Đà Nẵng: Hai nhà máy thép gây ô nhiễm bị tạm dừng hoạt động
Ô nhiễm môi trường - Ngày đăng : 04:20, 17/12/2016
Trước phản ứng của người dân, lãnh đạo Đà Nẵng đã tạm dừng hoạt động đối với hai nhà máy thép. Hai đơn vị này bị dân “tố” gây ô nhiễm môi trường.
Ngày 16/12, Văn phòng UBND TP Đà Nẵng cho biết lãnh đạo thành phố đã yêu cầu tạm dừng hoạt động đối với hai nhà máy thép của Công ty cổ phần Thép Dana Ý (phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu) và Công ty cổ phần Thép Dana Úc (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang).
Ông Hồ Kỳ Minh, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, giao Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các sở, ngành liên quan cùng lãnh đạo hai nhà máy xây dựng phương án sản xuất, tập trung liên quan đến vấn đề công nghệ, nhất là liên quan đến khói bụi, tiếng ồn…
Ngoài ra, Sở Tài nguyên và Môi trường thuê một đơn vị quan trắc độc lập về môi trường, có sự tham gia của người dân. Khi có kết quả quan trắc phải công bố công khai để nhân dân biết và chỉ khi đạt chuẩn, hai nhà máy mới được tiến hành sản xuất.
Dân Đà Nẵng bao vây hai nhà máy thép gây ô nhiễm
Trước đó, ngày 14/12 hàng trăm người dân bao vây trước cổng hai công ty trên để phản ứng. Người dân cho rằng đây là hành động bất đắc dĩ vì 2 đơn vị này gây ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đời sống người dân. Sau khi tiếp nhận thông tin,UBND TP Đà Nẵng đã đối thoại với người dân.
Tại buổi đối thoại, đại diện các hộ dân bày tỏ bức xúc về tình trạng ô nhiễm môi trường do 2 nhà máy thép gây ra trong quá trình sản xuất. Người dân nói rằng khu vực này trước đây được quy hoạch dành cho sản xuất công nghiệp nhẹ, nhưng không hiểu sao 2 nhà máy này được cấp phép sản xuất.
Theo ông Mai Liễu (thôn Vân Dương 1), 2 nhà máy thép này đi vào sản xuất từ năm 2007. Từ đó đến nay, hai đơn vị này gây nên ô nhiễm trầm trọng về tiếng ồn, khói bụi. “Họ còn xả nước thải, chất thải gây ô nhiễm nguồn nước khiến đời sống người dân xung quanh khu vực vô cùng khổ sở, nhiều người bị bệnh, cây cối bị chết, nhà cửa thiệt hại”, ông Liễu cho hay.
Tại buổi đối thoại, ông Minh yêu cầu người dân chấp hành chủ trương, giải tỏa vành đai. Về lâu dài, yêu cầu Sở Xây dựng chủ trì lập phương án di dời giải tỏa nhân dân trong vùng bị ảnh hưởng. Sở Tài nguyên và Môi trường cũng xây dựng phương án di dời hai nhà máy, sau đó họp dân để lấy ý kiến.
Theo Zing.vn