‘Hô biến’ chất thải thành phân bón?
Ô nhiễm môi trường - Ngày đăng : 14:43, 18/01/2017
– Chất thải dạng lỏng được cho là phân bón của Công ty TNHH Miwon VN (Miwon VN) được đưa đi chôn lấp hoặc làm phân bón một cách vô tội vạ, gây ô nhiễm môi trường.
Công ty Nam Việt đào hố chôn lấp chất thải được cho là phân bón của Miwon VN
Nhờ có giấy phép sản xuất phân bón hữu cơ do Cục Trồng trọt (Bộ NN – PTNT) cấp, chất thải dạng lỏng được cho là phân bón của Công ty TNHH Miwon VN (Miwon VN) được đưa đi chôn lấp hoặc làm phân bón một cách vô tội vạ, gây ô nhiễm môi trường.
Theo tìm hiểu của phóng viên, từ tháng 1 đến hết tháng 8/2016, Công ty cổ phần Nam Việt (Công ty Nam Việt), đóng tại Phố Cò (TP.Sông Công, Thái Nguyên) mua 2.000 m3 chất thải dạng lỏng từ Miwon VN đưa về trang trại chăn nuôi của công ty ở xã Phượng Tiến (H.Định Hóa, Thái Nguyên) làm phân bón trồng cỏ nuôi bò.
Tuy nhiên, những ngày cuối tháng 8, đầu tháng 9/2016, phóng viên nhiều lần thâm nhập trang trại rộng 70 ha của Công ty Nam Việt và ghi nhận, công ty cho bạt đồi, dùng máy ủi đào các hố đất để đổ chất thải. Các bể chứa chất thải này đều không được lót vải, bạt chống thấm, chỉ cần gặp trận mưa lớn là chất thải sẽ tràn ra môi trường. Một thời gian sau, khi chất thải thẩm thấu, cạn dần, những chiếc hố chứa sẽ được lấp đầy đất, san phẳng, rồi trồng cây xanh lên trên.
Lúc chúng tôi đến, trong trang trại này còn 3 hố chứa chất thải của Miwon VN chưa kịp lấp đất, bốc mùi hôi thối nồng nặc. Lượng chất thải trong các hố chứa chỉ cách mặt đất khoảng 40 cm, chỉ cần một cơn mưa là tràn ra ngoài.
Bà Lê Thị Thu Hoài, người điều hành trang trại cho biết, công ty cố ý làm như vậy là để chất thải được cho là phân ngấm vào đất nhanh hơn, giúp cải tạo đất, để trồng cỏ nuôi bò. Tuy nhiên, dù trang trại được lập ra đã gần 1 năm, nhưng cỏ trồng lưa thưa và không có một con bò nào cả.
Theo một người dân xã Phượng Tiến, hễ trời mưa to là chất thải từ trang trại trôi ra xung quanh, làm cá trong ao của nhiều hộ dân chết hàng loạt. Người dân gửi đơn kiến nghị tới các cấp chính quyền nhưng vẫn chưa được giải quyết.
Thành lập được gần 1 năm nhưng trang trại của Công ty Nam Việt vẫn chưa nuôi bò
Đất đai bị chai cứng
Ngoài Thái Nguyên, Miwon VN còn bán chất thải dạng lỏng trên cho người dân ở khắp các tỉnh phía bắc như: Hà Nội, Thanh Hóa, Lạng Sơn, Yên Bái, Sơn La, Lai Châu,… để làm phân bón. Theo phản ánh của người dân H.Ba Vì (Hà Nội), chất thải của Miwon VN được nông dân ở đây dùng làm phân bón từ nhiều năm nay, không hề được cơ quan chuyên môn nào hướng dẫn. Loại chất thải dạng lỏng này chủ yếu dùng để tưới cỏ, chè, ngô, lúa… Chỉ riêng tại xã Vân Hòa (H.Ba Vì) đã có tới 6 đại lý thu mua loại nước thải trên. Mỗi đại lý tiêu thụ khoảng 20 m3/ngày.
Chủ một đại lý ở xã Vân Hòa cho hay, mua chất thải của Miwon VN giá rất rẻ, chỉ 50.000 đồng/m3, bán lại cho các hộ dân kiếm lời. Bây giờ nông dân Ba Vì rất phụ thuộc vào loại phân bón này, bởi nếu dùng phân bón khác thì cây không phát triển được. Theo người dân địa phương, sử dụng chất thải được cho là phân bón của Miwon VN tưới tràn lan, dẫn đến đất bị chai, cứng… Ông Nguyễn Văn Việt, một nông dân xã Vân Hòa cho hay chất thải được cho là phân bón của Miwon VN rất độc, ngửi phải sẽ bị chóng mặt, buồn nôn, đau đầu, gây mẩn ngứa trên da, nổi mụn…
PGS – TS Nguyễn Duy Thịnh (Khoa Công nghệ thực phẩm, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội) cho rằng cần quản lý việc nông dân sử dụng phân bón hữu cơ do Miwon VN sản xuất, nếu không môi trường sẽ bị ô nhiễm trầm trọng. Tưới chất thải vào đất trong thời gian dài sẽ làm các vi sinh vật giảm mạnh, khả năng tự cải tạo đất kém, dẫn đến thiếu ô xy trong đất, khiến rễ cây không thể phát triển. Đây là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng người dân ngày càng phụ thuộc vào loại phân bón này.
“Lập lờ đánh lận con đen”
Ông Giang Trung Thanh, Trưởng phòng Phân bón của Miwon VN cho biết, sản phẩm phân bón hữu cơ dạng lỏng của công ty được tung ra thị trường (chủ yếu là cho không) từ năm 2008 với khối lượng 40.000 – 50.000 m3/năm. Việc sử dụng loại phân này phải đúng cách và được hướng dẫn. Nếu bón nhiều quá cây trồng sẽ bị chết cháy, lúa quá tốt dẫn tới bị lốp mất năng suất…
Theo ông Nguyễn Như Cường, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), cục này chỉ cấp giấy phép cho Miwon VN sản xuất phân bón hữu cơ từ sản phẩm phụ là chất thải trong quá trình làm ra mì chính, với công suất 50.000 tấn/năm. Trong khi đó, một lãnh đạo khác của Cục Trồng trọt cho hay, không có đơn vị chức năng nào giám sát quá trình Miwon VN vận chuyển 50.000 tấn phân hữu cơ nói trên đi tiêu thụ. Không loại trừ khả năng 50.000 tấn phân hữu cơ bị thay thế bởi một loại chất thải nào khác được đưa đi chôn lấp, xử lý, thì cũng rất khó phát hiện ra. Vị lãnh đạo này nói thêm, việc Miwon VN xin cấp phép sản xuất 50.000 tấn phân/năm rồi đưa đi tiêu thụ là “lập lờ đánh lận con đen”.
Công an vào cuộc
Liên quan đến việc Công ty Nam Việt để chảy tràn chất được gọi là phân bón hữu cơ ra ngoài gây ô nhiễm môi trường, ông Giang Trung Thanh cho biết, khi ký hợp tác với Công ty Nam Việt, ông đã đến tận nơi để xem quy trình tiếp nhận, tập kết phân bón của công ty này, ghi nhận Công ty Nam Việt đựng phân bón vào xe téc, lấy đến đâu dùng hết đến đó nên đã đồng ý hợp tác. Theo ông Thanh, việc Công ty Nam Việt đào hố chứa phân hữu cơ trên đỉnh núi là sai, không đúng theo hợp đồng đã ký giữa hai bên.
Ông Hà Văn An, Giám đốc Công ty Nam Việt thừa nhận, 2.000 m3 chất thải dạng lỏng trên được công ty mua của Miwon VN để trồng cỏ nuôi bò. Việc đào hố chôn chất thải này là phương pháp cải tạo đất tốt hơn.
Trung tuần tháng 10/2016, trao đổi với phóng viên, bà Trần Thị Minh Hương, Phó giám đốc Sở TN-MT tỉnh Thái Nguyên (hiện đã chuyển sang làm Phó giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thuộc Bộ TN-MT) cho biết: “Công ty Nam Việt thừa nhận mua chất lỏng dạng phân bón về trồng cỏ. Chúng tôi chưa thể kết luận đó là phân bón hay không, vì qua kiểm tra tại hiện trường, lực lượng thanh tra không hề thấy có nhãn mác chứng minh chất lỏng trong hố đất là phân bón”.
Bà Hương cho biết, theo quy định, khi đi vào hoạt động, nếu Công ty Nam Việt chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường thì không được đưa chất thải dạng lỏng tưới cỏ. Tuy nhiên, công ty này chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường.
“Qua kiểm tra, phân tích mẫu nước tại hố chứa chất thải dùng làm phân của Công ty Nam Việt, các chỉ số về COD và BOD đều vượt quy định tới 800 lần. Khi hàm lượng COD và BOD trong đất cao sẽ khiến cho các vi sinh vật ở ngoài không phát triển được, làm cá thiếu ô xy, các sinh vật trong đất giảm”, bà Hương nói.
Theo bà Hương, sự việc xảy ra tại Công ty Nam Việt là nghiêm trọng, Sở TN – MT đang phối hợp với Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (PC49, Công an tỉnh Thái Nguyên) điều tra làm rõ.
Theo Thanhniên