Nam Định: “Nhức nhối” ô nhiễm môi trường ở làng tái chế nhôm
Ô nhiễm môi trường - Ngày đăng : 10:27, 12/12/2016
Đã từ lâu, nghề tái chế nhôm ở thôn Bình Yên, xã Nam Thanh , huyện Nam Trực, Nam Định mang lại nguồn thu nhập khá lớn cho người dân ở đây. Tuy nhiên, đây đều là các hộ sản xuất tự phát thiếu khâu xử lý nước thải dẫn đến môi trường ở khu vực này ô nhiễm ở mức báo động.
Tại thôn Bình yên có khoảng 600 hộ dân, trong đó có 304 hộ làm nghề tái chế nhôm từ các phế thải như vỏ lon bia, đồ uống đóng hộp để sản xuất chậu, mâm, xoong nồi…, mang lại nguồn thu nhập khá ổn định và việc làm cho hơn 1.000 nhân công.
Cụ thể, trung bình mỗi tháng ở làng nghề này tái chế gần 1.500 tấn nhôm phế liệu, hiệu suất thu hồi khoảng 60%, nên tổng doanh thu đạt khoảng 53 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, trong sản xuất, kinh doanh, các hộ chỉ chú tâm đến lợi nhuận mà không thực sự quan tâm đến môi trường.
Dòng sông “chết” chảy ra xã Nam Thanh
Theo ước tính, quá trình cô đúc nhôm từ vỏ lon (bia, đồ uống đóng hộp) hàng ngày thải ra khoảng 40 tấn chất thải rắn nguy hại, trong khi nước thải từ khâu tẩy rửa sản phẩm (gồm sút, muối Cr và một số hóa chất chuyên dụng khác) lên tới 500m3 mỗi ngày.
Con sông chảy qua xã Nam Thanh, đặc biệt là đoạn qua thôn Bình Yên bị ô nhiễm nhiều năm nay, cạn trơ đáy, bốc mùi tanh nồng nặc, hôi thối và rất khó chịu. Cùng với đó, một lượng lớn nước thải chưa qua xử ý đã thải trực tiếp ra kênh, mương, nước dẫn vào ruộng lúa khiến nhiều diện tích đất bị bỏ hoang vì không thể canh tác.
Kênh, mương trắng xóa nước thải tẩy rửa từ các hộ sản xuất nhôm
Không chỉ ô nhiễm nguồn nước, mà môi trường tự nhiên ở đây còn bị ảnh hưởng bởi tiếng ồn và khói bụi trong quá trình sản xuất của các hộ dân sản sinh ra.
Theo kết quả quan trắc của Bộ Tài nguyên và Môi trường tại làng nghề Bình Yên, môi trường nước mặt tại sông Nam Ninh Hải, nơi chứa nước thải của các cơ sở sản xuất, có hàm lượng SS (chất rắn lơ lửng) cao gấp 12,2 lần Quy chuẩn Việt Nam; COD (lượng oxy cần thiết để oxy hóa các hợp chất hóa học trong nước bao gồm cả vô cơ và hữu cơ, COD càng cao càng có hại cho sinh vật nước và hệ sinh thái nước nói chung) cao gấp 20 lần; BOD5 (lượng oxy cần thiết để oxy hóa hết các chất hữu cơ và sinh hóa do vi khuẩn có trong nước nói chung và nước thải nói riêng gây ra với thời gian 5 ngày) cao gấp 21,2 lần.
Ông Nguyễn Văn Ngoãn, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Nam Thanh chia sẻ với báo chí, nghề ở Bình Yên là nghề du nhập, không phải nghề truyền thống.
Từ nhiều năm trước, chính quyền xã và các đoàn thể chính trị xã hội đã tuyên truyền vận động nhân dân chấp hành luật bảo vệ môi trường trong sản xuất, kinh doanh nhưng vấn đề bảo vệ môi trường ở đây rất khó khăn.
Nguyên nhân là do nghề tự phát và bà con lại không tự giác; hơn nữa nghề này đang đem lại sinh kế cho gần 50% số hộ trong làng. Có trường hợp bị phạt nhưng ngành chức năng không thu được tiền.
Tình trạng ô nhiễm môi trường tại thôn Bình Yên ngày càng tăng cao và đã lên mức báo động, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.
Phạm Huyền (t/h)