Khai thác đá xây dựng và những hệ lụy tiềm ẩn

Ô nhiễm môi trường - Ngày đăng : 05:08, 23/11/2016

(Moitruong.net.vn)

Đá vôi là loại đá phổ biến ở Việt Nam, đặc biệt là khu vực Đông Bắc, khai thác hợp lý và bảo vệ môi trường, cảnh quan đá vôi phục vụ cho mục đích kinh tế là vấn đề cần quan tâm giải quyết của địa phương và Nhà nước hiện nay. Bởi lẽ, khai thác đá là một trong những hoạt động sản xuất có tác động tiêu cực tới môi trường trong đó quan trọng nhất là không khí, nước, đất, cảnh quan, địa hình, hệ sinh thái khu vực và đặc biệt là tới sức khỏe con người.

Khai thác đá ảnh hưởng tới sức khỏe của công nhân

Tác động đến môi trường không khí

Ngoài tiếng ồn thì chất ô nhiễm lớn nhất phải kể đến trong hoạt động khai thác đá là bụi, sau đó mới đến các loại khí thải của các phương tiện vận chuyển, máy móc thiết bị thi công. Các khí thải độc hại này bao gồm: bụi, Pb, SO2, NOx, H2S, CO, muội,…

Các loại khí này thường khi thâm nhập tầng bình lưu là các tác nhân gây nên khói quang hoá, phá huỷ tầng ôzôn, góp phần tạo nên hiệu ứng nhà kính, ảnh hưởng chung đến thời tiết toàn cầu. Ở tầng đối lưu các loại khí này có khả năng kết hợp với hơi nước tạo ra các hạt mù axit, hoặc hoà tan vào nước mưa làm giảm độ pH của nước xuống tới 5,5. Khi rơi xuống mặt đất sẽ làm gia tăng khả năng hoà tan các kim loại nặng trong đất, làm chai đất, phá huỷ rễ cây, hạn chế khả năng đâm chồi, giảm năng suất cây trồng. Đối với con người các khí này có khả năng gây kích ứng niêm mạc phổi ở nồng độ thấp. Ở nồng độ cao và lâu dài, chúng có thể gây loét phế quản, giảm khả năng hấp thụ ôxi của các phế nang, tác động không tốt đến hệ tim mạch, gây suy nhược cơ thể. Đặc biệt khi có mặt đồng thời SO3 thì các tác động lên cơ thể sống mạnh hơn so với tác động của từng chất riêng biệt, gây co thắt phế quản gây ngạt và tử vong.

Bụi là một trong những tác nhân gây ô nhiễm nguy hiểm. Các loại bụi khoáng vô cơ kim loại, silíc amiang, bụi plastic gây ra các bệnh bụi phổi ở động vật (aluminose, Silicoe, siderose…). Đối với thực vật, bụi lắng đọng trên lá làm giảm khả năng quang hợp của cây, làm giảm năng suất cây trồng. Các hạt bụi có kích thước nhỏ (1-5mm) dễ dàng lọt vào và tồn tại trong các phế nang phổi gây bệnh về hô hấp cho người và động vật. Tác động lên môi trường không khí ở giai đoạn này có mức độ không lớn và mang tính tạm thời.

Tác động đến môi trường nước

Nguồn gây ô nhiễm nước trong giai đoạn này chủ yếu là nước mưa chảy tràn trên bề mặt khu mỏ. Lưu lượng nước chảy tràn phụ thuộc vào mùa và chế độ khí hậu khu vực và thường có hàm lượng chất lơ lửng là bùn đất và các tạp chất rất cao.

Ngoài nước mưa chảy tràn là nước thải sinh hoạt của công nhân viên trong khu vực mỏ. Tuy nhiên, đây là dự án mỏ rộng khai thác mỏ đá nên về căn bản cơ sở hạ tầng đã có sẵn. Vì thế khu vực mỏ đã có khu vệ sinh đảm bảo tiêu chuẩn. Nước thải sinh hoạt được thu gom xử lý tại bể yếm khí trước khi thải ra môi trường.

Trong khi khai thác các khoáng vật chứa sunfua trong đá có thể tiếp xúc với không khí thành các sunfat dễ hoà tan vào nước. Hệ quả là làm tăng sự axit hoá trong nước ngầm khi chảy qua khu vực mới khai thác. Và nếu chảy tràn trên bề mặt vào hệ thống suối xung quanh khu vực sẽ làm tăng độ axit của nước suối.

Các kim loại nặng phân tán trong đất đá cũng như các ion Ca+2, Mg+2… làm thay đổi thành phần hoá học và độ cứng của nước. Đất đá, bụi kéo theo nước mưa chảy tràn làm tăng hàm lượng cặn lơ lửng và độ đục của nước.

Tác động đến môi trường đất

Đối với các công trường khai thác đá hầu hết là hoạt động tại khu vực miền núi. Đối với khu vực này diện tích đất có thể sử dụng trồng trọt được rất hạn chế. Hoạt động khai thác của các mỏ đá sẽ sử dụng một diện tích đất lớn cho việc hình thành khu mỏ, bãi thải, sân công nghiệp, bến bãi, khu lưu không,… Như vậy có thể nói khai thác đá không những làm mất diện tích đất trồng mà còn làm biến đổi chất lượng đất do xói mòn, phong hoá và ô nhiễm.

Tác động tới cảnh quan môi trường

Khai thác đá vôi là hoạt động có tác động tiêu cực tới môi trường, ảnh hưởng tới cấu trúc địa tầng, địa chất từ đó có ảnh hưởng tới hệ thống nước ngầm khu vực, ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường như: làm thay đổi bề mặt địa hình, đất đá thải gây bồi lấp lòng sông suối, làm mất đi vẻ đẹp tự nhiên hoang dã của khu vực. Một dãy núi dài với vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ sẽ bị mất đi thay vào đó là các công trường khai thác đá ngổn ngang.

Tác động tới môi trường sinh thái

Nước mưa chảy tràn từ khu vực mỏ khá lớn nhất là vào mùa mưa. Nước mưa chảy tràn trong khu vực mỏ kéo theo nhiều bùn đất, cặn lơ lửng và các kim loạ nặng có mặt trong đất đá vào hệ thống nước mặt làm tăng độ đục, thay đổi độ pH của nước… Độ đục trong nước mặt tăng đã ngăn cản độ xuyên thấu của ánh sáng, làm cản trở quá trình quang hoá trong nước ảnh hưởng tiêu cực tới đời sống các loại thuỷ sinh. Trong trường hợp độ đục quá lớn còn dẫn đến sự tuyệt chủng của các loài động thực vật sống trong nước.

Trong khu vực mỏ đá thảm thực vật tự nhiên của vùng núi và các loại cây ăn quả. Hoạt động khai thác đá vôi sẽ sử dụng một diện tích đất lớn và việc sử dụng đất này làm mất đi thảm thực vật tự nhiên của khu vực. Không những thế, các chất thải của quá trình khai thác như bụi, khí thải, chất thải rắn cũng có ảnh hưởng nhất định tới hệ thực vật khu vực xung quanh do khả năng lan truyền trong môi trường. Bụi là một trong những tác nhân gây ô nhiễm nguy hiểm. Đối với thực vật, bụi lắng đọng trên lá làm giảm khả năng quang hợp của cây, làm giảm năng suất cây trồng.

Đối với các loài động vật, nhất là động vật hoang dã rất nhạy cảm với sự biến đổi môi trường. Hầu như các chất ô nhiẽm môi trường đều có tác động rất xấu đến động vật. Chất thải rắn và khí độc hại làm ảnh hưởng tới sự sinh sản của các loài động vật. Tiếng ồn và chấn động khi nổ mìn làm động vật hoảng sợ dẫn đến sự di cư hàng loạt các loài động vật.

Hoạt động khai thác mỏ đã làm mất đi các thảm thực vật trên cạn và ảnh hưởng đến các loài động vật hệ quả là làm suy thoái đa dạng sinh học. Tuy nhiên, với đặc trưng hệ sinh thái cạn cũng như hệ sinh thái nước khu vực dự án tương đối nghèo nàn, không có loài động vật hoang dã đặc hữu nên các tác động tiêu cực của quá trình triển khai thực hiện dự án mở rộng khai thác tới tài nguyên sinh vật là không đáng kể.

Hoạt động khai thác mỏ lộ thiên có ảnh hưởng tới mực nước ngầm khu vực. Với độ sâu khai thác càng lớn thì mực nước ngầm càng hạ xuống thấp. Như vậy, hoạt động khai thác đá dẫn đến hệ quả là làm nghèo kiệt nguồn tài nguyên không tái tạo ảnh hưởng đến thế hệ mai sau.

Tác động tới sức khoẻ công nhân mỏ

Công nhân lao động trong các khu vực khai thác là người chịu ảnh hưởng trực tiếp do các hoạt động sản xuất của mỏ. Các tác nhân ô nhiễm như khí độc hại, bụi, tiếng ồn, nhiệt gây nên các bệnh nghề nghiệp mãn tính như bụi phổi, tim mạch, giảm thính lực… Ngoài ra, do tác động của các tác nhân ô nhiễm trên nên rất hay gặp các bệnh như viêm đường hô hấp, đau mắt, đau đầu, chóng mặt…

Trong quá trình hoạt động khai thác đá thường xảy ra các tai nạn đáng tiếc như:

Đổ xe trong quá trình thi công, vận chuyển. Tai nạn do đá văng khi nổ mìn, đá rơi từ trên cao do chấn động. Tai nạn do sạt lở núi, lật xe có thể dẫn tới nguy hiểm tới tính mạng. Các tai nạn lao động khác. Tai nạn do chập điện, cháy nổ kho xăng dầu, kho thuốc nổ…

Các sự cố do thiên tai thường xảy ra vào mùa mưa bão như: Cháy nổ do sét đánh. Vào mùa mưa bão hay xảy ra sự cố sét đánh vào các máy móc thiết bị trong khu vực mỏ. Sự cố do bão lũ làm trôi sạt bãi thải ảnh hưởng đến khu vực xung quanh. Sự cố do mưa bão kéo dài gây sụt lún, sạt lở đường giao thông làm gián đoạn sản xuất.

Không thể phủ nhận lợi ích và những đóng góp tích cực của hoạt động khai thác đá xây dựng cho sự phát triển kinh tế – xã hội, song phát triển cần đi đôi với bảo vệ môi trường đó mới là sự phát triển bền vững.

(Theo Anh Cương – T/c Môi trường và Cuộc sống)

(Theo Anh Cương – T/c Môi trường và Cuộc sống)