Bài 1: Ô nhiễm thôn Xà Cầu bao giờ mới được giải quyết?

Ô nhiễm môi trường - Ngày đăng : 14:33, 08/05/2016

Moitruong.net.vn Ô nhiễm ám ảnh làng tái chế rác

(Moitruong.net.vn) – Thôn Xà Cầu, xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa, Hà Nội hiện đang là một trong những nơi có sự phát triển mạnh về kinh tế nhờ nghề tái chế rác thải. Tuy nhiên, song song với sự phát triển đó là vấn nạn ô nhiễm môi trường đã và đang hoành hành, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân nơi đây.

123Untitled

Nước thải ứ đọng bốc mùi hôi tại đoạn mương thoát nước.

Vốn nổi tiếng với nghề làm hương trầm, thế nhưng những năm gần đây thôn Xà Cầu, xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa, Hà Nội lại được biết đến với cái tên mới “làng tái chế rác thải”. Với điều kiện thuận lợi là nguồn nguyên liệu rác thải luôn có sẵn từ thành phố Hà Nội và các tỉnh lân cận chuyển về đã mang đến cho người dân nơi đây một nghề rất “hot”.

Tuy nhiên, hoạt động tái chế rác thải tại thôn Xà Cầu hiện nay lại đang diễn ra một cách tự phát, quy mô nhỏ lẻ, không được xây dựng theo một mô hình khoa học và hầu hết các xưởng đều không có hệ thống xử lý chất thải và đồ dùng bảo hộ lao động. Mọi nguồn khí thải, nước thải đều được xả trực tiếp ra môi trường ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của nhân dân trong làng.

Một người dân búc xúc chia sẻ: “Trẻ con trong làng không có không gian chơi, khi trong nhà là khu tái chế rác, ngoài ngõ để rác, đến cánh đồng cũng là nơi lưu trữ rác. Nhà tôi dù không làm công việc này nhưng sống cạnh nhà làm rác thì vẫn phải chịu cảnh ô nhiễm như vậy. Con nhà tôi ngay từ khi cất tiếng khóc chào đời cháu cũng bị ảnh hưởng rồi. Vào những hôm các lò sấy đốt thì khói nó nghi ngút khắp làng, mùi nó khó chịu lắm”.

Thế nhưng, hậu quả của sự ô nhiễm đó mới là điều đáng báo động khi mà  “người đầu bạc tiễn kẻ tóc xanh”.

Ông Nguyễn Hữu Hiệp sống tại xóm 1, thôn Xà Cầu cũng ngậm ngùi chia sẻ: “Chính gia đình tôi đã có 2 người bị ung thư mà chết. Người thứ nhất là bố tôi bị ung thư phổi, tiếp theo là con trai tôi bị ung thư gan và mất năm 35 tuổi, cả hai người trước đây đều đi làm nghề “ve chai” nên bị ảnh hưởng bởi môi trường làm việc rất nghiêm trọng”. Ông còn cho biết thêm, không những gia đình ông mà ở làng còn nhiều người chết trẻ và rất nhiều người đang bị bệnh về đường hô hấp do ảnh hưởng của nguồn nước và khí thải tại đây.

Trớ trêu thay, có những người biết là hoạt động tái chế rác thải không đúng quy định sẽ gây ô nhiễm môi trường và nguy hại đến sức khỏe của bản thân và gia đình. Nhưng vì đời sống khó khăn, nhất là từ khi có các chính sách quy hoạch ruộng đất để làm Khu công nghiệp, đường xá và các dự án nhà ở phát sinh nên ruộng đất canh tác ngày càng bị thu hẹp không đáp ứng được nhu cầu sản xuất của người dân nên vì miếng cơm manh áo mà hầu hết các hộ gia đình tại đây đều phải chuyển đổi sang nghề tái chế.

Chị Nguyễn Thị Phượng, công nhân ở xưởng tái chế cho biết: “Độc hại, biết là độc hại, nhưng nuôi con đi học đại học tốn tiền lắm, không đi làm nghề này mà chỉ trông vào mấy sào ruộng thì lấy gì mà ăn”.

Trong thời kỳ hội nhập phát triển theo định hướng Công nghiệp hóa – Hiện đại hóa nước ta phải đối mặt với rất nhiều vấn đề trong đó ô nhiễm môi trường là một trong những vấn đề mang tính báo động. Nhất là ở các vùng đô thị, và ven đô thị. Vì vậy làm giàu từ rác trong thời kỳ này là một hành động mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, nhưng làm giàu phải dựa trên cơ sở phát triển bền vững để đảm bảo được tính phát triển dài lâu. Vì nếu không chú trọng đến công tác bảo vệ môi trường thì chính con người đang tự triệt tiêu mình.

Thiết nghĩ, ai ai cũng chạy theo những lợi nhuận kinh tế của nghề tái chế rác thải mà bỏ qua những công đoạn hết sức quan trọng để bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe của cộng đồng thì trong một tương lai không xa môi trường ở làng Xà Cầu và những khu vực xung quanh sẽ là một môi trường chết, người dân nơi đây sẽ trở thành cư dân của “làng ung thư”, sống mòn mỏi với bệnh tật và chờ đợi cái chết.       

Trước thực trạng tái chế rác thải tự phát gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng môi trường và đời sống của nhân dân, chính quyền địa phương nói gì?

Tạp chí Môi trường và Cuộc sống sẽ tiếp tục thông tin trong số tiếp theo.

(Theo T/C Môi trường và Cuộc sống)

(Theo T/C Môi trường và Cuộc sống)