Cà Mau đặt mục tiêu giảm 18,3% phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực quản lý chất thải

Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 15:30, 12/07/2025

Cà Mau đặt mục tiêu đến năm 2030 giảm 18,3% phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực quản lý chất thải bằng nguồn lực trong nước, có thể đạt 63,5% nếu có hỗ trợ quốc tế, góp phần thực hiện cam kết phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
Bảo vệ môi trường

Cà Mau đặt mục tiêu giảm 18,3% phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực quản lý chất thải

Hải Đăng 11/07/2025 14:00

Cà Mau đặt mục tiêu đến năm 2030 giảm 18,3% phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực quản lý chất thải bằng nguồn lực trong nước, có thể đạt 63,5% nếu có hỗ trợ quốc tế, góp phần thực hiện cam kết phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

UBND tỉnh Cà Mau vừa ký ban hành kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực quản lý chất thải trên địa bàn đến năm 2030.

4-2-.jpg
Ảnh minh họa

Mục tiêu kế hoạch đề ra là bảo đảm tổng lượng giảm phát thải khí nhà kính và lượng giảm phát thải khí mê-tan trên địa bàn tỉnh nằm trong giới hạn mức giảm phát thải khí nhà kính do quốc gia tự thực hiện, cụ thể: Thực hiện bằng nguồn lực trong nước giảm 18,3% lượng phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực quản lý chất thải so với kịch bản phát triển thông thường (mức giảm tự nguyện).

Nếu có thêm sự hỗ trợ của quốc tế về tài chính, công nghệ phù hợp và đầy đủ, mức giảm phát thải khí nhà kính lĩnh vực quản lý chất thải có thể nâng lên đến 63,5% so với kịch bản phát triển thông thường.

Trong đó, thực hiện đạt theo các chỉ tiêu quốc gia: 60% chất thải rắn dễ cháy có nhiệt trị cao như dệt may, chất thải vệ sinh, nhựa, cao su, gỗ…được xử lý bằng phương pháp đốt hoặc đốt phát điện. 80% chất thải rắn thực phẩm được xử lý thành phân compost.

80% chất thải rắn có thể tái chế như nhựa, giấy, kim loại sẽ được tái chế. 40% lượng nước thải sinh hoạt tập trung được xử lý đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường. 100% nước thải sinh hoạt đã thu gom được xử lý có thu hồi khí mê-tan. 30% nước thải công nghiệp được xử lý ở điều kiện tối ưu và tái sử dụng.

Đến năm 2030, tỉnh sẽ hoàn thành triển khai và thực hiện đồng bộ phân loại rác thải tại nguồn trên địa bàn tỉnh đạt 90%. Thực hiện kiểm kê, xây dựng đường biên phát thải khí nhà kính lĩnh vực chất thải của tỉnh. Xây dựng cơ sở dữ liệu về quản lý chất thải rắn của tỉnh phục vụ kiểm kê khí nhà kính. Đầu tư xây dựng, đưa vào quản lý vận hành “Nhà máy xử lý chất thải rắn phát điện Cà Mau” tại xã Khánh An, huyện U Minh và Dự án đầu tư xây dựng Khu xử lý chất thải tập trung tại ấp Trường Đức, xã Lâm Hải, huyện Năm Căn.

Các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực chất thải trên địa bàn tỉnh Cà Mau được xem xét, khuyến khích thực hiện và khi có nguồn lực hỗ trợ của quốc tế.

Biện pháp về xử lý chất thải rắn gồm: Giảm thiểu, phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; xử lý có thu hồi khí mê-tan đối với chất thải rắn sinh hoạt hữu cơ phù hợp; tái chế chất thải rắn; sản xuất phân compost; đốt chất thải rắn và đốt chất thải phát điện; sản xuất viên nén nhiên liệu RDF (chế biến rác thải sinh hoạt); chôn lấp có thu hồi khí mê-tan.

Biện pháp về xử lý nước thải sinh hoạt gồm: Tăng cường thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt tập trung; xử lý nước thải sinh hoạt có thu hồi khí mê-tan.

Biện pháp về xử lý nước thải công nghiệp gồm: Giảm phát sinh nước thải công nghiệp tại nguồn; thu hồi khí mê-tan từ xử lý nước thải công nghiệp.

Việc triển khai kế hoạch này nhằm thực hiện các biện pháp, hoạt động giảm phát thải khí nhà kính, bao gồm khí mê-tan, trong lĩnh vực quản lý chất thải để thực hiện mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính theo đóng góp do quốc gia tự quyết định của Việt Nam và kế hoạch hành động giảm phát thải khí mê-tan đến năm 2030, góp phần thực hiện mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Hải Đăng