Tính chiến đấu của báo chí cách mạng, bản lĩnh và trách nhiệm người làm báo
Gương sáng môi trường - Ngày đăng : 05:02, 21/06/2020
Sở dĩ, Bác Hồ đặt tên “Thanh niên” cho tờ báo, bởi Bác Hồ cũng muốn gửi gắm kỳ vọng của Bác của dân tộc ta vào lớp người chủ nhân của đất nước một khi nhận thức rõ sứ mệnh cao cả của thanh niên trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người.
Còn nhớ cách đây 67 năm, tại Trường Chính Đảng Trung ương, ngày 17-8-1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt ra cho người làm báo khi cầm bút phải trả lời mấy câu hỏi cụ thể: Viết để làm gì, viết cho ai, viết cái gì và viết như thế nào? Bác nói: “Viết để nêu cái hay, cái tốt của dân ta, của bộ đội ta, của cán bộ ta. Đồng thời, để phê bình những khuyết điểm của chúng ta, của cán bộ, nhân dân, của bộ đội. Không nên chỉ viết cái tốt mà giấu cái xấu. Nêu cái hay, cái tốt, phải có chừng, có mực….Phê bình thì phải phê bình một cách thật thà, chân chính, đúng đắn chứ không phải để cho địch lợi dụng để phản tuyên truyền” (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 8, NXB CTQG, trang 206).
Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp gỡ các đại biểu dự Đại hội đại biểu Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ III, tháng 3-1963. Ảnh tư liệu.
Nghĩ về những lời răn dạy của nhà báo lớn Hồ Chí Minh vẫn nóng hổi tính thời sự với mỗi một chúng ta, lớp nhà báo con cháu của Người. Nhất là trong bối cảnh hiện nay, cuộc đấu tranh đẩy lùi và diệt trừ cái xấu, cái ác, nêu cao bao điều tốt đẹp, lành mạnh trong sản xuất, công tác, chiến đấu, rèn luyện của cả guồng máy xã hội để vươn lên tầm cao mới, xây dựng dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Gần 35 năm đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, báo chí đã có bước tiến nhảy vọt về chất và lượng. Từ vài chục cơ quan báo chí trong ngày đầu giành chính quyền, đến nay theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông cả nước có hơn 850 cơ quan báo in, báo điện tử, có hơn 19 nghìn nhà báo được cấp thẻ và hàng vạn những người viết báo không chuyên; tất cả mang “duyên nợ” với Đảng, theo ý Đảng, hợp lòng dân đã cùng nhau làm nên những thành tựu to lớn và sâu sắc trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Đây là số lượng không nhỏ, chứng tỏ sự phát triển nhanh, mạnh và rộng khắp của báo chí nước ta trong những năm qua. Chúng ta có quyền khẳng định rằng những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử qua gần 35 năm đổi mới có một phần đóng góp rất quan trọng và vinh dự cao cả thuộc về giới báo chí và đội ngũ những người làm báo cách mạng nước nhà.
>>>Xem thêm: Tự hào nghề báo – Kỉ niệm 95 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6
Dù ở trong bất cứ khó khăn thách thức nào, báo chí cũng góp phần quan trọng và đáng tự hào. Đặc biệt, bước sang thời đại công nghiệp 4.0, báo chí là kênh cung cấp thông tin chính xác, kịp thời có định hướng liên quan đến đất nước, đời sống nhân dân.Nhất là khi bất kỳ ai cũng có thể lên mạng xã hội để phát tán thông tin, báo chí cũng là câu trả lời “đúng, đầy đủ và trách nhiệm” nhất mà mạng xã hội nêu lên. Trong những ngày tháng cuối năm 2019 và đầu quý I năm 2020 đến nay, khi đại dịch COVID-19 bùng phát, lực lượng báo chí đã và đang bám sát cuộc chiến chống dịch bệnh chưa từng có. Báo chí như một “binh chủng” đặc biệt, có nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền để người dân hiểu biết về tình hình dịch bệnh; tuân thủ chỉ đạo, hướng dẫn của các cơ quan chức năng; động viên tinh thần quả cảm của các lực lượng tham gia chống dịch.
Thậm chí, xuất hiện những tin đồn, tin giả xuất hiện lan tràn trên mạng xã hội gây hoang mang dư luận, báo chí cũng là lực lượng tiên phong để kiểm chứng thông tin, dập tắt tin đồn. Từ đó, giúp người dân hiểu chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước. Từ đó cả cộng đồng cùng chung sức đoàn kết đẩy lùi dịch bệnh.
Thời gian qua, Trung Quốc liên tục khiêu khích và gây hấn ở Biển Đông trong bối cảnh cả thế giới đang “phong tỏa” để chống lại dịch bệnh COVID-19, với ý đồ “đục nước béo cò” Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố thành lập hai đơn vị hành chính để quản lý quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, đồng thời gửi công hàm lên Liên Hiệp Quốc vu cáo Việt Nam “chiếm đóng trái phép các đảo thuộc Trung Quốc”; Trung Quốc liên tục có những hành động khiêu khích, gây hấn, tấn công và đâm chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam đang hoạt động trong vùng biển nước ta. Những hành động đó của Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, trước hết là Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc là một bên tham gia ký kết.
Dù ở trong bất cứ khó khăn thách thức nào, báo chí cũng góp phần quan trọng và đáng tự hào.
Báo chí cả nước đã đồng lòng lên án những hành động trên của Trung Quốc với một thái độ kiên quyết, mạnh mẽ, đồng thời, báo chí đã kịp thời truyền tải lòng yêu nước, tiếng nói ủng hộ của mọi người dân trên khắp các vùng miền của Tổ quốc, của kiều bào ta ở nước ngoài đối với Đảng, Nhà nước và Chính phủ.
Trước thềm Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng, các thế lực thù địch lại tập trung công kích, chống phá bằng nhiều thủ đoạn nham hiểm và quyết liệt. Chúng đẩy mạnh nhiều hoạt động thâm độc, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” gây chia rẽ, mất đoàn kết từ bên trong nội bộ Đảng và Nhà nước ta; khi thời cơ đến chúng sử dụng tổng hợp các biện pháp cả vũ trang và phi vũ trang; kết hợp “cả trong và ngoài”, trong đánh ra, ngoài đánh vào để hòng xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, tiến tới xóa bỏ chế độ XHCN, chuyển hoá Việt Nam theo con đường tư bản chủ nghĩa. Trước tình hình đó, báo chí cần có nhiều tin, bài phân tích sâu sắc, có lý, có tình, có sức chiến đấu và thuyết phục nhằm bảo vệ quan điểm, đường lối của Đảng, vạch trần âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động, giúp cán bộ, Đảng viên, nhân dân nâng cao nhận thức và hành động đúng, không bị mắc mưu các thế lực phản động.
Kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam năm nay, vào thời điểm cả nước đang ra sức thi đua chào mừng Đại hội Đảng các cấp và tiến tới Đại hội XIII của Đảng; những người làm báo tiếp tục đoàn kết, nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp gắn với việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, thực hiện tốt Luật Báo chí, 10 điều Quy định đạo đức người làm báo Việt Nam, Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo, không ngừng nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt trọng trách của mình.
Nguyễn Văn Thanh