Kiếm hàng chục tỷ đồng mỗi năm nhờ tái chế lốp cao su
Gương sáng môi trường - Ngày đăng : 07:29, 24/05/2017
(Moitruong.net.vn) – Ông Nguyễn Lương Thông (xã Yên Tiến, Ý Yên, Nam Định) kiếm được hàng chục tỷ đồng mỗi năm nhờ tái chế lốp cao su bỏ đi. Những sản phẩm sáng tạo từ lốp cao su với đủ mẫu mã, kiểu dáng, kích thước của ông không chỉ phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước mà còn được xuất khẩu tới nhiều thị trường khó tính trên thế giới.
Xuất thân trong một gia đình nghèo, lại trải qua cuộc đời binh nghiệp đầy gian khổ nên khi xuất ngũ, ông Nguyễn Lương Thông (sinh năm 1949) chỉ mong mỏi tìm được một công việc có thể kiếm miếng ăn qua ngày. Cuộc đời ông cũng đã từng nếm trải không ít nghề vô cùng vất vả như chăn vịt, nuôi gà đến làm thợ trang trí nội thất, thợ sơn mài, thậm chí là đạp xe hàng chục cây số đường để bán kem mút rong … Cơ duyên với nghề tái chế cao su bắt đầu từ những tháng ngày đến Hà Đông cùng người con trai út học nghề khâu giày, dép cao su. “Khi đó học nghề vất vả, tôi học cùng không nhiều vì phải thường xuyên về quê đem gạo, lo tiền sinh hoạt cho hai cha con, thời điểm đó đi học nghề không được ai nuôi” – ông Thông bộc bạch.
Sau khi học được 3 – 4 năm, khi đã cứng tay nghề, ông và con trai về mở cơ sở sửa chữa giày dép tại quê nhà. Một lần tình cờ, có người khách lạ từ TP Hồ Chí Minh tìm đến, đưa các mẫu sản phẩm như giỏ đựng rác, gương treo tường, xô, chậu và những sản phẩm phục vụ sản xuất trong các nhà vườn, nông trại… đặt ông làm thử.
Những sản phẩm được ông Thông tái chế từ lốp ô tô
Ông tiến hành công việc theo yêu cầu của khách và tin vui đến với ông, khách hàng ưng ý và đem mẫu sản phẩm đi triển lãm Châu Âu vào năm 2007, các đơn hàng từ nước ngoài cũng được gửi đến, đại diện công ty Cánh đồng xanh tiếp nhận và đặt hàng cho ông. Từ đó, công việc của hai cha con ông Thông bắt đầu tất bật.
Cho tới tận bây giờ, ông Thông vẫn còn ngỡ ngàng trước thành công khi tận dụng những chiếc lốp xe ô tô bỏ đi để tái chế ra sản phẩm hữu ích.
Để có được nguyên liệu, gia đình ông Thông tìm mua lại các lốp xe ô tô đã bỏ đi, tìm cách “bóc tách” cao su thành các mành, lớp khác nhau bởi lốp cao su có nhiều lớp. Có sản phẩm cần cần bóc vải 3 lớp hay 5 lớp để phù hợp với yêu cầu.
Công đoạn bóc tách lốp cao su, theo ông Thông là khó nhất trong quá trình tái chế. Bóc cao su xong, ông lại cặm cụi đo kích cỡ, thiết kế, lên mẫu hàng, quét sơn tạo màu sắc như mới cho sản phẩm.
Xong đâu đấy ông Thông phơi khô hàng mẫu, bắn ghim và khâu sản phẩm. Công đoạn cuối cùng mới là trang trí, bắn thêm quai xách hoặc quai cho từng loại khác nhau.
Những chiếc lốp ô tô bỏ đi qua bàn tay những người thợ trong gia đình ông Thông trở thành sản phẩm hữu ích
Với mức giá mua nguyên liệu trên thị trường dao động từ 3.500-4.500 đồng/kg lốp thường và 10.000 đồng/kg lốp đặc chủng, để tạo ra 20.000 sản phẩm/tháng, gia đình ông Thông phải xử lý hàng chục nghìn chiếc lốp ô tô phế thải.
Sản phẩm hoàn thành có giá bán lên đến cả trăm nghìn đồng/đôi, tùy loại, đem về doanh thu mỗi năm cho gia đình ông cũng trên 12 tỷ đồng.
Hiện gia đình ông Thông có hai cơ sở tái chế lốp xe ô tô cũ do hai người con trai quản lý. Mỗi tháng, hai cơ sở chế tạo từ 1,5 đến 2 vạn sản phẩm, tháng cao điểm có thể lên tới hơn 3 vạn sản phẩm.
Các sản phẩm của ông làm ra được thị trường trong và ngoài nước yêu thích do chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, giá thành vừa phải. Từ một cơ sở tái chế nhỏ, giờ xưởng của gia đình ông có quy mô hơn 1.300 m2 với hàng trăm công nhân làm việc thường xuyên. Qua 20 năm làm nghề, ông Nguyễn Lương Thông được nhiều người mệnh danh là “ông vua tái chế lốp cao su” của miền Bắc.
Xuân Hải