TP.HCM: Ô nhiễm kinh hoàng từ các dòng kênh nội đô
Ô nhiễm môi trường - Ngày đăng : 07:56, 12/01/2017
– TP. HCM hiện có khoảng 2.000km kênh thoát nước nhưng đang trong tình trạng ô nhiễm trầm trọng, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân thành phố. Nguồn ô nhiễm không chỉ từ các nhà máy, các khu công nghiệp mà còn từ sự xả rác vô ý thức của chính người dân.
Những dòng kênh đen
Nhiều năm nay, người dân khu phố 1, P. Hiệp Phú (Q.9) thường than vãn về mùi hôi thối từ con rạch Bình Thọ, gây bất tiện cho cuộc sống hằng ngày. Bà Nguyễn Thị Tiêm (P. Hiệp Phú) cho biết gia đình bà phải đóng cửa thường xuyên để ngăn mùi hôi bay vào nhà. “Hễ cứ mở cửa là không chịu được. Thậm chí tôi phải bịt ngay hố ga thoát nước trước nhà vì có mùi hôi bốc lên” – bà nói.
Rác nỗi lềnh bềnh trên Rạch Dừa, đoạn chảy qua huyện Hoóc Môn và quận 12.
Con rạch này chỉ khoảng 2km, bắt nguồn từ Q.9 (TP.HCM) chảy qua ngã tư Bình Thái, theo một kênh đào rồi chảy vào sông Sài Gòn, nhưng luôn là “điểm nóng” mà người dân phản ánh về ô nhiễm môi trường. Điều đáng nói là tất cả nguồn ô nhiễm ở đây lại đổ vào sông Sài Gòn. Rạch Bình Thọ cũng chính là nơi mà HĐND TP.HCM yêu cầu các cơ quan chức năng lấy mẫu nước thải tại nhiều vị trí để xác định mức độ ô nhiễm và nguồn gây ô nhiễm.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, ở Q.9 có cụm công nghiệp Phước Long với 5 doanh nghiệp sản xuất và 6 doanh nghiệp nằm ngoài cụm này, chủ yếu hoạt động ngành nghề dệt, nhuộm, may, giày, sản xuất phân bón, thuốc thú y, sản xuất lon nhôm. Trong số này xác định 5 cơ sở phát sinh nước thải sản xuất nhưng được cho biết đã thu gom, xử lý.
Dòng kênh Đôi chảy qua quận 7 và quận 8 cũng đang ô nhiễm trầm trọng, dòng nước đen ngòm, đặc quánh gây mùi hôi thối khó chịu. Anh Nguyễn Văn Dũng (phường 4 quận 8) cho biết: “Hồi xưa kênh Đôi rất sạch, sạch đến mức chúng tôi còn câu được cá, trẻ con còn tắm và vui đùa trên bờ kênh. Nhưng rồi từ việc xả rác không ý thức của chính người dân, sự phát triển nhanh của thành phố khiến người dân lấn kênh, sinh hoạt bừa bãi làm kênh Đôi ngày càng ô nhiễm trầm trọng. Nước đen ngòm, hôi thôi không chịu được, cá bây giờ không thể sống nổi nói chi đến chuyện tắm sông như ngày xưa”.
Kênh Trần Quang Cơ, ranh giới giữa P. Hiệp Thành (Q.12) và xã Đông Thạnh (huyện Hoóc Môn) đang bị ô nhiễm trầm trọng. Nước ở dòng kênh này luôn trong tình trạng đen kịt và bốc mùi hôi thối nồng nặc.
Xả rác vô ý thức, phơi phân trâu, bò và xây chuồng trại trên bờ kênh khiến kênh Trần Quang Cơ (quận 12) ô nhiễm trầm trọng.
Mùi hôi nồng nặc nhất nằm ở khu vực gần cầu Trần Quang Cơ, trên đoạn kênh này phía bờ thuộc phường Hiệp Thành có hàng chục dãy chuồng heo, gà và lò nấu rượu xả thẳng nước đen ngòm xuống lòng kênh. Phía bờ kênh thuộc tổ 6, xã Đông Thạnh, người dân tận dụng bờ kênh để phơi phân trâu bò bón cho hoa màu. Gặp trời mưa, nước cuốn luôn cả phân xuống lòng kênh gây mùi hôi thối vô cùng” – một người dân ở tổ 6 cho biết. Ngoài ra, những bãi phế liệu tập kết dọc hai bờ kênh cũng xả rác thẳng xuống kênh gây ách tắc dòng chảy.
Chủ một tiệm cơm nằm sát cầu Trần Quang Cơ cho biết: “Vào những ngày nắng nóng, nước từ kênh bốc lên mùi hôi thối không thể chịu được, khách vào ăn cơm đôi khi phải vừa bịt mũi vừa ăn”. Phía hai đầu cầu Trần Quang Cơ còn có hai miệng cống lớn xả thải thẳng nước xuống lòng kênh, nước xả có màu trắng đục.
Ông Trần Văn Tân – Phó Chủ tịch xã Đông Thạnh thừa nhận tại khu vực tổ 6, cặp bờ kênh Trần Quang Cơ có mấy hộ chăn nuôi gia cầm xả nước thải xuống kênh. “Chúng tôi cũng nhiều lần đi kiểm tra và yêu cầu người dân cam kết phải xây dựng hệ thống hầm Biogas để xử lý nước thải. Chính quyền xã cũng nhiều lần cho xe tải xuống thu gom và xử lý những hộ dân phơi phân sát bờ kênh”. Cũng theo ông Tân, kênh Trần Quang cơ bị ô nhiễm và theo dòng chảy về phía rạch dừa cũng gây ô nhiễm trầm trọng cho con rạch này.
Xanh hóa những dòng kênh
Trong khi người dân sinh sống tại khu vực Q. Gò Vấp, Q. 12, Q. Tân Bình luôn ám ảnh bởi dòng kênh Tham Lương thì tương tự, người dân ven kênh 19.5 (chảy qua Q. Bình Tân, Q. Tân Phú và Q. Tân Bình) nhiều năm nay khổ sở vì mùi hôi và nước đen. Dọc con kênh này, càng về phía Q. Bình Tân, dòng nước càng đen, bọt sủi trắng. Điều đáng nói là hai bên bờ kênh có các miệng cống từ các cơ sở sản xuất và nhà dân xả thẳng nước xuống kênh. Ô nhiễm cũng đang trầm trọng trên các rạch Văn Thánh (Q. Bình Thạnh), kênh Nước Đen (Q. Tân Phú)…
Chính quyền địa phương phải xử dụng dây phao chặn rác tại cử xả gần rạch Cầu Bông (quận Bình Thạnh) chảy ra kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè.
Thừa nhận tình trạng ô nhiễm trong các dòng kênh nội đô thành phố đang ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân thành phố, bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ – Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP. HCM cho biết: “Hiện thành phố đang có khoảng 2.000km kênh thoát nước, hơn 100.000 hố ga và 800 cửa xả thải. Thế nhưng, nạn xả rác bừa bãi của người dân đã vô hiệu hóa gần như toàn bộ hệ thống thoát nước trên của thành phố”.
Một đoạn kênh chảy qua cầu Long Vân Tự (quận Bình Thạnh) tràn ngập rác thải từ sự vô tý thức của người dân.
Năm 2017, UBND thành phố HCM sẽ tiếp tục triển khai các dự án giải quyết ô nhiễm các dòng kênh. Trung tâm điều hành chương trình chống ngập tiếp tục triển khai các dự án nhà máy xử lý nước thải đô thị tập trung (nhà máy Tham Lương – Bến cát công suất 131.000 m3/ngày, dự án Nhiêu Lộc – Thị Nghè 480.000m3/ngày, nâng công suất dự án Bình Hưng từ 141.000m3/ngày lên 469.000m3/ngày…). Thành phố cũng đã chỉ đạo các Sở, ban ngành phối hợp với các quận, huyện tiến hành cải tạo, nạo vét và khơi thông hệ thống các kênh rạch được phân cấp quản lý. “Đặc biệt, thành phố chỉ đạo 24 quận huyện tiếp tục duy trì phong trào xây dựng mô hình khu phố không rác trên địa bàn. Triển khai sâu rộng chương trình phân loại, thu gom chất thải rắn sinh hoạt, chất thải nguy hại từ đầu nguồn”, bà Mỹ cho biết.
Theo Sở TN-MT, thời gian qua thành phố HCM đã triển khai nhiều dự án nhằm giải quyết tình trạng ô nhiễm của các dòng kênh. Trong đó, chương trình giảm thiểu ô nhiễm môi trường giai đoạn 2011-2015 đã tiến hành giải tỏa hàng chục ngàn căn nhà trên và ven kênh rạch, nạo vét khơi thông dòng chảy, trả lại chức năng tích nước và giao thông cho nhiều kênh rạch. Trong đó, các dự án đã hoàn thành như dự án lưu vực kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè; lưu vực kênh Tàu Hũ- Bến Nghé; Kênh Đôi – Kênh Tẻ và lưu vực kênh Tân Hóa – Lò Gốm…
Theo Dân Việt