Phát triển du lịch từ nông nghiệp
Gương sáng môi trường - Ngày đăng : 10:45, 28/08/2018
(Moitruong.net.vn) – Nằm cách trung tâm TP Hội An 3km về hướng Đông Bắc, làng rau Trà Quế Hội An không chỉ có thương hiệu nổi tiếng về làm rau sạch chất lượng cao mà còn được xem như điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước.
Làng rau Trà Quế Hội An. Ảnh: Báo Pháp Luật Việt Nam
Làng rau Trà Quế với gần 20ha, hơn 200 hộ gia đình làm nghề nông nghiệp, trong đó có 130 hộ chuyên trồng rau luân canh, xen canh để phát triển du lịch. Từ xưa đến nay, làng rau Trà Quế nổi tiếng vì có trên 20 chủng loại rau ăn lá và rau gia vị, đặc biệt nhiều loại rau không nơi nào thơm ngon bằng như húng, é, tía tô…
Đến với làng rau Trà Quế, du khách có thể hóa thân thành những nông dân thực thụ, với dép lê, nón lá được chính những người nông dân nơi đây truyền đạt lại, để cùng với bà con Trà Quế tự tay trồng rau, tưới nước, cưỡi trâu đi dạo quanh làng… rồi sau đó thưởng thức những đặc sản dân quê.
Chia sẻ trên tờ Lao Động, ông Mai H (54 tuổi) cho biết: 800m2 vườn rau, mỗi ngày ông cung cấp ra thị trường khoảng 30kg với giá trung bình từ 30.000-40.000 đồng/kg. Trừ chi phí ông lãi hơn 500.000 đồng/ngày. Rau Trà Quế “sạch” từ khâu chọn đất, đến hệ thống nước tưới lấy thẳng từ sông Cổ Cò không ô nhiễm… “Kết hợp với các công ty lữ hành, tôi còn thu được bộn tiền nhờ chương trình “du khách làm nông dân” – ông H cho biết. Và từ hộ này lan sang hộ khác, mỗi vụ rau 3 tháng (năm 2 vụ), bình quân người dân tại đây thu nhập từ du lịch cả trăm triệu đồng mỗi năm từ vườn rau.
Cụ bà Nguyễn Thị X (75 tuổi) mô tả cách làm: Đến du lịch tại làng rau Trà Quế du khách có thể được dạo quanh làng bằng xe đạp, bằng thuyền, cưỡi trâu, tận mắt chứng kiến nông dân trồng và chăm sóc rau.
Du khách trở thành những nông dân thực thụ, với dép lê, nón lá; được truyền đạt lại kinh nghiệm, cùng với bà con Trà Quế tự tay trồng rau, tưới nước cho rau, rồi sau đó thưởng thức những đặc sản làng quê…
Ông Trang Thanh Hùng, Trưởng thôn Trà Quế kiêm quản lý làng rau chia sẻ, thời gian qua làng nghề sản xuất rau Trà Quế phát triển mạnh, kết hợp với du lịch sinh thái đã giúp cho bà con phấn khởi nhờ nâng cao thu nhập. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay còn do bà con chưa liên kết được nhiều với các công ty lữ hành, mặt khác trình độ dân trí của bà con nông dân khó có thể liên kết để kéo du khách đến với vựa rau của mình. Do vậy, hiệu quả vẫn chưa đạt như mong đợi.
Theo Tổng cục Du lịch, năm 2017, du lịch Việt Nam được Tổ chức Du lịch Thế giới đánh giá là quốc gia có tốc độ phát triển nhanh trong top 10 thế giới và đứng đầu châu Á. Trong đó, sản phẩm du lịch sinh thái nông nghiệp đóng vai trò tích cực trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Đơn cử như TP HCM, nhu cầu khách du lịch tham quan trải nghiệm ở khu nông trại miệt vườn tăng đều mỗi năm từ 20-30%. Riêng khu nông nghiệp công nghệ cao ở huyện Củ Chi với diện tích 88ha, 3 năm qua, lượt du khách tăng 200% (từ 7.000 lượt năm 2014 lên gần 15.000 lượt năm 2017). Hoặc tỉnh Quảng Nam, năm 2017 đã đón được gần 6 triệu lượt khách, tăng 85.1% so với cùng kỳ năm 2007; thu nhập du lịch đạt 9.200 tỷ đồng.
“Du lịch ở vùng nông thôn chính là phương thức xóa đói giảm nghèo, đặc biệt tại những cộng đồng khó khăn; tạo ra việc làm, đem lại thu nhập, sinh kế ổn định, cải thiện đời sống của bà con, giúp người dân gắn bó với quê hương hơn”, ông Hoàng Hoa Quân, Văn phòng Tổng cục Du lịch cho biết trên tờ Pháp Luật Việt Nam.
Ngọc Lan (T/H)