Hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về ngành công nghiệp khai khoáng
Tài nguyên và phát triển - Ngày đăng : 04:30, 10/05/2022
Theo đó, Dự thảo đã chỉ ra một số nhiệm vụ của Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW. Theo đó, Chính phủ tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng. Cụ thể, hoàn thành hồ sơ xây dựng Dự án Luật Khoáng sản (sửa đổi) trình Chính phủ trong tháng 7/2022. Theo đó, tổng kết đánh giá đầy đủ kết quả 10 năm thực hiện Luật Khoáng sản năm 2010; bổ sung đầy đủ các chính sách mới đối với công tác điều tra cơ bản địa chất, các chính sách cần hoàn thiện trong lĩnh vực khoáng sản và công nghiệp khai khoáng được nêu trong Nghị quyết số 10-NQ/TW để hoàn thành xây dựng Dự thảo Luật Địa chất và Tài nguyên khoáng sản trình Quốc hội tại kỳ họp cuối năm 2023.
Đồng thời, hoàn thành các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành ngay sau khi Luật Địa chất và Tài nguyên khoáng sản được ban hành trong năm 2024. Theo đó, hoàn thiện quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản, thăm dò, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường phù hợp với thực tiễn theo nguyên tắc thị trường; ưu tiên cấp phép khai thác khoáng sản là vật liệu xây dựng thông thường cho xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng, nhất là công trình trọng điểm quốc gia.
Ảnh minh họa
Bên cạnh đó, rà soát, điều chỉnh thuế suất thuế tài nguyên một số khoáng sản nhằm khuyến khích đầu tư công nghệ tiên tiến, hiện đại để khai thác, chế biến các mỏ khoáng sản có điều kiện địa chất – mỏ phức tạp, hàm lượng thấp, hạ tầng kỹ thuật thấp kém; điều chỉnh kịp thời, hợp lý các loại thuế, khung thuế, biểu thuế, phí, lệ phí liên quan đến hoạt động khai thác, chế biến và xuất khẩu khoáng sản; hoàn thiện chính sách xuất – nhập khẩu và dự trữ khoáng sản, bảo đảm cân đối nhu cầu trước mắt với dự trữ khoáng sản lâu dài.
Chính phủ hoàn thiện chính sách khuyến khích hợp tác, đầu tư nước ngoài sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại trong khai thác, chế biến khoáng sản; làm chủ công nghệ tiên tiến được chuyển giao từ các nước phát triển; thu hẹp khoảng cách về trình độ phát triển so với các nước tiên tiến về lĩnh vực địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng; khuyến khích các doanh nghiệp trong nước đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực địa chất, khoáng sản nhằm tăng dự trữ khoáng sản trong nước.
Chính phủ cũng hoàn thiện chính sách thu hút, đào tạo phát triển nguồn nhân lực, đội ngũ chuyên gia có trình độ cao và công nhân lành nghề lĩnh vực địa chất, khoáng sản; xây dựng chế độ đãi ngộ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành địa chất, khoáng sản.
Dự thảo nêu rõ nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng. Cụ thể, thường xuyên tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng dưới mọi hình thức nhằm thống nhất nhận thức về tầm quan trọng của tài nguyên địa chất, khoáng sản; về vai trò, vị trí của ngành Địa chất và công nghiệp khai khoáng; tổ chức tuyên truyền, phổ biến ngay sau khi các văn bản được ban hành đến các cấp, các ngành, địa phương, doanh nghiệp và người dân.
Dự thảo cũng đề ra nhiệm vụ nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về tài nguyên địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng. Năm 2022, hoàn thành các nhiệm vụ: Phê duyệt Chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; phê duyệt Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050; phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050; phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050; lập, phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 – 2030 tầm nhìn đến năm 2050.
Hoàng Anh