Mở cửa thị trường, mở ra nhiều cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt

Tin trong nước - Ngày đăng : 08:24, 10/07/2025

Sáng 9/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu Việt Nam đã về đến Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh BRICS mở rộng và hoạt động song phương tại Brasil.
Tin trong nước

Mở cửa thị trường, mở ra nhiều cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt

Việt Cường {Ngày xuất bản}

Sáng 9/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu Việt Nam đã về đến Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh BRICS mở rộng và hoạt động song phương tại Brasil.

Chuyến công tác của Thủ tướng đã thành công trên nhiều phương diện, đạt được nhiều kết quả cụ thể, thực chất, nhất là mở rộng thị trường trong khu vực Nam Mỹ đầy tiềm năng góp phần triển khai hiệu quả Nghị quyết 59 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế trong tình hình mới.

Hội nghị Thượng đỉnh BRICS mở rộng 2025 có sự tham dự của gần 40 Nhà Lãnh đạo, đại diện các nước thành viên, các nước đối tác và khách mời của BRICS, cùng nhiều lãnh đạo tổ chức và định chế tài chính quốc tế. Trong hai phiên thảo luận tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã truyền đi thông điệp mạnh mẽ về tăng cường hợp tác đa phương, đoàn kết quốc tế, đồng thời nhấn mạnh vai trò của các nước đang phát triển trong hệ thống quản trị toàn cầu.

capture.png
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và phát biểu tại Phiên thảo luận cấp cao về chủ đề: Môi trường, COP 30 và Y tế toàn cầu. Ảnh: VGP

Thủ tướng đã đưa ra nhiều đề xuất quan trọng, thiết thực, phù hợp với quan tâm và lợi ích của các nước đang phát triển như trong các vấn đề bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao năng lực chống chịu với dịch bệnh, bảo đảm y tế dự phòng, y tế cơ sở. Thủ tướng cũng nêu nhiều đề xuất về thúc đẩy hệ thống tài chính toàn cầu bao trùm, bền vững, huy động hợp tác công tư; tăng cường mở cửa thị trường, liên kết chuỗi cung ứng; xây dựng hệ thống quản trị AI toàn cầu công bằng, an ninh, an toàn.

Để hiện thực hóa các mục tiêu khí hậu và y tế, Thủ tướng đề nghị bảo đảm huy động đầy đủ, bền vững các nguồn lực, nhấn mạnh cần đạt kết quả đột phá về tài chính khí hậu tại Hội nghị COP30 sắp tới, khuyến khích các cơ chế tài chính xanh và sự tham gia mạnh mẽ hơn từ khu vực tư nhân. Thủ tướng khẳng định, là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, Việt Nam sẵn sàng đóng góp tại các cơ chế đa phương nhằm thúc đẩy hợp tác, tăng cường kết nối, giải quyết các thách thức chung toàn cầu, với tinh thần "cùng đi, cùng đến, cùng làm, cùng thắng, cùng hưởng".

Nhân dịp dự Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có gần 20 cuộc tiếp xúc, hội kiến, hội đàm với lãnh đạo các nước, các tổ chức quốc tế, qua đó mở ra nhiều định hướng hợp tác mới trong các lĩnh vực, mở cửa thị trường cho hàng hóa của nhau, mang đến nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam tiến vào các thị trường lớn, mới và tiềm năng. Thủ tướng đã trân trọng chuyển lời thăm hỏi thân thiết của Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tới lãnh đạo các nước.

Các nhà lãnh đạo đánh giá cao những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam và sự nỗ lực, quyết tâm lớn trong triển khai các đổi mới, cải cách gần đây, đặc biệt là việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị; đồng thời, thảo luận nhiều vấn đề mang tầm chiến lược trong quan hệ song phương và khu vực, như tại cuộc gặp giữa Thủ tướng với Thủ tướng Malaysia và Tổng thống Indonesia, các nhà lãnh đạo đã trao đổi về việc tăng cường đoàn kết, thống nhất trong ASEAN; thúc đẩy chủ nghĩa đa phương và phát huy vai trò trung tâm của ASEAN; phối hợp triển khai lưới điện chung ASEAN. Các nhà lãnh đạo thống nhất cao với đề xuất của Thủ tướng Chính phủ về việc hợp tác đảm bảo an ninh lương thực và nhất trí ký hiệp định xuất khẩu gạo Việt Nam sang các nước.

Trong chuyến công tác, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc hội đàm quan trọng và rất thành công với Tổng thống Brasil Lula da Silva, qua đó làm sâu sắc hơn quan hệ giữa hai nước, nhất là trong bối cảnh vai trò của Brasil đang ngày càng cao ở khu vực và thế giới. Brasil hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại Mỹ - Latinh với kim ngạch thương mại song phương đạt gần 8 tỷ USD trong năm 2024, tuy nhiên vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của mỗi nước.

Vì vậy, hai nước cần tiếp tục có những biện pháp hợp tác mang tính chiến lược để nâng cao hơn nữa đà tăng trưởng, trong đó cần sớm ký kết các văn kiện trong lĩnh vực bảo hộ đầu tư, tránh đánh thuế hai lần và tạo thuận lợi về thị thực cho công dân hai nước. Đặc biệt, Tổng thống Brasil rất ủng hộ đề nghị của Thủ tướng Phạm Minh Chính về việc khẩn trương đàm phán và sớm ký kết Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Khối thị trường chung Nam Mỹ, cũng như FTA giữa hai nước. Tổng thống khẳng định, từ nay đến cuối năm, trong nhiệm kỳ Brasil làm Chủ tịch Khối sẽ tích cực thúc đẩy để đạt được. Nội dung này cũng được lãnh đạo nhiều nước Nam Mỹ nhất trí cao với Thủ tướng trong các cuộc tiếp xúc.

Một trong những điểm nổi bật nhất trong chuyến công tác của Thủ tướng tại Brasil là thúc đẩy hợp tác nông nghiệp. Đây là lĩnh vực được hai bên đặc biệt quan tâm trong thời gian qua và đến nay đã đạt được những kết quả rất tích cực trong việc mở cửa thị trường nông sản. Cụ thể, nhân dịp này, hai nước đã công bố lô hàng xuất khẩu cá tra-basa và cá rô phi đầu tiên của Việt Nam sang Brasil và lô hàng xuất khẩu thịt bò đầu tiên của Brasil sang Việt Nam. Đây là những mặt hàng nông sản mà hai bên đã "cùng định hình, cùng cam kết và cùng thực hiện", khởi đầu cho mở cửa thị trường, xuất khẩu các mặt hàng nông thủy sản khác trong thời gian tới. Qua đó, góp phần tăng cường hiệu quả hợp tác kinh tế, thương mại, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp hai nước.

Trong chuyến công tác, hai bên cũng nhất trí đẩy mạnh hợp tác trong ngành cà phê, thúc đẩy hình thành liên minh sản xuất và xuất khẩu cà phê, hướng tới xây dựng thương hiệu cà phê chung; đồng thời nhất trí ký hiệp định về việc xuất khẩu gạo Việt Nam sang Brasil để góp phần bảo đảm an ninh lương thực cho Brasil. Đặc biệt, một điểm mới được Tổng thống Brasil và lãnh đạo nhiều nước thống nhất cao theo đề xuất của Thủ tướng Chính phủ là việc đầu tư sản xuất và chế biến các mặt hàng ngay tại nước sở tại để phục vụ thị trường mỗi nước và xuất khẩu sang các nước khác, góp phần giảm chi phí vận tải, kho bãi, chi phí logistics, nâng cao sức cạnh tranh cho hàng hóa. Cùng với đó, nhiều văn kiện hợp tác đã được ký kết, trong đó có các bản ghi nhớ về hợp tác khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, cùng nhiều thỏa thuận hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước trong các lĩnh vực với giá trị lên tới hàng trăm triệu USD.

Đó là những kết quả hết sức cụ thể, thực chất, có thể "cân đong đo đếm, lượng hóa được" trong chuyến công tác lần này của Thủ tướng Chính phủ.

Xuyên suốt gần 40 cuộc họp, làm việc trong chuyến công tác, Thủ tướng Chính phủ đã chuyển tải thông điệp về một Việt Nam nhất quán xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả; cùng đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn tốt, là đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, vì hòa bình, ổn định, thịnh vượng ở khu vực và thế giới.

Chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính đã góp phần nâng cao vai trò, vị thế của đất nước; đưa quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với Brasil và các nước ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả, mang lại những kết quả rất thực chất, rất quan trọng và có ý nghĩa lớn trong bối cảnh thương mại toàn cầu đang diễn biến phức tạp hiện nay. Đó là tiếp tục mở rộng và đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng cho hàng hóa Việt Nam, nhất là với thị trường hơn 200 triệu dân của Brasil và gần 500 triệu dân khối Thị trường chung Nam Mỹ. Qua đó, mở ra nhiều cơ hội mới cho doanh nghiệp Việt Nam và tạo thêm công ăn việc làm, sinh kế cho người dân.

Việt Cường