5 ca tử vong trong 5 tháng đầu năm, cảnh báo nguy cơ bùng dịch sốt xuất huyết

Tin trong nước - Ngày đăng : 13:00, 04/07/2025

Gần 23.000 ca mắc, 5 ca tử vong do sốt xuất huyết trong 5 tháng đầu năm 2025. Bộ Y tế cảnh báo nguy cơ bùng dịch và yêu cầu siết chặt phòng chống.
Tin trong nước

5 ca tử vong trong 5 tháng đầu năm, cảnh báo nguy cơ bùng dịch sốt xuất huyết

Hải Đăng 04/07/2025 13:00

Gần 23.000 ca mắc, 5 ca tử vong do sốt xuất huyết trong 5 tháng đầu năm 2025. Bộ Y tế cảnh báo nguy cơ bùng dịch và yêu cầu siết chặt phòng chống.

Theo thống kê của Bộ Y tế, trong 5 tháng đầu năm 2025, cả nước đã ghi nhận gần 23.000 ca mắc sốt xuất huyết Dengue và đã có 5 ca tử vong tại các tỉnh, thành phố.

sxh-2272.jpg
5 ca tử vong trong 5 tháng đầu năm, cảnh báo nguy cơ bùng dịch sốt xuất huyết

Hiện miền Bắc đã vào mùa nóng ẩm, mưa nhiều, là thời điểm bắt đầu của dịch sốt xuất huyết lan rộng. Nhiều tỉnh, thành phố đã ghi nhận số ca mắc sốt xuất huyết gia tăng. Dự báo, trong thời gian tới, số mắc có thể tiếp tục tăng do đã bắt đầu bước vào các tháng cao điểm của bệnh hàng năm.

Tại khu vực phía Nam hiện đang là cao điểm của dịch bệnh sốt xuất huyết khi số ca mắc, số ca nặng, sốc sốt xuất huyết tăng lên...

Theo các chuyên gia, biến đổi khí hậu, mưa trái mùa và tình trạng tích trữ nước do hạn hán đã tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi vằn – véc-tơ truyền bệnh sinh sôi mạnh.

PGS.TS.BS Phạm Quang Thái – Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cảnh báo: “SXH hiện không còn là bệnh của riêng vùng nhiệt đới hay mùa mưa. Ngay cả các đô thị miền núi cũng đang có ca mắc. Điều này cho thấy nguy cơ dịch có thể xảy ra ở bất cứ đâu, vào bất cứ thời điểm nào”.

Trong khi đó, ThS.BS Võ Hải Sơn – Phó Cục trưởng Cục Phòng chống bệnh truyền nhiễm (Bộ Y tế) nhận định: “Chu kỳ dịch SXH đang thay đổi. Nếu trước đây là 5 năm thì hiện chỉ còn khoảng 2 năm. Nguy cơ dịch quay lại mạnh mẽ trong năm nay là rất rõ ràng”.

BSCKI Bạch Thị Chính - Giám đốc Y khoa (Hệ thống tiêm chủng VNVC) cho biết: “SXH có thể âm thầm trở nặng nếu chủ quan không theo dõi sát, gây khó khăn khi điều trị”. Từ 1 - 4 ngày đầu, người bệnh biểu hiện sốt, mệt mỏi, chưa có triệu chứng lâm sàng rầm rộ và thường hết sốt vào ngày 3 – 7. Song đây là thời gian bệnh bước sang giai đoạn nguy hiểm, virus làm tăng tính thẩm thấu của thành mạch, làm suy giảm nhanh chóng số lượng tiểu cầu, trong khi lượng hồng cầu trong máu tăng. Lúc này người bệnh xuất hiện triệu chứng đau bụng dữ dội, nôn liên tục, chảy máu lợi, chân răng, nôn ra máu… cần được kiểm soát chặt chẽ để được ứng phó kịp thời với các biến chứng.

BS Chính khuyến cáo, giai đoạn này bệnh có thể tiến triển rất nhanh, nhưng nhiều người người cho rằng, hết sốt là hết bệnh nên chủ quan, dẫn đến bỏ qua “thời gian vàng” điều trị. Nếu không cấp cứu kịp dẫn đến lượng máu trong cơ thể giảm, máu trong mạch cô đặc hơn, làm tăng nguy cơ đông máu, tắc nghẽn. Khi cơ thể không đủ máu để cung cấp oxy và dưỡng chất đến các cơ quan, gây ra sốc SXH, tràn dịch màng phổi, suy đa cơ quan, tăng nguy cơ tử vong.

Ngoài ra, SXH hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Bác sĩ cần dựa vào triệu chứng, kết quả xét nghiệm của trẻ để chỉ định loại thuốc và liều lượng phù hợp. Một số loại thuốc hạ sốt thông thường như aspirin, ibuprofen có thể gây xuất huyết nặng, nguy cơ tử vong, không được khuyến cáo sử dụng. Nước ta từng ghi nhận trường hợp nữ bệnh nhân 20 tuổi, ở Hà Nội mắc SXH tự mua thuốc uống và truyền dịch dẫn đến nhập viện điều trị muộn, tử vong sau 6 ngày mắc, dù được các bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương tích cực điều trị, vào tháng 9/2023.

Do đó, BS Chính khuyến cáo người dân cần hiểu đúng về bệnh SXH, cho con khám tại cơ sở y tế khi có dấu hiệu sốt cao đột ngột, mệt mỏi. Việc này sẽ giúp bệnh được phát hiện sớm, điều trị đúng và tăng khả năng hồi phục.

Cùng với các cảnh báo từ chuyên gia, Bộ Y tế đề nghị các địa phương đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức của người dân để chủ động phòng chống, tránh lây lan; tăng cường các biện pháp diệt loăng quăng, bọ gậy phun muỗi tại các hộ gia đình; Ngành y tế cũng đẩy mạnh các hoạt động liên quan đến việc phát hiện sớm các ca mắc, truy vết các khu vực, xác định các điểm nóng về sốt xuất huyết để tìm các biện pháp ngăn chặn từ sớm, từ xa.

Dưới đây là hướng dẫn vệ sinh môi trường phòng, chống dịch sốt xuất huyết theo khuyến cáo của Bộ Y tế:

1. Loại bỏ nơi sinh sản của muỗi (bọ gậy, loăng quăng):

  • Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước như bể, chum, vại, lu, xô... để muỗi không vào đẻ trứng.
  • Thả cá vào các dụng cụ chứa nước lớn để diệt bọ gậy.
  • Thau rửa dụng cụ chứa nước ít nhất 1 lần/tuần.
  • Loại bỏ, lật úp các vật dụng có thể đọng nước như lốp xe cũ, vỏ dừa, chai lọ, xô chậu, gáo dừa, vỏ hộp...
  • Thường xuyên thay nước bình hoa, chậu cảnh (tối thiểu 1–2 lần/tuần).

2. Vệ sinh nhà cửa, môi trường sống:

  • Dọn dẹp gọn gàng, phát quang bụi rậm, cây cối quanh nhà.
  • Không để nước đọng trên nền nhà, sân vườn, mái hiên, máng xối.
  • Thu gom, xử lý rác thải đúng nơi quy định, không vứt bừa bãi.

3. Phòng tránh muỗi đốt:

  • Ngủ màn, kể cả ban ngày.
  • Mặc quần áo dài tay, nhất là vào sáng sớm và chiều tối.
  • Dùng kem/xịt chống muỗi, vợt muỗi, nhang muỗi hoặc đèn bắt muỗi.
  • Phun hóa chất diệt muỗi định kỳ theo hướng dẫn của y tế địa phương.

4. Hợp tác với ngành y tế:

  • Khai báo kịp thời khi có người bị sốt để được theo dõi, chẩn đoán đúng.
  • Thực hiện các biện pháp xử lý ổ dịch khi có yêu cầu từ cơ quan y tế.
  • Tuyên truyền, vận động người thân, hàng xóm cùng thực hiện các biện pháp phòng chống.

Hải Đăng