Ô nhiễm không khí – nỗi ám ảnh của người dân thủ đô
Ô nhiễm môi trường - Ngày đăng : 06:01, 30/03/2016
Mới đây, trên Website Aqicn.org (của Mỹ), trang web chuyên cung cấp số liệu ô nhiễm không khí tại các thành phố trên thế giới theo từng giờ, trong đó có Hà Nội cho biết, chỉ số AQI tại Hà Nội trong thời gian gần đây khá cao, có thời điểm lên tới 388 microgam/m3. Riêng nồng độ bụi mịn PM2,5 cao gấp hơn 3 lần mức khuyến cáo theo Quy chuẩn quốc gia về chất lượng không khí xung quanh và gấp 7 lần so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới.
TS Hoàng Dương Tùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, kết quả quan trắc của Tổng cục Môi trường cũng tương đồng với kết quả đo được ở Đại sứ quán Mỹ (Hà Nội) và kết quả công bố trên trang Aqicn.org. Ông cũng nhấn mạnh rằng, điều quan ngại nhất bây giờ là nồng độ bụi mịn và nồng độ ozon trong không khí đã vượt mức cho phép.
Ô nhiễm không khí gia tăng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người. Đặc biệt khi nồng độ bụi cao trong không khí, nhất là nồng độ bụi mịn vượt quá mức cho phép sẽ gây ra nhiều tác hại đối với sức khỏe con người,. Báo cáo môi trường quốc gia 2013 viết “hạt bụi mịn thường mang tính axit, có kích thước siêu nhỏ nên tồn tại lâu trong không khí và có khả năng phát tán xa, mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe con người rất đáng kể”. Trong khi đó, nồng độ Ozon cũng gây nguy hại, nhất là với trẻ em, người già và người hoạt động nhiều ngoài trời.
Ozon làm tổn thương đường dẫn khí, gây viêm các tế bào gây ho, ngứa họng, khó chịu trong lồng ngực đồng thời làm giảm chức năng phổi. Ozon cũng làm nặng hơn các bệnh về hô hấp và giảm khả năng của cơ chế chống lại vi sinh vật xâm nhập vào hệ hô hấp, nhất là bệnh hen suyễn. Với những bệnh nhân bị rung nhĩ (một dạng rối loạn nhịp tim thường gặp hơn ở người lớn tuổi), nguy cơ tử vong tăng cao hơn trong những ngày ô nhiễm Ozon ở mức cao.
Nguyên nhân gây ô nhiễm không khí ở Hà Nội được cho là bắt nguồn từ hoạt động giao thông và xây dựng, sản xuất công nghiệp và đời sống sinh hoạt. Theo thống kê của Bộ TN&MT, Hà Nội đang là một đại công trường với hơn 1.000 công trình lớn nhỏ đang thi công. Bên cạnh đó là sự tham gia giao thông của hàng triệu xe máy mỗi ngày. Chưa kể, 147 trên tổng số 400 cơ sở sản xuất tại Hà Nội có nguy cơ thải ra chất thải ô nhiễm không khí. Ngoài ra, đặc điểm thời tiết nhiều biến động và cơ cấu loại hình sản xuất, công nghệ, nhiên liệu trong sản xuất công nghiệp còn lạc hậu, khu công nghiệp nằm gần trục giao thông cũng được xem là tác nhân gây ô nhiễm không khí thủ đô.
Theo GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng, để giải quyết tình trạng ô nhiễm không khí ở Hà Nội cần một giải pháp tổng thể trên các lĩnh vực giao thông, xây dựng, sản xuất công nghiệp và sinh hoạt cộng đồng. Với giao thông, ưu tiên phát triển giao thông công cộng, nâng cao chất lượng đường sá, giảm ùn tắc, nâng cao chất lượng nhiên liệu. Với sản xuất, các cụm công nghiệp, khu công nghiệp phải có hệ thống xử lý khí thải, khuyến khích dùng công nghệ thân thiện. Ngoài ra, nên tăng cường diện tích cây xanh của thành phố.
Để thực hiện những việc trên, GS Phạm Ngọc Đăng cho rằng, có hai vấn đề mấu chốt là ý thức của người dân, nhất là chủ các cơ sở sản xuất và thứ hai là vai trò của cơ quan quản lý. Theo ông, Hà Nội đã có những chiến lược, kế hoạch bảo vệ môi trường cũng như những chế tài. Tuy nhiên, việc thực thi vẫn còn bất cập.
(Theo T/C Môi trường và Cuộc sống)