Thừa Thiên Huế: Phá Tam Giang ngày càng ô nhiễm
Ô nhiễm môi trường - Ngày đăng : 13:07, 23/12/2016
Do tác động của thời tiết khắc nghiệt và ô nhiễm nguồn nước đã khiến cho hoạt động nuôi trồng thủy sản của người dân trên đầm phá Tam Giang bị thiệt hại nặng nề.
- Đông Anh(Hà Nội): Doanh nghiệp chế biến thực phẩm đang “Bức tử” người dân
Công ty cổ phần đá thạch anh cao cấp VSC: Hơn 10 năm người dân phải sống chung với ô nhiễm
Tại các chợ ở huyện Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc tháng 7, 8 vào vụ thu hoạch thủy sản chính nhưng lượng hải sản buôn bán khá ít.
Qua trao đổi, ông Trần Dân tại thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang cho biết: “Gia đình tôi thả nuôi 30 vạn con tôm sú nuôi xen ghép với cua, cá trên diện tích 2ha. Ban đầu tôm chết trước, sau đó kéo theo cua, cá, hầu hết các hộ nuôi trồng thủy sản khác tại phá Tam Giang đều gặp nạn như vậy. Người ít lỗ 30 triệu đồng, người nhiều đến hàng trăm triệu đồng”.
Tôm chết ven ao đầm tại xã Phú An, huyện Phú Vang
Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Xuân, huyện Phú Vang khẳng định, chưa bao giờ tôm, cua, cá nuôi lại chết nhiều như năm nay. Nguyên nhân do thời tiết khô hạn kéo dài, dẫn đến nguồn nước bị ô nhiễm, chất lượng con giống không đảm bảo. Bên cạnh đó, do thời gian qua, người nuôi trồng thủy sản sử dụng hàng loạt sản phẩm có “vấn đề” để cải tạo, xử lý môi trường trước khi thả nuôi tôm cá giống.
Nhiều hộ nuôi trồng thủy sản bỏ hoang ao hồ sau vụ chính tôm chết hàng loạt
Ông Nguyễn Quang Vinh Bình, Giám đốc Chi cục Thủy sản tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, đây là những sản phẩm mà người dân truyền tai nhau mua về cải tạo ao nuôi. Song qua kiểm định đối với một số sản phẩm đắt tiền bán trên thị trường, dù bao bì có ghi hàm lượng Vitamin B1, E, C (những chất tốt cho nuôi trồng thủy sản) rất cao nhưng kết quả phân tích thì không hề có.
Đơn vị đã phối hợp với Cảnh sát Phòng chống tội phạm môi trường (Công an tỉnh Thừa Thiên – Huế) kiểm tra và phát hiện 3 cơ sở vi phạm, bán hàng giả, hàng cấm không có trong danh mục cho phép của Bộ NN-PTNT. Trong đó, cơ sở ông Lương Chí Sĩ, ở thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, bán hàng cấm gồm 21 loại sản phẩm.
Cũng theo ông Bình, việc sử dụng các sản phẩm này đã khiến người nuôi trồng thủy sản rơi vào tình trạng “tiền mất, tật mang” gây hại cho con người, vật nuôi và môi trường lâu dài.
Tẩy rửa ngư cụ bằng hóa chất ảnh hưởng môi trường sinh thái
Ở phá Tam Giang thời gian gần đây còn bị đầu độc bởi thứ hóa chất “lạ” mà ngư dân dùng để tẩy rửa ngư cụ đánh bắt thủy sản.
Ông Mai Tuân, ở thôn Mai Gia Phương, xã Lộc Bình, huyện Phú Lộc, cho biết: “Hóa chất này có màu trắng, không mùi, dạng bột mịn, không rõ nguồn gốc xuất xứ, giá 50.000 đồng/kg bán khắp nơi, thậm chí tại các cửa hàng tạp hóa cũng có… Trước đây, sau mỗi chuyến khai thác thủy sản về phải xịt nước để giặt ngư cụ, mất khá nhiều thời gian. Giờ chỉ cần ngâm hóa chất là sạch ngay. Trong quá trình tẩy rửa hóa chất thấm xuống phá”.
Đầm phá Tam Giang rộng hơn 23.000 ha đang đứng trước nguy cơ ô nhiễm
Một cán bộ Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN-MT tỉnh Thừa Thiên – Huế) khẳng định: “Về mặt nguyên lý, chất tẩy này là một loại axít. Tuy nhiên, hiện nay quá trình quan trắc nước ven đầm phá chỉ xác định được các chỉ số về độ pH, hàm lượng ôxy hòa tan, nhu cầu ôxy sinh hóa… chứ không quan trắc chỉ tiêu về axít. Nguyên nhân, vì trong quy chuẩn Việt Nam về quan trắc nước ven bờ hiện nay không quy định các thông số về các axít hữu cơ này nên không kiểm tra được”.
Phá Tam Giang có diện tích khoảng 23 ngàn hécta với nguồn động, thực vật được đánh giá phong phú nhất khu vực Đông Nam Á. Hiện toàn đầm phá, người dân sử dụng khoảng 13.000 chiếc ngư cụ để đánh bắt tôm, cá. Vì vậy mỗi ngày có khoảng 1,3 tạ hóa chất đổ ra đầm phá Tam Giang. Lâu dài, việc sử dụng hóa chất với số lượng lớn sẽ tàn phá môi trường đầm phá.
Thiết nghĩ, cơ quan chức năng ngành nuôi trồng thủy sản cần phối hợp với chính quyền các địa phương trên địa bàn tỉnh để mở nhiều khóa tập huấn tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường nuôi trồng thủy sản để phát triển bền vững.
Ngọc Phương