Đừng vô tình với môi trường

Ô nhiễm môi trường - Ngày đăng : 06:03, 10/03/2016

(moitruong.net.vn) – Câu chuyện rác thải sinh hoạt và cách xử lý nó hiện đang là mối quan ngại không chỉ xảy ra nơi TP mà ngay tại thôn quê Việt Nam cũng rất đáng lo. Nó đang gây ra biết bao nan giải mà chưa có đường thoát. Nếu không có giải pháp quyết liệt, e rằng tự chúng ta đang làm hại môi trường sống của chính mình.

180950baoxaydung_1

Dưới chân biển cấm là cả núi rác thải bốc mùi hôi thối nồng nặc. (ảnh chụp chiều 17/2, tại bãi rác thôn 2 xã Quảng Bị)

Đối với Thủ đô Hà Nội, đã có thời điểm TP triển khai vận động người dân tự phân loại rác rồi tự bỏ rác “vô cơ” và “hữu cơ”. Sau một thời gian, mô hình thử nghiệm này đã bị phá sản hoàn toàn. Theo giám đốc một DN xử lý rác thuộc Tổng Công ty Urenco Hà Nội thì nguyên nhân thất bại chính là do ý thức của người dân còn rất kém. Điều tra thực tế cho thấy, 90% nguyên nhân thất bại là từ ý thức, chứ không phải là do kinh phí đầu tư tốn kém. Đây cũng là nỗi buồn về lối ứng xử với môi trường sống của chính chúng ta. Việc Hà Nội triển khai ý tưởng thực hiện “Năm trật tự và văn minh đô thị” cũng gặp muôn vàn khó khăn, trong đó có việc xử lý rác thải.

Mấy tuần nay, cả 2 vị Bí thư Thành uỷ của Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đều có những phát ngôn hoặc hành động về trách nhiệm của cộng đồng với vấn đề rác thải. Tất cả đều mang một thông điệp cảnh báo rác thải đang có nguy cơ đe dọa môi trường ở 2 đô thị loại đặc biệt của cả nước.

“Đi nơi nào cũng có rác cả, lãnh đạo thì ông nào cũng đi qua nhưng không ông nào làm gì hết.” Đó là một trong những nhận xét rất đáng lưu tâm của Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải trong chuyến làm việc tại huyện Ba Vì ngày 23/2 mới đây.

Đây cũng không phải là chuyện lạ của người Hà Nội mà là chuyện “muôn năm cũ” trên cả nước. Để xây dựng một lối sống tích cực hơn trong việc ứng xử với rác thải thực ra không phải là quá khó. Nếu chính quyền các cấp kiên quyết, từ việc giáo dục trong nhà trường, trong công sở, trong tổ dân phố. Giáo dục cho lớp trẻ, đề cao ý thức của người lớn thì không lý gì mà không thành công.
Việc này đã được chứng minh bằng kết quả của Hội An thời ông Nguyễn Sự còn đương nhiệm chức Bí thư, Chủ tịch. Chính ông Nguyễn Sự đã quyết liệt chỉ đạo người dân Cù  Lao Chàm nói không với túi nylon và 100% gia đình phải có nhà vệ sinh. Một điều tưởng bình thường với nhiều nơi khác, nhưng 20 năm trước, ở thị xã Hội An, trên Cù Lao Chàm, điều đó là chuyện không tưởng. Ấy vậy mà ông Sự đã làm được. Có những trường hợp chây ỳ, không chịu làm nhà vệ sinh, ông Nguyễn Sự trực tiếp “ép” bằng được. Dần dần, người dân nơi đây cảm nhận được lối sống văn minh, vệ sinh môi trường là điều không thể thiếu với chính họ.

Một điểm thành công trong xử lý rác là khu di tích Yên Tử (Quảng Ninh). So với trước, Yên Tử hôm nay đã khác xưa một trời một vực.

Nếu trước đây, người hành hương về chốn linh thiêng phải tự “giải quyết nỗi buồn” bằng lối tự do ra rừng kia. Thì nay, vệ sinh môi trường đã tốt và văn minh hơn bội phần.

Theo ông Lê Tiến Dũng – Trưởng ban Quản lý di tích và Rừng Quốc gia Yên Tử, cùng với quy định, Ban quản lý đã treo banzôn dọc đường đi với những nội dung như: “Vứt rác bừa bãi/Ngàn vái bằng không!” hoặc “Nhặt rác trên đường/Trời thương Phật độ” rồi “Đường lên chùa Đồng/Nói không với rác!” để nhắc nhở du khách và bố trí các thùng rác tại các điểm lên, xuống.

Như vậy để thấy, nhiều khi ý thức của con người ta cũng còn phụ thuộc vào bối cảnh xung quanh. Nếu đã có một tí rác rơi xuống, người khác sẽ vô tư vứt theo như một thứ domino vô thức. Khi không có ai vứt, nó sẽ rất khác, nhất là lại liên tục có những câu chữ nói trên treo đầy trên cây, cột điện của khu di tích…
Thói quen xấu khi vứt, xả rác bừa bãi nhiều lúc cũng từ sự vô tâm, xem thường cảnh quan môi trường. Cách đây một năm, tôi chứng kiến cảnh rác ngập ngụa trước Chùa Phúc Khánh (Hà Nội) sau đêm tổ chức lễ cầu an (14 tháng Giêng) mà thấy vô cùng bức xúc. Rất nhiều người vô tư vứt giấy báo lót và đồ ăn thải lại sau khi ngồi hàng tiếng cầu nguyện cho một cuộc sống tốt lành. Không lẽ, lòng thành kính nơi chốn linh thiêng của con người ta như vậy sao?
Để có được nếp nghĩ và cách làm đúng, luôn tôn trọng môi trường sống, mỗi chúng ta không thể xem nhẹ và đừng vô tình khi ứng xử với nó. Nếu làm trái quy luật khi đối xử tệ bạc với thiên nhiên, chỉ biết hôm nay thì chính chúng ta sẽ phải hứng chịu hậu quả xấu mà biến đổi khí hậu cũng chính là do cách ứng xử của con người gây nên.

(Theo KT&ĐT)

(Theo KT&ĐT)