Việt Nam có cơ hội kiểm soát lạm phát cuối năm 2025
Tài chính xanh - Ngày đăng : 18:00, 11/07/2025
Việt Nam có cơ hội kiểm soát lạm phát cuối năm 2025
Nền kinh tế Việt Nam đang chuyển từ “bình ổn” sang “bứt phá”, từ “kiểm soát” sang “kiến tạo động lực mới”. Việc dự báo đúng, hành động sớm và điều hành linh hoạt sẽ là chìa khóa để hóa giải những áp lực về giá, kiểm soát lạm phát, giúp giữ vững niềm tin và duy trì đà tăng trưởng hợp lý trong những tháng cuối năm 2025.
Tiêu dùng và đầu tư dẫn dắt tăng trưởng kinh tế
Nửa đầu năm 2025 ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam với mức tăng trưởng GDP đạt 7,52%, cao nhất kể từ năm 2011. Riêng quý II/2025, tốc độ tăng trưởng lên tới 7,96% so với cùng kỳ, cho thấy đà phục hồi rõ nét nhờ vào các động lực chính là tiêu dùng (tăng 7,95%) và đầu tư (tăng 7,98%). Khác với những năm trước đây, tăng trưởng không còn phụ thuộc vào xuất khẩu.

Theo thống kê của Cục Thống kê (Bộ Tài chính), tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 6/2025 ước tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2025, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 14,7% và doanh thu du lịch lữ hành tăng 23,2%.
Sự sôi động của thị trường nội địa cũng được thể hiện qua con số hơn 152.700 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động – tăng 26,5% so với cùng kỳ năm 2024. Kết quả này góp phần tạo ra hơn 538.000 việc làm và giúp thu nhập bình quân của người lao động tăng 10,1%.
Cùng với tăng trưởng kinh tế ấn tượng, các chỉ số vĩ mô được giữ ổn định. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 6 tháng đầu năm tăng 3,27%, thấp hơn mục tiêu Quốc hội đề ra (4-4,5%). Lạm phát cơ bản cũng được kiểm soát tốt ở mức 3,16%.
Phát biểu tại Hội thảo khoa học “Diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2025”, PGS.TS Nguyễn Đào Tùng – Giám đốc Học viện Tài chính, nhấn mạnh các chính sách tài khóa mở rộng (miễn, giảm thuế, tăng đầu tư công) và tiền tệ nới lỏng (hạ lãi suất, linh hoạt tỷ giá, nới hạn mức tín dụng) đã tạo điểm tựa vững chắc cho cộng đồng doanh nghiệp.
Áp lực điều hành giá lớn nhưng triển vọng kiểm soát lạm phát vẫn tích cực
Dù đạt nhiều kết quả tích cực, các chuyên gia cảnh báo 6 tháng cuối năm 2025 vẫn tiềm ẩn nhiều thách thức, đặc biệt là từ biến động tỷ giá, tăng trưởng tín dụng và các đợt điều chỉnh giá dịch vụ công. Ngoài ra, căng thẳng thương mại toàn cầu và chính sách thuế quan của Mỹ có thể ảnh hưởng đến xuất khẩu và hoạt động sản xuất trong nước.

TS. Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính – nhận định: "Trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng chậm, nhu cầu yếu có thể làm giảm áp lực giá hàng hóa nhập khẩu, từ đó hỗ trợ Việt Nam kiểm soát lạm phát nửa cuối năm". Ông dự báo lạm phát cả năm 2025 sẽ quanh mức 3,4%.
Tại hội thảo, đại diện Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, việc quản lý, điều hành giá trong thời gian tới sẽ phải linh hoạt, kịp thời và hiệu quả nhằm đạt mục tiêu kép: vừa giữ ổn định giá cả, vừa thúc đẩy tăng trưởng. Dự kiến, Việt Nam có thể trở thành một trong số ít các quốc gia kiểm soát lạm phát dưới 4% trong 11 năm liên tiếp.
PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng, CPI bình quân năm 2025 sẽ dao động từ 3,3% – 4,5%, phù hợp với mục tiêu Quốc hội. Ông cũng lưu ý, việc điều chỉnh giá điện, y tế, giáo dục – theo lộ trình định sẵn – cần được thực hiện thận trọng để tránh tạo "sốc giá".
Kết luận tại hội thảo, các chuyên gia thống nhất rằng điều hành giá và kiểm soát lạm phát sẽ là nhiệm vụ then chốt trong 6 tháng cuối năm 2025, đặc biệt trong bối cảnh đây là năm cuối cùng thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021–2025). Việc “dự báo đúng, hành động sớm, điều hành linh hoạt” được xem là chìa khóa để hóa giải áp lực, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô và duy trì đà tăng trưởng.