Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng: Ra đời trên vùng cát trắng đến trở thành trường đại học thuộc tốp đầu
Cuộc sống xanh - Ngày đăng : 10:41, 07/07/2025
Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng: Ra đời trên vùng cát trắng đến trở thành trường đại học thuộc tốp đầu
Ngày 05/7/2025 vừa qua, Trường Đại học Bách khoa (ĐHBK) - Đại học Đà Nẵng đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm thành lập (11.7.1975 – 11.7.2025). Sự kiện đánh dấu chặng đường nửa thế kỷ xây dựng, phát triển và trưởng thành với nhiều thành tựu nổi bật, khẳng định vai trò là trung tâm đào tạo - nghiên cứu hàng đầu khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
Cách đây gần tròn 50 năm, ngay sau ngày Miền Nam được hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, ngày 11.7.1975, Viện Đại học Đà Nẵng được thành lập theo quyết định của Ủy ban Nhân dân Cách mạng Trung - Trung bộ. Đến tháng 10 năm 1976 trên cơ sở của Viện Đại học Đà Nẵng, Bộ Đại học và Trung học Chuyên nghiệp đã ra quyết định thành lập Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng, là một trong 3 trường đại học đa ngành kỹ thuật của cả nước, làm nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực phục vụ tái thiết đất nước trên dải đất miền Trung bị chiến tranh tàn phá nặng nề. Đó là một món quà vô cùng quí giá mà Đảng và nhân dân trao cho miền Trung như lời căn dặn của đồng chí Võ Chí Công (Bí thư khu ủy thời bấy giờ). Quyết định thành lập trường ĐH BK Đà Nẵng là một quyết định táo bạo, sáng suốt, có ý nghĩa chiến lược to lớn của các bậc cha anh.

Từ đó đến nay, thầy và trò nhà trường hết thế hệ này đến thế hệ khác, bằng trí tuệ và công sức của mình, thực hiện xuất sắc sứ mệnh, mục tiêu, đưa học hiệu và uy tín của Nhà trường vào bản đồ giáo dục đại học toàn cầu.
Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng được xây dựng trên khu đất đầy xương rồng và cát trắng, mọi thứ hầu như đều bắt đầu từ con số không. Tuy nhiên, với quyết tâm chính trị của Bộ Đại học và Trung học Chuyên nghiệp và của Khu Ủy Trung Trung bộ, bằng những nỗ lực vượt bậc của tập thể lãnh đạo nhà trường thời bấy giờ, trường đã tổ chức tuyển sinh khóa học đầu tiên ngay từ năm 1975 với hơn 300 sinh viên hệ chính quy “khóa 75”, vào các ngành học thuộc khoa Cơ khí, Điện và Kinh tế. Bộ Đại học và Trung học Chuyên nghiệp lúc bấy giờ (nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo) đã quan tâm, chỉ đạo sâu sát; Liên Khu ủy Khu 5, Ủy ban Nhân dân Cách mạng Trung - Trung bộ, tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng, các địa phương trong khu vực, đơn vị bộ đội, các cơ quan, trường đại học bạn, đã hỗ trợ hết mình cho nhà trường về đội ngũ, cơ sở vật chất để Nhà trường vượt qua được giai đoạn đầu đầy thử thách. Đặc biệt những thế hệ thầy cô giáo và những cán bộ đầu tiên với đầy sự năng động, nhiệt tình, cống hiến cả tuổi thanh xuân của mình cho sự phát triển của nhà trường.
Các thế hệ sinh viên ngày nay được học tập ở cơ ngơi khang trang khó có thể hình dung được hình ảnh các thầy cô giáo và sinh viên phải tăng gia sản xuất, lập các khu chăn nuôi, trồng trọt để có đủ lương thực, thực phẩm. Khu cát trắng mênh mông dần dần được phủ màu xanh, đáp ứng thực phẩm hằng ngày cho thầy trò. Có đủ miếng ăn đã khó, có đủ điều kiện học tập, thí nghiệm lại càng khó hơn.
Với sự giúp đỡ nhiệt tình của các đồng chí ở Quân ủy quân khu 5, các thầy cô giáo đã tìm được các máy móc hỏng sau chiến tranh để lấy các linh kiện, phụ tùng, thiết bị lắp ráp tạo thành thiết bị thí nghiệm. Các trường đại học phía Bắc, đặc biệt là Trường Đại học Bách khoa Hà Nội chi viện giáo trình, tài liệu học tập, cử giáo viên vào thỉnh giảng để hỗ trợ cho nhà trường.
Trải qua 50 năm, Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng đã phát triển thành một trường đại học kỹ thuật trọng điểm của Khu vực miền Trung và cả nước với 14 khoa, 09 đơn vị chức năng, 11 trung tâm nghiên cứu - đào tạo; 16 ngành tiến sĩ, 18 ngành thạc sĩ, 41 ngành/chuyên ngành đại học, với quy mô gần 18.000 sinh viên, học viên. Đội ngũ cán bộ viên chức nhà trường có 546 người, trong đó 407 giảng viên. Tỷ lệ giảng viên giảng dạy lý thuyết có bằng tiến sĩ đạt 74,4%, thuộc tốp các trường có tỷ lệ tiến sĩ cao nhất cả nước.