hoạt động thu gom rác tái chế của lực lượng ve chai. Tuy vậy, đại diện doanh nghiệp cũng nhấn mạnh, để các sáng kiến này thực sự bền vững, cần có thêm sự hỗ trợ từ Nhà nước, đặc biệt là về nguồn vốn và chính sách nhằm khuyến khích sản xuất và tiêu dùng xanh.

Công nghệ xanh không chỉ giúp giảm chi phí vận hành mà còn mở rộng cơ hội tiếp cận các thị trường khó tính nhờ đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường quốc tế. Bên cạnh đó, minh bạch thông tin cũng được xác định là nền tảng bảo vệ người tiêu dùng trong bối cảnh thị trường ngày càng đa dạng với hàng loạt sản phẩm gắn mác xanh.

Theo đại diện Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, khi được trang bị đầy đủ thông tin, người tiêu dùng có khả năng đưa ra quyết định mua sắm có trách nhiệm và bền vững hơn. Doanh nghiệp cần xác định rõ trách nhiệm của mình trong việc cung cấp thông tin trung thực về sản phẩm, bao gồm nguồn gốc nguyên liệu, quy trình sản xuất, mức độ thân thiện với môi trường… để xây dựng lòng tin và tạo dựng một thị trường cạnh tranh lành mạnh.

Sự minh bạch trong thông tin không chỉ là yếu tố đảm bảo quyền được biết của người tiêu dùng mà còn là công cụ hữu hiệu để phân biệt sản phẩm thực sự bền vững với những sản phẩm “xanh giả”, từ đó giúp định hướng tiêu dùng đúng đắn. Đây cũng là động lực thúc đẩy các doanh nghiệp cải tiến sản phẩm và quy trình sản xuất để đáp ứng các tiêu chuẩn ngày càng cao của thị trường và người tiêu dùng hiện đại.

Việt Nam có nhiều tiềm năng ứng dụng mô hình ký quỹ

Chia sẻ tại diễn đàn, bà Hilde Solbakken - Đại sứ Na Uy tại Việt Nam cho biết, từ những năm 90 Na Uy đã triển khai thực hiện Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) đối với một số lĩnh vực, đặc biệt trong đó có sản phẩm điện tử, phương tiện giao thông, bao bì và một số các lĩnh vực khác.

Điều này giúp doanh nghiệp sản xuất đưa ra được những thiết kế hiệu quả hơn, tiêu tốn ít hơn trong việc đóng gói sản phẩm và tăng tỷ lệ tái chế. Với người tiêu dùng, EPR khuyến khích, thúc đẩy người tiêu dùng, trao quyền nhiều hơn cho người tiêu dùng khi tái chế trở thành một hành động dễ dàng, tạo động lực để người dân muốn tham gia nhiều hơn.

tdx2.jpg
Bà Hilde Solbakken, Đại sứ Nauy tại Việt Nam chia sẻ tại diễn đàn

Đặc biệt, Na Uy đã triển khai hệ thống thu gom và hoàn trả chai lọ, nhất là các chai nhựa và thủy tinh sau quá trình sử dụng, thông qua hệ thống ký quỹ (Deposit-Return System -DRS). Cụ thể, người dân sau khi mua các loại thực phẩm, nước uống đóng chai sẽ phải trả một khoản tiền nhỏ khi mua. Khi sử dụng hết, họ trả lại các vỏ chai, vỏ lon thì sẽ lấy lại phần tiền ký gửi ban đầu.

“Hệ thống này rất đơn giản nhưng đã giúp Na Uy đạt được 92,3% tỷ lệ hoàn trả đối với các loại chai nhựa và vỏ can vào năm 2023”, bà Đại sứ cho biết.

Trong lĩnh vực nuôi trồng thủy hải sản, để khuyến khích các sáng tạo ở khu vực tư nhân, Na Uy đưa vào ứng dụng công nghệ hiện đại như sử dụng lồng chứa ngoài khơi hoặc các hệ thống chứa khép kín, ứng dụng AI vào giám sát nhằm giảm thiểu rác thải và ngăn ngừa dịch bệnh, bảo vệ hệ sinh thái ngoài biển một cách tốt nhất.

Đối với việc sản xuất cá hồi, Na Uy sử dụng hệ thống cảm ứng để có thể đo được chất lượng nước và đánh giá được tình trạng sức khỏe của cá hồi theo thời gian thực. Điều này giúp bảo vệ môi trường được tốt hơn, chất lượng của cá cũng tốt hơn cũng như đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.

Như vậy có thể thấy, công nghệ xanh đóng vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy tiêu dùng và sản xuất bền vững.

Bà Hilde Solbakken cho rằng Việt Nam có nhiều tiềm năng ứng dụng mô hình này của Na Uy. “Chúng ta có thể làm việc một cách chặt chẽ đối với các tổ chức quốc tế như UNDP và các cơ quan liên quan của Việt Nam để có thể đưa vào thử nghiệm cái mô hình này và được áp dụng đối với các loại chai lọ tại Việt Nam”, Đại sứ Na Uy khuyến nghị đồng thời khẳng định “sẵn sàng và mong muốn chung tay, hỗ trợ Việt Nam về công nghệ, chuyên gia trong việc đưa vào triển khai mô hình này”.

Bài toán đặt ra hiện nay đối với doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ là làm thế nào để tiếp cận và ứng dụng hiệu quả công nghệ xanh. Điều này đòi hỏi các giải pháp hỗ trợ nhằm đảm bảo công nghệ được triển khai phù hợp với năng lực và quy mô của doanh nghiệp, đồng thời bắt kịp với xu hướng sản xuất và kinh doanh hiện đại.

Lan Hạ