Mưa lớn kéo dài, hàng trăm điểm tại miền Bắc và Bắc Trung Bộ đối mặt nguy cơ lũ quét, sạt lở đất
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 10:10, 22/07/2025
Mưa lớn kéo dài, hàng trăm điểm tại miền Bắc và Bắc Trung Bộ đối mặt nguy cơ lũ quét, sạt lở đất
Lạng Sơn, Phú Thọ, Thanh Hóa và Nghệ An đang đối diện nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất do mưa lớn kéo dài nhiều ngày, khi bão còn chưa đổ bộ.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trong 12 giờ qua (từ 16h ngày 21/7 đến 4h ngày 22/7), nhiều địa phương đã ghi nhận lượng mưa lớn, có nơi vượt 100mm. Cụ thể, tại Phú Thọ, xã Vạn Mai ghi nhận lượng mưa 114,8mm. Tại Thanh Hóa, Thạch Quảng đạt 95mm, Như Xuân 87mm. Nghệ An cũng ghi nhận các điểm mưa lớn như Mường Lống (69mm), Quỳ Châu (66,8mm), Tây Hiếu (66,6mm).

Mô hình độ ẩm đất tại các tỉnh trên cho thấy nhiều khu vực đã gần đạt hoặc đã đạt trạng thái bão hòa (trên 85%). Trong 3–6 giờ tới, mưa được dự báo sẽ tiếp diễn với lượng mưa phổ biến từ 30–60mm, có nơi vượt 100mm, làm tăng nguy cơ lũ quét, sạt lở đất tại các khu vực đồi núi, sườn dốc và ven sông suối nhỏ. Mức cảnh báo rủi ro thiên tai hiện đang ở cấp 1.
Tại Lạng Sơn, trong 24 giờ qua (từ 7h ngày 21/7 đến 7h ngày 22/7), mưa xuất hiện trên diện rộng với nhiều điểm ghi nhận lượng mưa lớn như Mẫu Sơn (136mm), Minh Phát (109,5mm), Bắc Xa (79,6mm), Tam Gia (70,2mm). Độ ẩm đất tại nhiều huyện trong tỉnh cũng đã tiến sát hoặc đạt ngưỡng bão hòa.
Dự báo trong 6 giờ tới, tỉnh Lạng Sơn tiếp tục có mưa với lượng mưa tích lũy từ 20–40mm, cục bộ có nơi vượt 40mm. Nguy cơ lũ quét và sạt lở đất tiếp tục hiện hữu, đặc biệt tại các xã, phường nằm ở khu vực đồi núi, sườn dốc. Mức cảnh báo rủi ro thiên tai cũng đang ở cấp độ 1.
Lũ quét và sạt lở đất có thể gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, phá hủy cơ sở hạ tầng, cản trở giao thông, làm ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, ảnh hưởng đến sinh hoạt và hoạt động kinh tế của người dân.
Trước tình hình này, các cơ quan chức năng địa phương được khuyến cáo khẩn trương rà soát các điểm xung yếu, vị trí có nguy cơ cao để chủ động phương án phòng chống, sẵn sàng ứng phó với các tình huống thiên tai có thể xảy ra.