Chủ tịch Hồ Chí Minh – Tấm gương vĩ đại trong việc bảo vệ môi trường

Gương sáng môi trường - Ngày đăng : 03:30, 17/05/2019

Moitruong.net.vn – Vấn đề môi trường ở thời đại nào, thời điểm nào cũng hết sức quan trọng. Dù bận trăm công nghìn việc, Bác Hồ vẫn quan tâm dặn dò nhân dân, cán bộ, chiến sĩ việc nhận thức về vấn đề bảo vệ môi trường.

Sinh thời, Bác Hồ thường xuyên quan tâm đến vấn đề trồng cây và môi trường. Người quan niệm rằng trồng cây không chỉ là công việc nông lâm đơn thuần, mà còn có ý nghĩa quan trọng là giáo dục đạo đức lao động, đặc biệt là nâng cao ý thức trách nhiệm của nhân dân trong việc bảo vệ môi trường sinh thái. Vì vậy, ngay từ những ngày đầu tại căn cứ địa Việt Bắc, trên cả một chặng đường kháng chiến gian khổ, nơi ở của Chủ tịch Hồ Chí Minh thường giản dị với tranh, tre, lá, nứa, cây rừng… và có thêm một mảnh đất để tăng gia trồng rau.

Điều này được thể hiện rất rõ trong cuộc sống đời thường, lao động, làm việc hay qua nhiều bài viết, qua các câu chuyện sinh hoạt hàng ngày của Bác. Chắc nhiều người con đất Việt đều nhớ đến những vần thơ tả thiên nhiên nơi chiến khu Việt Bắc của Bác:

“Sáng ra bờ suối tối vào hang
Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng
Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng
Cuộc đời cách mạng thật là sang”.
Bác kêu gọi “trồng cây gây rừng”!

Trong bài nói chuyện với đại biểu thanh niên sáng ngày 5-2-1961 tại vườn hoa Thanh niên, Công viên Thống Nhất, Bác nói: “Nếu mỗi cháu thanh niên một năm trồng 3 cây chăm sóc thật tốt, thì 8 triệu thanh niên miền Bắc sẽ trồng được 24 triệu cây. 5 năm liền, các cháu sẽ trồng được 120 triệu cây. Nếu các cháu đem 120 triệu cây ấy trồng trên con đường nối liền Hà Nội – Mát-xcơ-va thì con đường từ chủ nghĩa xã hội đến chủ nghĩa cộng sản thêm xanh tươi”.

Tại Hội nghị Tuyên giáo miền núi năm 1963, Bác ân cần nhắc nhở: “Các cô, các chú cần hết sức chú ý vấn đề bảo vệ rừng. Nếu cứ để tình trạng đồng bào phá một ít, nông trường phá một ít, công trường phá một ít, thậm chí đoàn thăm dò địa chất cũng phá một ít, thì rất tai hại. Phá rừng thì dễ, nhưng gây dựng lại rừng phải mất hàng chục năm. Phá rừng nhiều như vậy sẽ ảnh hưởng đến khí hậu, ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống rất nhiều”.

Năm 1968, Bác căn dặn Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Đại tá Đàm Quang Trung, Tư lệnh Quân khu IV: “Chiến tranh, bộ đội thường phải trú quân trong rừng nên phải hướng dẫn cho anh em tận dụng hang động, hạn chế tối đa việc chặt cây, phá rừng. Chặt cây động rừng, muông thú không có nơi ở phải bỏ đi lang thang. Bộ đội ở rừng gặp thú rừng là đương nhiên. Trong tay lại có súng, có đạn nên việc sát hại thú rừng là dễ xảy ra lắm. Chú về chỉ thị, nhắc nhở toàn quân không được săn bắn thú rừng… Ta lại còn săn bắn nữa thì nay mai đất nước hòa bình, giang sơn đâu còn là rừng, rừng đâu còn muông thú? Thế chẳng khác gì đất không có người, sông không có cá”.

Trong thời kỳ ở chiến khu Việt Bắc, mặc dù bận việc quân nhưng Bác vẫn không quên sống hòa hợp với thiên nhiên, quý trọng thiên nhiên, cây cỏ, muông thú, giữ gìn môi trường, cảnh quan, sinh thái mà vẫn bảo đảm an toàn cho bản thân và đồng chí, đồng bào.

Bác Hồ trồng cây đa tại xã Vật Lại, Ba Vì, Hà Tây (nay là Hà Nội) ngày 16/2/1969, Ảnh tư liệu

Chính vì ý thức được giá trị, vị trí của thiên nhiên, môi trường sống nên Bác rất chú ý yếu tố địa lý, địa điểm nơi trú chân, hoạt động và nêu gương sáng, nhắc nhở, giáo dục cán bộ, chiến sĩ ổn định, bắt tay vào giữ gìn vệ sinh, môi trường, tăng gia sản xuất, trồng cây, bảo vệ môi trường.

Tình yêu thiên nhiên, tấm gương bảo vệ môi trường của Bác còn được thể hiện rất rõ từ cuối những năm 50 của thế kỷ XX. Khi đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động, kêu gọi đồng bào ta bảo vệ môi trường, bảo đảm phát triển bền vững trên các lĩnh vực khác nhau, trong đó có phát động toàn dân thực hiện Tết trồng cây, với những câu thơ nay đã đi vào tâm trí và trở thành bài học quý báu cho mỗi thế hệ người Việt.

“Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây
Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”
“ Mùa xuân là Tết trồng cây
Làm cho đất nước càng ngày càng xuân”.

Còn có rất nhiều những bài học, hình ảnh đẹp về tấm gương bảo vệ môi trường của Bác mà mỗi người chúng ta cần học tập và làm theo để giữ gìn môi trường sống xung quanh trở nên sạch đẹp hơn. Nhất là trước thực trạng môi trường sống đang bị “bức tử” từng ngày bởi khói, bụi, tiếng ồn, chất thải nguy hại… thì việc học tập và làm theo tấm gương bảo vệ môi trường của Bác là cần thiết hơn bao giờ hết.

Tấm gương sống giản dị, gần gũi với thiên nhiên, tư tưởng, triết lý sống tiến bộ về bảo vệ cảnh quan môi trường sinh thái và tài nguyên thiên nhiên để phát triển bền vững của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành kim chỉ nam hành động đúng đắn cho các thế hệ hôm nay và mãi về sau.

Và dù Bác đã ra đi nhiều năm, nhưng những bài học, tấm gương bảo vệ môi trường của Bác vẫn lưu giữ mãi trong lòng những người con đất Việt.

Ngọc Phương (t/h)

Ngọc Phương (t/h)