Tăng cường bảo vệ an ninh nguồn nước lưu vực sông Hồng - sông Thái Bình
Tài nguyên nước - Ngày đăng : 08:00, 20/07/2025
Tăng cường bảo vệ an ninh nguồn nước lưu vực sông Hồng - sông Thái Bình
Lưu vực sông Hồng - sông Thái Bình đang đối mặt với tình trạng suy giảm nghiêm trọng mực nước, ảnh hưởng trực tiếp đến hơn một triệu héc-ta đất sản xuất nông nghiệp và nhu cầu sử dụng nước cho sinh hoạt, công nghiệp và môi trường.
Theo số liệu từ Viện Quy hoạch thủy lợi, khu vực lưu vực sông Hồng - sông Thái Bình có diện tích tự nhiên hơn 169.000km², trong đó phần thuộc lãnh thổ Việt Nam chiếm khoảng 88.680km². Hệ thống này không chỉ đóng vai trò cung cấp nước mà còn là tuyến phòng chống lũ chính cho khu vực đồng bằng Bắc Bộ.

Hiện nay, toàn lưu vực có hơn 22.000 công trình thủy lợi với hàng nghìn hồ chứa, trạm bơm, đập dâng và hệ thống kênh mương dài tới 66.000km. Tuy nhiên, do phần lớn công trình được xây dựng từ hơn 30 năm trước, nhiều hạng mục đã xuống cấp, không còn đáp ứng yêu cầu thiết kế ban đầu.
Một trong những vấn đề nghiêm trọng là mực nước tại các sông chính ngày càng hạ thấp. Thống kê giai đoạn 2010–2022 cho thấy, mực nước tại hạ lưu sông Đà giảm 22–26cm/năm, sông Thao giảm 7–10cm/năm, sông Lô giảm tới 60cm/năm; riêng tại Hà Nội, mực nước sông Hồng giảm từ 1–5cm/năm. Tại hệ thống sông Thái Bình, mức giảm cũng dao động từ 1–3cm/năm.
Tình trạng này khiến khu vực cửa sông, ven biển đối mặt với xâm nhập mặn ngày càng nghiêm trọng, có nơi mặn lấn sâu vào đất liền tới 45km, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt. Cụ thể, trong vụ đông xuân 2023–2024, độ mặn đo được tại một số điểm lên tới 9,3‰.
Áp lực từ phát triển kinh tế, gia tăng dân số, đô thị hóa và chuyển đổi cơ cấu sản xuất khiến nhu cầu sử dụng nước ngày càng lớn, trong khi năng lực đáp ứng của hệ thống thủy lợi lại đang suy yếu.
Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch thủy lợi Đào Ngọc Tuấn nhấn mạnh, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp công trình và phi công trình để đảm bảo an ninh nguồn nước. Cụ thể, quản lý chặt hoạt động khai thác cát, ổn định lòng dẫn sông; điều chỉnh quy trình vận hành các hồ chứa; xây dựng thêm công trình cấp nước tại vùng núi; nâng cấp hệ thống thủy lợi hiện có; tăng cường trồng và bảo vệ rừng đầu nguồn.
Ngoài ra, việc áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, chuyển đổi cây trồng phù hợp và xây dựng công trình tiêu thoát nước tại vùng trũng ven biển cũng là hướng đi cần được ưu tiên nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu và đảm bảo phát triển bền vững cho vùng đồng bằng Bắc Bộ.