Bao nhựa dùng một lần làm từ da và vảy cá có thể phân hủy trong vài tuần
Gương sáng môi trường - Ngày đăng : 08:00, 11/10/2019
Lucy Hughes, 23 tuổi, vừa tốt nghiệp ngành thiết kế sản phẩm của Đại học Sussex, Anh, đã nảy ra sáng kiến cho phép xử lý hạn chế nhựa dùng một lần và các phụ phẩm trong quá trình xử lý cá để tạo nên một dạng sản phẩm thay thế nhựa thân thiện với môi trường.
Với sáng kiến này, cô đã giành giải thưởng James Dyson của Anh giành cho sinh viên có giá trị giải thưởng 2.000 bảng.
Giải pháp của cô là vật liệu có thể phân hủy trong thời gian ngắn có tên MarinaTex. Vật liệu này có thể phân hủy trong môi trường đất từ 4-6 tuần và khi dùng xong có thể thải chung với rác thực phẩm trong gia đình.
Cô Lucy Hughes, 23 tuổi, vừa tốt nghiệp ngành thiết kế sản phẩm của Đại học Sussex
Cô Hughes, người thị trấn Twickenham ở phía tây nam London, đã sử dụng tảo đỏ để liên kết các protein chiết xuất từ da và vảy cá, cho phép tạo ra những mảnh vật liệu co giãn, trong suốt.
Dù bề ngoài khá giống nhựa, kết quả thử nghiệm ban đầu cho thấy nó dai hơn và chắc chắn hơn các túi nhựa bình thường, đồng thời an toàn cho môi trường.
Sáng kiến trên tiếp tục lọt vào vòng chung kết hạng mục quốc tế, với đại diện sinh viên của hơn 20 quốc gia/vùng lãnh thổ) tham gia.
Trung bình mỗi năm tại Anh, quá trình xử lý cá thải ra tới 500.000 tấn phụ phẩm, trong đó có vảy cá. MarinaTex là giải pháp để góp phần hạn chế tình trạng này, vì Lucy cho biết, lượng vảy và da cá của một con cá tuyết Đại Tây Dương cũng đã đủ để làm tới 1.400 chiếc bao bì MarinaTex.
Nhân Hạnh (t/h)