Hướng dẫn công an xã thực hiện thẩm quyền điều tra hình sự về bảo vệ môi trường

Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 09:30, 15/07/2025

Bộ Công an được giao chỉ đạo, hướng dẫn công an xã thực hiện có hiệu quả thẩm quyền điều tra hình sự, xử lý vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường.
Bảo vệ môi trường

Hướng dẫn công an xã thực hiện thẩm quyền điều tra hình sự về bảo vệ môi trường

Nguyễn Dương 15/07/2025 09:30

Bộ Công an được giao chỉ đạo, hướng dẫn công an xã thực hiện có hiệu quả thẩm quyền điều tra hình sự, xử lý vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường.

Tại Chỉ thị số 20/CT-TTg vừa được ban hành, Thủ tướng Chính phủ đã giao một số nhiệm vụ cấp bách, quyết liệt ngăn chặn, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công an tăng cường nắm tình hình, thường xuyên rà soát, bổ sung, cập nhật danh sách các cơ sở gây ô nhiễm, khu vực, địa điểm ô nhiễm môi trường trên phạm vi toàn quốc và chỉ đạo kiểm tra, điều tra, xử lý nghiêm, triệt để tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường.

capture(1).png
Ảnh minh họa

Trong quá trình đấu tranh, xử lý tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường, phải chú ý mở rộng điều tra, xác minh các hành vi thiếu trách nhiệm, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi dụng, lạm dụng chức vụ quyền hạn của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, các đối tượng, hành vi có mục đích chống đối, gây phức tạp tình hình an ninh, trật tự để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Chỉ đạo, hướng dẫn công an xã thực hiện đầy đủ, có hiệu quả thẩm quyền điều tra hình sự, xử lý vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường (ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn trong quý III/2025).

Tập trung rà soát, đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật liên quan đến bảo vệ môi trường nhằm nâng cao hiệu quả phòng ngừa, tính răn đe, bảo đảm sự nghiêm minh của pháp luật.

Tiếp tục nâng cao năng lực cho lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường phù hợp yêu cầu thực tiễn, bảo đảm thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường toàn diện, có hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả cao.

Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Nông nghiệp và Môi trường nghiên cứu, đề xuất ban hành, sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách để thực hiện việc trích kinh phí thu từ xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường, kinh phí sự nghiệp môi trường và các nguồn khác để tăng cường đầu tư cho các lực lượng chuyên trách trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật về môi trường.

Đồng thời thưởng cho người tố giác, cung cấp thông tin về tội phạm, vi phạm pháp luật về môi trường (báo cáo đề xuất trong quý IV/2025).

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong việc tiếp nhận, xử lý tố giác, tin báo về tội phạm, vi phạm pháp luật về môi trường thông qua thiết lập đường dây nóng, tài khoản Zalo an ninh, ứng dụng VNeID; hoàn thiện cơ sở dữ liệu về tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường.

Đẩy mạnh triển khai và khai thác dữ liệu từ hệ thống camera an ninh, camera giám sát tại các tuyến đường giao thông, các khu vực tập trung nguồn thải, các khu vực nhạy cảm về môi trường để kịp thời phát hiện các hiện tượng, sự việc, hành vi gây ô nhiễm môi trường và tiến hành xác minh, điều tra, xử lý vi phạm (có kế hoạch triển khai thực hiện từ quý III/2025).

Thủ tướng Chính phủ đề nghị Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng pháp luật trong việc đo, đếm, tính toán các yếu tố định lượng, xác định hậu quả, thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra làm cơ sở cho việc xác định tội danh, hình phạt trong điều tra, truy tố, xét xử các vụ án về môi trường.

Phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử các vụ án về môi trường.

Nguyễn Dương