Tín chỉ carbon JCM: Đòn bẩy mới cho hợp tác xanh và thị trường khí thải toàn cầu

Tài nguyên và phát triển - Ngày đăng : 15:30, 27/07/2025

Tín chỉ carbon theo cơ chế Tín chỉ chung (JCM) đang từng bước khẳng định vai trò trong việc hỗ trợ các quốc gia thực hiện mục tiêu giảm phát thải theo Thỏa thuận Paris, đồng thời mở rộng cánh cửa bước vào thị trường carbon toàn cầu.
Tài nguyên và phát triển

Tín chỉ carbon JCM: Đòn bẩy mới cho hợp tác xanh và thị trường khí thải toàn cầu

Quốc Minh 27/07/2025 15:30

Tín chỉ carbon theo cơ chế Tín chỉ chung (JCM) đang từng bước khẳng định vai trò trong việc hỗ trợ các quốc gia thực hiện mục tiêu giảm phát thải theo Thỏa thuận Paris, đồng thời mở rộng cánh cửa bước vào thị trường carbon toàn cầu.

Hợp tác hai bên cùng có lợi

Cơ chế JCM do Chính phủ Nhật Bản khởi xướng, cho phép nước này hợp tác với các quốc gia đang phát triển nhằm triển khai các dự án giảm phát thải khí nhà kính, qua đó chia sẻ tín chỉ carbon. Tính đến tháng 5/2025, Nhật Bản đã ký thỏa thuận JCM với 30 quốc gia, trong đó Việt Nam là một đối tác trọng điểm với 48 dự án đang được triển khai.

Theo mô hình hợp tác song phương, Nhật Bản và nước đối tác ký kết bản ghi nhớ và thành lập Ủy ban Hỗn hợp nhằm xây dựng, ban hành hướng dẫn thực hiện cơ chế. Trong bối cảnh toàn cầu đẩy mạnh chuyển dịch năng lượng và giảm phát thải, JCM được xem là công cụ hiệu quả thúc đẩy hợp tác công – tư trong lĩnh vực môi trường và năng lượng sạch.

thue-tin-chi-carbon2.png
Ảnh minh họa

Nhiều dự án tại Việt Nam đang mang lại hiệu quả rõ rệt. Tiêu biểu là nhà máy điện sinh khối 20 MW tại Hậu Giang do Tập đoàn erex (Nhật Bản) phối hợp cùng Công ty CP Năng lượng Sinh học Hậu Giang đầu tư, dự kiến đi vào hoạt động tháng 4/2025 và giúp cắt giảm hơn 46.000 tấn CO₂ mỗi năm.

Tại miền Bắc, một dự án đốt rác phát điện ở Bắc Ninh với công suất 500 tấn/ngày cũng đang được triển khai, sử dụng công nghệ tiên tiến để xử lý chất thải và giảm phát thải khoảng 42.000 tấn CO₂ mỗi năm. Những dự án này không chỉ đóng góp cho môi trường mà còn tạo lợi nhuận cho doanh nghiệp và thúc đẩy kinh tế địa phương.

Ông Iio Satoru, Cục trưởng Cơ quan Môi trường Toàn cầu – Bộ Môi trường Nhật Bản cho biết, cơ chế JCM sẽ mở rộng sang các lĩnh vực có tiềm năng lớn như năng lượng tái tạo quy mô lớn, lưu trữ năng lượng, điện rác, hydrogen và amoniac. Ngoài ra, các công nghệ thu giữ, sử dụng và lưu trữ carbon (CCUS/CCS) cùng các hoạt động trong lĩnh vực nông – lâm nghiệp như kỹ thuật canh tác lúa AWD, REDD+ hay phục hồi rừng cũng được chú trọng.

Tại Việt Nam, một dự án nông nghiệp áp dụng kỹ thuật AWD do Công ty Green Carbon (Nhật Bản) phát triển đã được đăng ký theo JCM, mở ra cơ hội nhân rộng mô hình.

Hướng tới thị trường carbon toàn cầu


Nhật Bản đã cập nhật quy định và hướng dẫn cơ chế JCM phù hợp với Điều 6 của Thỏa thuận Paris, cho phép tín chỉ phát sinh từ JCM được công nhận là ITMOs (Kết quả giảm nhẹ được chuyển giao quốc tế). Đây là điều kiện cần để các tín chỉ này tham gia thị trường carbon toàn cầu.

Đặc biệt, quyền phân bổ tín chỉ sẽ được xác định ngay từ giai đoạn đăng ký dự án, bảo đảm công bằng giữa các bên tham gia.

Ông Tăng Thế Cường - Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ NN&MT), cho biết Nhật Bản đang tiếp tục hỗ trợ tài chính để doanh nghiệp Việt Nam phát triển các dự án JCM, nhất là trong các lĩnh vực có tiềm năng lớn như nông nghiệp, chăn nuôi, năng lượng và CCUS. Việc này đồng thời góp phần hình thành sàn giao dịch carbon nội địa - một bước quan trọng trong phát triển thị trường carbon tại Việt Nam.

Để đơn giản hóa quy trình cho các doanh nghiệp Việt Nam, Chính phủ Nhật Bản đã thành lập Cơ quan JCM (JCMA) từ tháng 4/2025. JCMA sẽ phụ trách toàn bộ quy trình từ thiết kế dự án đến cấp tín chỉ, giúp giảm bớt gánh nặng thủ tục cho phía Việt Nam. Doanh nghiệp trong nước chỉ cần phối hợp cung cấp thông tin, còn phần lớn quy trình sẽ do phía Nhật thực hiện.

Với khung pháp lý đang được hoàn thiện và hỗ trợ từ phía Nhật Bản, tín chỉ carbon từ JCM sẽ sớm có thể giao dịch công khai tại Việt Nam. Đây là cơ hội để doanh nghiệp trong nước chủ động đầu tư vào công nghệ xanh, giảm phát thải và tận dụng hiệu quả các cơ chế tài chính carbon toàn cầu.

Quốc Minh