Xã Kon Plông lại xảy ra động đất 3,3 độ richter
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 15:00, 07/07/2025
Xã Kon Plông lại xảy ra động đất 3,3 độ richter
Rạng sáng 7/7, một trận động đất 3,3 độ richter xảy ra tại xã Kon Plông, Quảng Ngãi. Dù không gây thiệt hại, chuyên gia cảnh báo động đất tại khu vực này có thể còn kéo dài do ảnh hưởng từ hoạt động tích nước hồ chứa.
Ngày 7/7, Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần, Viện Các khoa học Trái đất phát đi thông báo về trận động đất xảy ra trên địa bàn xã Kon PLông, tỉnh Quảng Ngãi.

Cụ thể, lúc 0 giờ 22 phút 22 giây cùng ngày, một trận động đất có độ lớn 3,3 độ richter, độ sâu chấn tiêu khoảng 8,1km, xảy ra tại vị trí có tọa độ 14.780 độ vĩ Bắc - 108.258 độ kinh Đông.
Ông Bùi Văn Đáp, Chủ tịch UBND xã Kon Plông, cho biết: “Trận động đất này nhẹ, người dân địa phương không cảm nhận được rung lắc hay gây thiệt hại tài sản. Từ tháng 4/2021 đến nay, trên địa bàn xã Kon Plông xảy ra rất nhiều trận động đất".
Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần, Viện các khoa học Trái đất vẫn đang tiếp tục theo dõi trận động đất này.
Từ tháng 4/2021 đến nay, hàng trăm trận động đất đã xảy ra tại Kon Tum, tập trung ở khu vực huyện Kon Plông, trong đó những trận động đất gây rung chấn diện rộng. Lớn nhất là trận động đất xảy ra trưa 28/7/2024 có độ lớn 5.0.
Trong 3 tháng đầu năm 2025, cả nước xảy ra khoảng 100 trận động đất, tập trung chủ yếu tại huyện Kon Plong, Kon Tum (cũ).
Theo các chuyên gia, động đất kích thích xảy ra theo chu kỳ, liên quan chặt chẽ đến hoạt động tích nước của các hồ chứa. Có thời kỳ động đất hoạt động yếu, có thời kỳ động đất xảy ra dồn dập.
Động đất kích thích ở Kon Tum được nhận định có thể kéo dài nhiều năm như từng xảy ra với động kích thích tại thuỷ điện sông Tranh 2 (hơn 10 năm) do đặc điểm cả hai khu vực xảy ra động đất này đều nằm chung trên một đới đứt gãy Rào Quán – A Lưới và có nền địa chất khá tương đồng. Tuy nhiên, động đất ở đây khó có khả năng lớn hơn 5.5 độ.
Động đất có thể gây ra nhiều tác động tiêu cực đến môi trường, bao gồm:
- Sạt lở đất và lũ quét: Rung chấn động đất làm mất ổn định các sườn đồi, núi, gây sạt lở đất, làm tắc nghẽn dòng chảy và gây lũ quét, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái và cư dân vùng lân cận.
- Thay đổi địa hình: Động đất có thể làm biến dạng mặt đất, tạo ra các khe nứt, đứt gãy mới hoặc làm thay đổi dòng chảy sông suối, ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên và các hệ sinh thái.
- Ô nhiễm nguồn nước: Sạt lở hoặc đứt gãy có thể làm nguồn nước ngầm hoặc mặt nước bị ô nhiễm do đất đá, hóa chất hoặc vật liệu xây dựng tràn vào.
- Ảnh hưởng đến đa dạng sinh học: Sự thay đổi môi trường sống do động đất có thể làm mất môi trường sống của nhiều loài động, thực vật, gây suy giảm đa dạng sinh học.
- Phát thải khí nhà kính: Một số nghiên cứu cho thấy động đất có thể làm phát thải các khí như metan từ tầng đất sâu, góp phần vào biến đổi khí hậu.